Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cựu chiến binh Cam Lộ khai thác tiềm năng, huy động nguồn lực để phát triển kinh tế

Những năm qua, cùng với công tác xây dựng tổ chức hội vững mạnh, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Cam Lộ đã bám sát các nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, động viên cán bộ, hội viên tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, các CCB tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mô hình nuôi ong lấy mật của hội viên CCB ở xã Cam Nghĩa

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hào (63 tuổi) ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, ai cũng khâm phục ý chí, tinh thần vượt khó làm giàu của CCB cao tuổi này. Ông Hào trước đây đi bộ đội ở Campuchia năm 1984, đến năm 1986 thì ra quân trở về địa phương, tham gia lao động sản xuất với nhiều công việc khác nhau. Với quyết chí làm giàu trên quê hương, năm 2015 ông Hào mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn mới, đó là liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam xây dựng trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn.

    Với hình thức liên kết nuôi gia công với doanh nghiệp, ông Hào chỉ đầu tư hạ tầng, chuồng trại và nhân công, còn Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam chịu trách nhiệm cung ứng toàn bộ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đưa kỹ sư về hướng dẫn chăm sóc lợn ngay tại trang trại cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm. Từ nguồn vốn tích lũy được và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội CCB huyện, ông xây trang trại nuôi với quy mô 600 con/lứa.

    Từ lợi nhuận thu được và tích lũy thêm, năm 2021, ông Hào tiếp tục mở rộng quy mô, xây thêm một trại mới với quy mô 1.200 con/lứa. Hiện nay, mỗi năm ông Hào nuôi 2 lứa, mỗi lứa cả hai trại lên đến 1.800 con lợn. Năm 2021, ông xuất chuồng gần 600 tấn lợn, sau khi trừ các khoản chi phí lãi được hơn 600 triệu đồng. Mô hình này còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương.

    Để giúp cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong 5 năm qua, Hội CCB huyện Cam Lộ đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề cho 1.650 lượt cán bộ, hội viên. Tạo điều kiện cho hội viên vay hơn 28 tỉ đồng từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đến nay, tổng nguồn vốn do hội quản lý là 62,5 tỉ đồng, có 35 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1.228 hộ vay.

   Từ nguồn vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật có được, nhiều hội viên đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao như nuôi dê nhốt chuồng, nuôi lợn theo hình thức trang trại quy mô lớn; chăn nuôi gà, cá nước ngọt, nuôi ong lấy mật; trồng cao su, trồng rừng, cây ăn quả... đặc biệt là phát triển trồng các loại cây dược liệu; phát triển kinh tế trang trại đa cây, đa con mang lại thu nhập cao.

   Gia đình CCB Trần Hùng Vỹ, ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành là một trong những hội viên đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Với lợi thế đất đai vùng gò đồi, ông Vỹ đầu tư trồng 0,6 ha hồ tiêu với 700 gốc tiêu, 1,5 ha cao su kết hợp nuôi thêm 15 con dê. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây trồng, con nuôi của gia đình ông đều phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ tiêu năm nay được mùa, ông thu hoạch được trên 1 tấn tiêu khô. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu khoảng 150 triệu đồng.

    Đến nay, hội viên CCB trên địa bàn huyện có 775 ha cao su, 90 ha hồ tiêu, 1.015 ha rừng; 19 ha quế; 12 ha cây dược liệu các loại khác. Ngoài ra, chăn nuôi trâu bò hơn 900 con; duy trì hiệu quả 18 mô hình sản xuất; 14 trang trại, 25 gia trại; 219 hộ tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ tổng hợp; có 4 doanh nghiệp do CCB làm chủ. Số hộ CCB giàu 558/2.455 hộ (chiếm 22,7%); hộ CCB khá 1.136 hộ (chiếm 46,3%); hộ trung bình 723 hộ (chiếm 29,46%); cận nghèo 30 hộ (chiếm 1,22%); hộ nghèo 8 hộ (chiếm 0,32%), các hộ nghèo đều thuộc diện bảo trợ xã hội.

    Chủ tịch Hội CCB huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Quang cho biết: “Thời gian tới, hội tiếp tục huy động mọi tiềm năng, nguồn lực, động viên cán bộ, hội viên tham gia phát triển kinh tế. Khuyến khích hội viên mở mang mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện sẵn có. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế địa phương, giúp các hội viên gia đình chính sách, hộ cận nghèo vươn lên hộ khá.

    Phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; kiểm tra chỉ đạo hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Tham mưu UBND huyện thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân CCB, CCB làm kinh tế và giúp đỡ câu lạc bộ hoạt động hiệu quả...”.

    Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng tinh thần vượt khó, năng động, dám nghĩ, dám làm, những hội viên CCB huyện Cam Lộ đang tỏa sáng, đi đầu trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, tạo nền tảng vững chắc để cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân phấn đấu xây dựng huyện Cam Lộ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

 

Tác giả bài viết: Anh Vũ

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2348

Tổng lượt truy cập: 5.790.099