Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Lộ lan tỏa yêu thương bằng mô hình “ATM gạo”

Cứ đều đặn thứ 5 hàng tuần, rất đông bà con nhân dân có mặt tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ để được nhận gạo hỗ trợ. Điều đặc biệt, là gạo được cấp phát bằng máy, gọi là “ATM gạo”. Mô hình “ATM gạo” này không phải là mới ở nước ta, tuy nhiên là mô hình mới ở Cam Lộ, Quảng Trị.

Đông đảo bà con trên địa bàn đến từ sáng sớm để được hỗ trợ gạo miễn phí. Ảnh: Lê Trường

Tháng 11/2020, thông qua UBMTTQVN tỉnh, hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty PHGLock, thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ cho huyện Cam Lộ một cây “ATM gạo” phục vụ cấp gạo miễn phí để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh, thiên tai trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Liễn, một hộ nghèo ở khu phố 8, thị trấn Cam Lộ đến nhận gạo tại “ATM gạo” chia sẻ: “Gia đình tôi có 9 người, bản thân tôi thì thường xuyên đau ốm, nhưng một mình phải gánh vác mọi thứ trong gia đình, chăm lo cho chồng bị khuyết tật, mẹ chồng thì bị tai biến, và đứa con đầu bị tự kỷ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Cũng may có sự hỗ trợ từ ATM gạo, mà gia đình có thêm lương thực qua những ngày giá rét ni”.

Description: LETRUONG 2

Chị Nguyễn Thị Liễn vui mừng nhận gạo từ “ATM gạo” của hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ. Ảnh: Lê Trường


Cây ATM gạo được hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ khai trương vận hành gần 2 tháng, và đã hỗ trợ cho hơn 2.000 lượt người với số gạo đã cấp là 11 tấn. Máy hoạt động như cây ATM, người nhận gạo chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 5kg gạo, dành cho 3-5 người ăn trong khoảng 1 tuần. Với thời gian hoạt động duy nhất vào thứ 5 hàng tuần, nên “ATM gạo” này có rất đông bà con đến nhận gạo, do đó, hội Chữ thập đỏ huyện đã bố trí khu vực ưu tiên nhận gạo mà không phải xếp hàng dành cho người già yếu, người khuyết tật và phụ nữ mang thai, ngoài ra bố trí cán bộ hội luân phiên trực cả buổi trưa để phục vụ người dân khi đến nhận gạo.
"Khi nghe tin có cây gạo cấp phát miễn phí, tôi đã nhờ người đưa đến đây để nhận gạo hỗ trợ. Bản thân tôi đã trên 60 tuổi, lại bị khuyết tật, không thể tự đi xe máy, gia đình thì có mẹ già trên 95 tuổi, đến đây tôi được cán bộ hội ưu tiên lên nhận trước. Tôi thấy rất vui mừng và bày tỏ lòng biết ơn đến những tấm lòng hảo tâm đã hỗ trợ gia đình tôi cũng như mọi người có hoàn cảnh vượt qua khó khăn trong lúc này” Ông Trần Chức, ở thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền cho hay.

Description: LETRUONG 4

Ông Trần Chức được ưu tiên lên nhận gạo trước vì gia đình ở xa. Ảnh: Lê Trường


Có thể nói, mô hình “ATM gạo” mà hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ đang thực hiện đã mang lại ý nghĩa thiết thực, đầy tính nhân văn cao cả. Sau những thiệt hại nặng nề do những đợt mưa lũ vừa qua, nhân dân trên địa bàn huyện rất cần những sự giúp đỡ, hỗ trợ như thế, để lan tỏa tình yêu thương, chia sẻ, tiếp thêm động lực giúp các gia đình là hộ nghèo, gia đình chính sách… vượt qua những khó khăn trước mắt, khôi phục lại kinh tế, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ cho biết thêm: “Hiện nay, lượng người đến nhận gạo hỗ trợ từ ATM khá lớn, để đảm bảo sự công bằng trong cấp phát, thì hội đã có thông báo những đối tượng là hộ nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn phải có xác nhận của UBND xã, khi đi cần mang theo các giấy tờ liên quan để được nhận gạo. Ngoài ra, thời gian tới, nhằm giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của bà con, chúng tôi đã có kế hoạch xin UBND huyện về việc tổ chức đưa ATM gạo đi lưu động đến các xã ở xa trung tâm huyện, mỗi tuần một xã để nhằm giúp đỡ những gia đình thực sự khó khăn có nhu cầu nhận gạo. Cùng với đó, hội cũng sẽ tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức hảo tâm ủng hộ gạo để chúng tôi tiếp tục duy trì vận hành mô hình ATM gạo hiệu quả hơn”.

Description: LETRUONG 1Cán bộ hội CTĐ huyện Cam Lộ chuẩn bị sẵn lượng gạo vào cây “ATM gạo” để người dân đến nhận. Ảnh: Lê Trường


Những khó khăn sau mưa lũ, hay dịch bệnh vẫn còn đó, và câu chuyện về "ATM gạo" miễn phí ở khắp mọi miền đất nước nói chung và Cam Lộ nói riêng vẫn tiếp tục lan tỏa vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là giúp đỡ được càng nhiều hoàn cảnh càng tốt. Mong rằng, những việc làm như thế sẽ nhân lên thêm những yêu thương để tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc ta tiếp tục được lan tỏa, chia sẻ khó khăn với người dân.
 

Tác giả bài viết: Lê Trường

More

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 6511

Tổng lượt truy cập: 7.955.086