Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Người tiên phong thử nghiệm nhiều cây trồng mới trên đất Cùa

Năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Nguyễn Ngọc Thỉnh, ở thôn Đoàn Kết, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ vẫn là một trong những hội viên nông dân tích cực, đi đầu trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới để nâng cao thu nhập cho gia đình, trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi ở vùng Cùa.

Ông Nguyễn Ngọc Thỉnh đang thu hoạch sắn dây

     Cũng như nhiều nông dân ở vùng Cùa, trước đây, kinh tế gia đình ông Thỉnh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Nhận thấy điểm yếu của bản thân, ông Thỉnh không ngừng tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm về các loại cây trồng, con nuôi trên mạng internet, sách, báo để áp dụng vào thực tế sản xuất. Đặc biệt, đầu những năm 2000, huyện Cam Lộ có chủ trương vận động người dân thực hiện Đề án phát triển cây cao su và cải tạo, phục hồi vườn tiêu, ông Thỉnh nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất bằng cách vay vốn ngân hàng để cải tạo lại vườn tiêu theo hướng thâm canh và trồng 2,5 ha cao su tiểu điền. Với bản tính cần cù, chịu khó, quá trình thực hiện mô hình ông luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đặc biệt là biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, đầu tư hệ thống nước tưới vào mùa hè, thoát úng vào mùa mưa. Nhờ đó, vườn tiêu 300 gốc của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt, cho năng suất cao.
     Không chỉ sản xuất những cây trồng truyền thống, năm 2017, khi chính quyền địa phương có chủ trương đưa cây sắn dây vào trồng thử nghiệm, ông đã tiên phong chuyển đổi 5 sào đất trồng sắn sang trồng sắn dây và duy trì cho đến nay. Ông Thỉnh cho biết, trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, cây ít sâu bệnh, đầu ra sản phẩm dễ dàng nên cho hiệu quả kinh tế cao. Với 5 sào sắn dây của gia đình, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Không dừng lại ở đây, ông Thỉnh còn thường xuyên lên mạng tìm hiểu các giống cây mới phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương để đưa về trồng thử nghiệm và nhân rộng. Cách đây 4 năm, ông ra tận tỉnh Hải Dương mua 31 cây vải U hồng về trồng thử nghiệm. Đây là loại vải chín sớm hơn so với các loại vải thông thường, ăn rất ngon nên giá bán cao gấp 2 - 3 lần. Vừa rồi, có 14 cây ra quả vụ đầu tiên. Ngoài ra, ông còn trồng 2 sào cây na dai với số lượng gần 100 gốc. Mặc dù mới trồng được hai năm nhưng hiện nay cây phát triển tốt và chuẩn bị ra quả bói.
      Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Chính Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Ông Thỉnh là hội viên nông dân sản xuất giỏi, biết phát huy lợi thế của vùng đất đỏ ba dan, gò đồi để trồng nhiều loại cây khác nhau. Đặc biệt, ông đã tìm tòi những cây trồng mới đưa về trồng để có cơ sở cho hội viên khác học tập, nhân rộng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thỉnh còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, vận động các hộ gia đình khác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, để tận dụng lợi thế từ đất đai, làm giàu trên chính đồng đất quê hương”.
       Mặc dù hiện nay chỉ có cao su, hồ tiêu, sắn dây và một số cây trồng ngắn ngày khác cho thu hoạch nhưng mỗi năm gia đình ông Thỉnh có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Trong tương lai, khi cây vải U hồng, na dai đến thời kỳ thu hoạch, nguồn thu nhập của gia đình ông sẽ tăng lên đáng kể. “Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đầu tư thâm canh là hết sức quan trọng. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật dịch bệnh sẽ khó xảy ra, năng suất, chất lượng sản phẩm lại cao. Phát triển mô hình kinh tế đa cây, đa con có rất nhiều ưu điểm, đó là việc thu hoạch đan xen nhau, lúc nào mình cũng có nguồn thu nhập, đồng thời, hạn chế được rủi ro nếu có dịch bệnh xảy ra hay giá cả lên xuống”, ông Thỉnh chia sẻ.

Tác giả bài viết: Anh Vũ

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 2704

Tổng lượt truy cập: 5.790.456