Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Kỳ vọng từ cây đàn hương ở vùng gò đồi Cam Lộ

Nhằm đa dạng các loại cây dược liệu, hướng đến xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã đưa nhiều loại cây dược liệu vào trồng thử nghiệm để nhân rộng, trong đó có cây đàn hương. Mặc dù mới trồng trong thời gian ngắn nhưng loại cây này phát triển nhanh, hứa hẹn nhiều triển vọng mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Nông dân thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền đang chăm sóc cây đàn hương

Sau gần một năm xuống giống, những cây đàn hương ở vùng đồi thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã phát triển cao từ 1,5- 2 mét. Theo bà con trồng đàn hương ở đây cho biết, đã trải qua một mùa nắng hạn gay gắt và mùa mưa kéo dài nhưng tỷ lệ cây sống trên 95%, phát triển nhanh, đồng đều. Điều này cho thấy giống cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Cam Lộ.

Gia đình ông Trần Minh Khánh trồng 150 gốc đàn hương trên diện tích 6 sào, xen giữa diện tích trồng cây ăn quả chưa khép tán. Ông Khánh cho biết, kể từ khi trồng cho đến nay đã bón phân và chăm sóc, làm cỏ, vun gốc ba lần, hiện nay cây phát triển rất tốt, có cây cao hơn 2 mét.

“Tôi đã trồng thử nghiệm khá nhiều loại cây, nhất là cây dược liệu nhưng tôi thấy cây đàn hương rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở vùng gò đồi. Thời điểm xuống giống vào tháng 3 năm 2023, sau đó nắng hạn gay gắt kéo dài, rồi đến mưa rét nhưng tỉ lệ cây sống rất cao và phát triển tốt, đặc biệt là hầu như không có sâu bệnh gây hại. Mong rằng khi có sản phẩm thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân như đã cam kết để chúng tôi có thêm thu nhập, nâng cao đời sống”, ông Khánh chia sẻ.

Đầu năm 2023, huyện Cam Lộ liên kết với Viện Nghiên cứu cây đàn hương và Thực vật quý hiếm triển khai trồng thử nghiệm cây đàn hương tại xã Cam Tuyền. Có 12 hộ tham gia trồng với diện tích 4,5 ha (tương đương gần 2.000 cây). Đây là diện tích đất đã được bà con đã trồng cây ăn quả nhưng chưa khép tán. Quá trình triển khai mô hình, UBND huyện hỗ trợ 50% giá giống, phân bón vi sinh, tương đương hơn 62 triệu đồng. Ngoài ra, bà con được tập huấn chuyển giao kỹ thuật về quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch… Các hộ gia đình này cũng thành lập một tổ hợp tác để hỗ trợ nhau trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ không để gia súc phá hoại.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Trần Thọ Bình cho biết, hiện nay toàn bộ diện tích cây đàn hương ở thôn An Mỹ phát triển tốt nên bà con nông dân rất phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng vào loại cây này. Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo, hướng dẫn bà con tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật của Viện Nghiên cứu cây đàn hương và Thực vật quý hiếm đưa ra.

Đàn hương là loại cây dược liệu có xuất xứ từ Ấn Độ mới du nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Cây đàn hương có ưu thế là tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ lõi gỗ, rễ, lá, hạt và rác gỗ để làm tinh dầu, mỹ phẩm… nên mang lại giá trị kinh tế khá cao, được mệnh danh là cây “vàng xanh” hay cây “triệu đô”. 

Trồng cây đàn hương rủi ro thấp vì nó là cây trồng xen canh, người nông dân đang có vườn cam, vườn bưởi, vườn gỗ sưa,… có thể trồng xen cây đàn hương vào và vẫn có nguồn thu từ cả hai loại cây trồng.

Đàn hương có thể trồng được ở các loại đất khác nhau như đất cát, đất đỏ, đất sét, đất đá ong pha sét, đất sỏi nhưng đòi hỏi hệ thống thoát nước tốt, vì không chịu được ngập úng.

Cây đàn hương trồng đến năm thứ 3 bắt đầu cho thu hoạch lá; từ năm thứ 4 đến năm thứ 13 cho thu hoạch quả với năng suất trung bình khoảng 1,5 kg/1 cây/1 năm; từ năm thứ 13 trở đi là thu hoạch gỗ, trung bình mỗi cây cho thu hoạch khoảng 20-30 kg lõi, bao gồm lõi thân, lõi rễ và lõi cành.

Hiện nay trên thị trường, lá đàn hương tươi có giá khoảng 100.000đ/kg; quả từ 150.000đ-200.000đ/kg; lõi gỗ từ 1-5 triệu đồng/kg (tùy theo kích cỡ).

Theo Tiến sỹ Vũ Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu cây đàn hương và Thực vật quý hiếm Việt Nam cho biết, mỗi ha đàn hương từ khi bắt đầu cho thu hoạch lá, quả đến toàn bộ thân, rễ cho thu nhập khoảng 500-700 triệu đồng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào mật độ trồng, quy trình chăm sóc như thế nào, trồng xen với cây gì...

“Hiện nay chúng tôi có chủ trương phát triển vùng trồng cây đàn hương ở Cam Lộ, sau đó sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm để hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Đồng thời ký cam kết với UBND huyện Cam Lộ và bà con sẽ bao tiêu sản phẩm  đầu ra hai sản phẩm chính là hạt và gỗ cây đàn hương”, Tiến sỹ Vũ Thoại cho biết thêm.

                                                                                                            Anh Vũ

More

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 6414

Tổng lượt truy cập: 7.954.989