Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Nông dân Cam Lộ nỗ lực vì quê hương giàu đẹp

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lộ tích cực, chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả các đề án về sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị ở nông thôn.

Mô hình trồng cây chè vằng mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016 - 2020”, các cấp Hội Nông dân huyện Cam Lộ tập trung vận động cán bộ, hội viên, nông dân dồn điển đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cho các hội viên học tập, nhân rộng. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hội viên áp dụng như: Mô hình chăn nuôi lợn liên kết, ứng dụng công nghệ mới ở xã Cam Thanh; nuôi lợn rừng ở xã Cam Thành; nuôi thỏ, lợn, chim bồ câu Pháp ở xã Cam Thủy; chăn nuôi tổng hợp, trồng chè vằng, nấu cao dược liệu ở xã Cam Nghĩa; sản xuất gạo chất lượng cao ở xã Thanh An. trồng cỏ nuôi bò ở thị trấn Cam Lộ; trồng sắn dây ở xã Cam Chính; cải tại vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả ở xã Cam Hiếu; nuôi bò lai sinh sản ở các xã Cam Thủy, Cam Tuyền; mô hình nuôi dê nhốt, nuôi ong ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa và thị trấn Cam Lộ... Việc đưa cơ giới vào sản xuất đồng bộ được áp dụng, bước đầu nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình OCOP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đồng hành hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, 100% hội cơ sở và Hội Nông dân huyện đều huy động được Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức hoạt động vay vốn thông qua ủy thác từ các ngân hàng. Từ năm 2018 đến nay đã xây dựng được hơn 300 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn huyện lên 929 triệu đồng, cho 41 hộ vay để thực hiện 40 mô hình sản xuất. Các cấp hội cũng tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng nguồn vốn đến nay là 90,78 tỉ đồng cho 2.402 hộ vay; tín chấp qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với số tiền 161,3 tỉ đồng cho 1.294 hộ vay; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 9,1 tỉ đồng cho 235 hộ vay…, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn vốn vay phát triển sản xuất của hội viên.
 
Hoạt động hỗ trợ cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, hội chủ động phối hợp với các công ty phân bón, thức ăn chăn nuôi cung ứng trên 150 tấn phân bón; trên 120 tấn thức ăn gia súc các loại cho nông dân; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn sử dụng phân bón cho cây trồng; cho nông dân vay phân bón theo hình thức trả chậm; tổ chức hội thảo đầu bờ, hướng dẫn sử dụng các loại phân bón cho cao su, hồ tiêu, cây lúa, lạc... Đến nay, 100% cơ sở hội tổ chức được các dịch vụ cung ứng, phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho nông dân khi có yêu cầu. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương luôn được các cấp hội nông dân quan tâm, giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi.
 
Trong 3 năm (2018- 2020), Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức 23 lớp tập huấn chuyển giao KHKT thu hút 1.443 hội viên tham dự; xây dựng mới 18 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới có hiệu quả như: Trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê nhốt, nuôi gà thả vườn, trồng sắn dây, phát triển cây chè vằng, nấu cao dược liệu... , góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và tạo niềm tin cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngành chức năng tham mưu, đề xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm cho nông dân như: Tiêu Cùa, gà Cùa, bột sắn dây, tinh bột nghệ, các loại cao dược liệu...; giới thiệu hội viên tham gia hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có chất lượng, có thương hiệu, qua đó giúp nông dân kết nối thị trường tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Năm 2020, huyện Cam Lộ có 7 sản phẩm nông nghiệp địa phương được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của cả tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng đưa sản phẩm nông nghiệp hàng hóa huyện Cam Lộ vươn ra chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
 
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất, phát huy vai trò chủ thể trong kiến tạo nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến 100% cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế nông thôn góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Các cấp hội tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện Kế hoạch số 38-KH/HU, ngày 6/7/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh thực hiện các công trình, phần việc trọng tâm theo Chương trình hành động số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; tổ chức xây dựng vườn mẫu, đường mẫu, hiến đất, góp đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi công cộng, xây dựng và sửa chữa nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh phù hợp với quy hoạch dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả người dân đã hiến trên 28.788 m2 đất, đóng góp 6,697 triệu đồng và 11.986 ngày công, làm mới và sửa chữa trên 31,6 km đường giao thông nông thôn và 26,3 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, xây dựng được 8 tuyến đường mẫu, 23 vườn mẫu, cải tạo 46 vườn tạp, thành lập được 63 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” có 6.413 hội viên nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần vào kết quả trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới.
 
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh cho biết: “Thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân huyện nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện có nhiều đổi mới gắn việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, trong năm 2019-2020, huyện tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nông dân phấn khởi, tích cực ủng hộ tham gia góp phần đưa huyện Cam Lộ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Các phong trào thi đua của hội tiếp tục được phát triển cả chiều rộng, chiều sâu; vai trò đại diện của hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên nông dân được phát huy, khẳng định vị thế của tổ chức hội thực sự là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của huyện”.
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Hải (Báo QT)

More

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 20

Tổng lượt truy cập: 7.948.593