Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Khởi sắc Tân Tường

Những ngày chớm thu, chúng tôi trở lại mảnh đất giàu truyền thống cách mạng - làng Tân Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, nơi có Khu di tích Nhà Tằm để ôn lại kỳ tích vinh quang gắn với những người con hào kiệt. Chính truyền thống lịch sử vẻ vang, đầy tự hào ấy đã và đang được địa phương gìn giữ, phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.

Một góc làng Tân Tường hôm nay

 Nhắc đến những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Quang Bình, một người cao tuổi tại làng Tân Tường cho biết: “Đất nước thống nhất, người dân Tân Tường bắt tay vào xây dựng lại quê nhà từ xuất phát điểm thấp bởi nơi đây đất đai cằn cỗi, thiếu nước sản xuất, thiên nhiên không ưu đãi lại bị bom đạn cày xới trong chiến tranh... Nhưng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, với khí thế phấn khởi, tự hào và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mỗi người dân trong làng đều phấn đấu vươn lên sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống mới. Làng Tân Tường hôm nay đã có một diện mạo mới, mang vóc dáng của một làng quê đáng sống”.
     Bước qua cổng làng Tân Tường, trước mắt chúng tôi là một làng quê trù phú, rợp bóng cây xanh với hệ thống các thiết chế văn hóa cơ bản hoàn thiện. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, người dân làng Tân Tường đã tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, một bộ phận khác tham gia lao động sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn, nhờ vậy cuộc sống người dân được cải thiện rõ nét. Đặc biệt, trong thôn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, trang trại, gia trại trồng rừng kinh tế, cao su, lạc, chăn nuôi... đem lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở làng Tân Tường đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,9%.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), làng Tân Tường đã để lại dấu ấn rõ nét tại địa phương bởi tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân. Công trình thắp sáng đường quê được hoàn thiện trên cơ sở 100% sự đóng góp của người dân đã thắp sáng cho trên 80% đường làng, ngõ xóm. Các tuyến đường tự quản do các đoàn thể đảm nhận được thực hiện vệ sinh, dọn dẹp, trồng hoa thường xuyên nên bộ mặt làng quê thêm sạch đẹp, văn minh. Các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao cũng phát triển mạnh mẽ, tạo thêm niềm vui, phấn khởi và góp phần rèn luyện sức khỏe cho người dân. Tinh thần hiếu học của con em làng Tân Tường qua bao thế hệ chính là một sự tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông.
“Đã từ lâu, làng Tân Tường rất quan tâm đến việc học tập của thế hệ trẻ. Từ nguồn quỹ khuyến học của địa phương, các đoàn thể, dòng họ…đã động viên kịp thời con em của làng vượt khó, vươn lên có thành tích cao trong học tập. Đặc biệt, cứ 3 năm 1 lần, làng Tân Tường tổ chức hội làng để cúng tổ tiên, mừng quê hương đổi mới và vinh danh những học sinh giỏi ngay tại di tích Nhà Tằm - Tân Tường. Nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại địa phương”, ông Bình phấn khởi cho biết.
     Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Cam Thành” thì làng Tân Tường ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Dân làng đã lập miếu thờ ông Lê Thế Vỹ, đỗ cử nhân, người làng Tường Vân (Triệu Phong), mộ dân lên đây lập nghiệp và tổ chức phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX. Bởi vậy có người cho rằng tên làng Tân Tường có từ sau khi cụ Lê Thế Vỹ lên đây sinh sống. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Nhà Tằm - Tân Tường được dùng làm nơi nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa nhưng bên trong là tổ chức chính trị hoạt động chống Pháp. Đây là nơi quy tụ những người yêu nước ở Quảng Trị, là cơ sở quyên góp tài chính ủng hộ những trí thức xuất dương tìm đường đánh Pháp.
     Năm 1928, đồng chí Lê Thế Tiết từ Nghệ An vào Quảng Trị chọn Tân Tường làm cơ sở để xây dựng Tỉnh bộ Tân Việt tại Quảng Trị và chọn Cam Lộ là địa bàn hoạt động chính. Trong lúc tình hình hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Tân Việt ở Quảng Trị đang gặp khó khăn về phương hướng và tổ chức thì tháng 6/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử vào Quảng Trị để thành lập tổ chức Đảng Cộng sản. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cũng đã liên hệ với đồng chí Lê Thế Tiết bàn việc chuyển Đảng bộ Tân Việt Quảng Trị thành một bộ phận của Đông Dương Cộng sản Đảng, giao tài liệu và truyền đơn để đồng chí Lê Thế Tiết in và rải kịp thời. Sự kiện này đã tạo bước ngoặt mới của phong trào cách mạng xã Cam Thành. Nhóm cộng sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời ở Tân Tường gồm 6 đồng chí: Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Hoàng Thị Ái, Trương Sỹ Đản.
     Ngày 21/4/1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập do đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư. Các chi bộ cộng sản hoạt động ở Quảng Trị đều trở thành cơ sở của Đảng, trong đó có Chi bộ Tân Tường. Sự ra đời của Chi bộ Tân Tường cũng là cơ sở cho sự hình thành của các chi bộ trên địa bàn huyện Cam Lộ, là “viên gạch hồng” đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của Huyện ủy Cam Lộ vào tháng 5/1930. Từ đây, Nhà Tằm- Tân Tường tiếp tục là cơ sở quan trọng của Huyện ủy Cam Lộ và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Những năm 1930-1931, Nhà TằmTân Tường là nơi Tỉnh ủy Quảng Trị đóng và tổ chức các hội nghị. Tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn mãn hạn tù từ Côn Đảo trở về Quảng Trị, đã đến Tân Tường gặp đồng chí Lê Thế Tiết và các đảng viên để phổ biến tình hình mới và biện pháp đấu tranh phù hợp, tổ chức cuộc nói chuyện với Nhân dân tại trọt Cỏ Ống (trên đường vào Cùa) với trên 300 quần chúng đến dự. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, các đảng viên ở Cam Thành đã nhanh chóng tiếp thu đường lối mới, hoạt động rất tích cực để xây dựng phong trào cách mạng.
     Đứng giữa chốn linh thiêng của Khu di tích cách mạng Nhà Tằm, nơi có hình tượng ngọn lửa vĩnh cửu đang bùng lên ấy, chúng tôi cảm nhận được hào khí cha ông, các thế hệ đi trước như đang lan tỏa đến hôm nay, để những người con của làng Tân Tường tiếp thêm sức mạnh cùng chung tay xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
 

Tác giả bài viết: Lệ Như

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 492

Tổng lượt truy cập: 5.843.443