Chi tiết - Huyện Cam Lộ
Triển vọng phát triển cây quế ở Cam Lộ
- 30-06-2022
- 454 lượt xem
Thực hiện biên bản ghi nhớ ngày 20/10/2021 giữa Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) và UBND huyện Cam Lộ về hợp tác trồng, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ trên địa bàn, đến nay huyện Cam Lộ đã trồng thử nghiệm gần 150 ha cây quế. Qua đánh giá bước đầu, cây quế sinh trưởng tốt, mở ra triển vọng phát triển vùng trồng quế nguyên liệu sản xuất hàng hóa gắn với nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế, xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cam Lộ lần thứ XVI đề ra.
Triển khai trồng quế ở Cam Lộ
Gia đình anh Hoàng Minh Châu ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền có 8 ha rừng tràm. Ngay khi có thông tin Công ty Vinasamex hợp tác với huyện Cam Lộ trồng và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế, gia đình anh Châu mạnh dạn chuyển 6 ha rừng tràm sang trồng cây quế. “Qua tìm hiểu, quế là loài cây đa tác dụng. Vỏ và quả quế dùng làm thuốc; lá và vỏ khô cho tinh dầu và làm gia vị; gỗ dùng trong xây dựng và làm đồ dùng gia đình. Đây là loài cây cho hiệu quả kinh tế cao và được trồng ở nhiều nơi. Các sản phẩm từ quế được sử dụng nhiều ở trong nước và xuất khẩu. Nên khi huyện triển khai chương trình trồng quế và có biên bản thỏa thuận hợp tác trồng, thu mua sản phẩm cho nông dân thì chúng tôi hưởng ứng ngay”, anh Châu chia sẻ.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại khá nhiều vùng trồng quế quảng canh ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Qua lấy mẫu quế ở xã Hướng Sơn đưa đi test cho thấy, cùng một độ tuổi với cây quế ở tỉnh trồng nhiều quế nhất là Yên Bái, nhưng cây quế ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa có sự phát triển vượt trội hơn. Theo đó, điều kiện khí hậu ở Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng rất thích hợp để trồng và phát triển cây quế. Ngày 20/2/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ và Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ cũng triển khai trồng cây quế.
Tại buổi lễ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường và UBND huyện Cam Lộ đã ký kết Chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh - Phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 2022 - 2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế và 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ nhằm nâng cao độ che phủ rừng và chống biến đổi khí hậu, qua đó vừa hỗ trợ phát triển rừng, vừa hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Huyện Cam Lộ có trên 22.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp; hằng năm diện tích rừng khai thác và cây cao su đến thời hạn thay thế khoảng 1.500 ha. Định hướng của huyện dần chuyển đổi diện tích rừng trồng đã khai thác và cây cao su hết thời hạn khai thác sang trồng quế hữu cơ tập trung. Năm 2021, huyện sử dụng quỹ đất của các tổ chức giao lại tại các xã Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Hiếu, Cam Thành và Cam Tuyền để đầu tư trồng thử nghiệm quế hữu cơ với diện tích khoảng 150 ha.
Các năm tiếp theo, từ kết quả sản xuất thử nghiệm quế hữu cơ năm 2021, nếu cho kết quả tốt sẽ trồng tăng diện tích lên hằng năm, triển khai chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâm nghiệp, cây cao su sang trồng quế tại các xã, thị trấn với diện tích tăng hằng năm từ 300 - 500 ha/năm. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 trồng từ 9.000 -10.000 ha quế hữu cơ; nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha cho mỗi loại/năm. Bên cạnh đó, sau khi phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Cam Lộ sẽ mở rộng vùng nguyên liệu ở các địa phương lân cận nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết: “Theo biên bản ghi nhớ, phía Công ty Vinasamex đảm bảo cung cấp 160 triệu cây quế giống theo tiêu chuẩn hữu cơ để trồng từ nay đến hết năm 2025 trên diện tích 20.000 ha. Đồng thời, cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ cho hộ nông dân trồng quế, nghệ, gừng và tiêu hữu cơ trên địa bàn huyện Cam Lộ. Công ty Vinasamex cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng vùng nguyên liệu quế, nghệ, gừng, tiêu hữu cơ được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, Công ty Vinasamex sẽ đầu tư 300 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm quế tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, huyện Cam Lộ với công suất chế biến 200.000 tấn vỏ quế tươi/năm; 360 tấn dầu quế từ lá/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 - 500 lao động địa phương”.
Huyện Cam Lộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa lý, địa hình và đất đai thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu có hàm lượng dược tính cao. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã hình thành các mô hình sản xuất liên kết các cơ sở chế biến các sản phẩm dược liệu hiệu quả kinh tế cao như: Công ty TNHH MTV Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy liên kết sản xuất và tiêu thụ cây chè vằng, cà gai leo; Cơ sở sản xuất cà gai leo An Xuân ở xã Cam Tuyền trồng và chế biến sản phẩm cà gai leo; Công ty Cổ phần AGRYDYNAMICS Việt Nam trồng cây an xoa tại Cam Lộ đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ; HTX cao dược liệu Trường Sơn chế biến các loại tinh dầu… góp phần tạo ra thu nhập cho người dân cao gấp 4 - 5 lần so với các cây truyền thống như sắn, lạc, rau đậu... trên cùng loại đất.
Tuy nhiên, quy mô vùng nguyên liệu cây dược liệu còn nhỏ, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện; chưa xác định được danh mục các loài dược liệu chủ lực của huyện để ưu tiên đầu tư phát triển; việc khai thác, sử dụng các loài dược liệu trong tự nhiên chưa gắn với các giải pháp bảo tồn và phát triển; thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu, chủ yếu tiêu thụ ở dạng sản phẩm làm thực phẩm (trà, cao dược liệu…); liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và chưa đồng bộ…
Vì vậy, việc liên kết với Công ty Cổ phẩn sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế, hình thành các vùng nguyên liệu dược liệu mang tính hàng hóa, đảm bảo theo các tiêu chuẩn an toàn gắn với xây dựng, công nhận các sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Thanh Hải
- Kịp thời phân bổ 34 tấn giống lúa cho nông dân sản xuất vụ hè thu (30/06/2022)
- Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất lạc theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cam Lộ (30/06/2022)
- Công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc (30/06/2022)
- Thả nuôi 7 vạn ốc bươu đen (30/06/2022)
- Trồng thử nghiệm 5 ha cây dong riềng đỏ (30/06/2022)
- Trồng 2 ha cây ba kích tím (30/06/2022)
- Nông dân Cam Lộ đẩy mạnh hợp tác, liên kết để sản xuất hiệu quả (20/03/2022)
- Giải ngân 100 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên xây dựng mô hình trồng cây ăn quả (20/03/2022)
- Thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng (20/03/2022)
- Khảo sát tiềm năng cây dược liệu (20/03/2022)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
Đang truy cập: 14
Hôm nay: 7415
Tổng lượt truy cập: 7.965.123
Cổng thông tin điện tử huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn
SĐT: 0233.33871544 - 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ