Chi tiết - Huyện Cam Lộ
Cam Lộ chủ động phương án ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất
- 30-09-2024
- 87 lượt xem
Huyện Cam Lộ có địa hình tương đối phức tạp, sông suối ngắn và dốc, khi có mưa lớn nước thường lên nhanh và chảy xiết nên dễ bị chia cắt và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trước tình hình ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan diễn ra ngày càng phức tạp, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các kế hoạch, phương án, giải pháp phòng chống thiên tai, bám sát phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Diễn tập phòng chống thiên tai ở xã Cam Thủy
Trước mùa mưa lũ năm 2024, huyện Cam Lộ phối hợp với Công ty TNHH MTV QLKT công trình thủy lợi Quảng Trị thực hiện kiểm tra đánh giá an toàn công trình hồ, đập; tổ chức vận hành điều tiết thử các cửa van tràn xả lũ, đánh giá tình trạng kỹ thuật công trình, phân nhóm các sự cố có nguy cơ mất an toàn công trình, kịp thời khắc phục sửa chữa các hư hỏng, đảm bảo hoạt động ổn định trong mùa mưa lũ.
Đồng thời, duy trì hoạt động của mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt từ cơ sở đến ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp, chủ động xây dựng phương án PCTT chi tiết cho từng hệ thống hồ, đập để chủ động phòng tránh, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Sau đợt lũ tháng 10/2023, các công trình bị thiệt hại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng thêm, gồm: Bờ sông Hiếu đoạn qua các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền bị xói lở nhiều đoạn với tổng chiều dài trên 1,5km; kè kênh tiêu T5 đoạn qua thôn Phổ Lại, xã Thanh An bị hư hỏng, sạt lở khoảng 200m; bờ sông Trúc Khê đoạn qua thôn Trúc Khê và Trúc Kinh, xã Thanh An bị sạt lở khoảng 500m; một số tuyến kênh mương nội đồng bị ngập úng, xói lở, hư hỏng, bồi lấp với chiều dài khoảng 10km...
Đặc biệt, bờ sông Hiếu đoạn qua thôn Mộc Đức, Trương Xá, xã Cam Hiếu bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng và hiện nay bị sạt lở thêm, với chiều dài trên 100m, gây ra hư hỏng đường nhựa liên xã, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường liên xã và khoảng 30 hộ dân.
Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT&TKCN năm 2023, huyện Cam Lộ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai, cập nhật hoàn thiện kế hoạch, phương án PCTT&TKCN năm 2024 sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, phù hợp với từng loại hình và địa bàn xảy ra thiên tai.
Các xã, thị trấn chủ động thành lập, củng cố đội xung kích PCTT tại cơ sở với số lượng từ 20-30 người/ xã do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, cùng với sự tham gia của các lực lượng công an, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ và những người dân có kinh nghiệm trong công tác PCTT&TKCN.
Chủ động kiểm tra các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn để có kế hoạch gia cố, sửa chữa; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá trước mùa mưa bão; chặt tỉa bớt các cành cây to ven đường, ven khu dân cư và các công trình công cộng để đề phòng sự cố cây đổ gây thiệt hại cho công trình và tính mạng của Nhân dân. Đối với các lực lượng chủ chốt ở huyện như lực lượng vũ trang, cơ quan chính quyền... thường xuyên tập huấn, huấn luyện để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Về phương án bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Gio Cam Hà thường xuyên theo dõi mực nước hồ chứa các công trình trọng điểm như hồ Đá Mài- Tân Kim; hồ Nghĩa Hy; hồ Trúc Kinh, thông báo sớm tình hình xả lũ các hồ chứa để Nhân dân chủ động kê kích, di dời tài sản, di chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đối với các hồ, đập thủy lợi nhỏ khác như: hồ 19/5 xã Cam Nghĩa, hồ Bàu Ra, kênh tiêu úng thị trấn Cam Lộ; đập ngăn Mai Lộc, xã Cam Chính..., UBND, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, kiểm tra tràn xả lũ của các hồ đập, phát tỉa, dọn dẹp cây cối, mở các cửa xả tràn đảm bảo thoát lũ kịp thời.
Chỉ đạo các đơn vị quản lý tháo dỡ máy bơm ở các trạm bơm đưa đến nơi an toàn sau khi kết thúc vụ hè thu, bảo quản tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đối với các khu vực thấp lụt, vùng dân cư ven sông Hiếu, vùng hạ lưu hồ Đá Mài - Tân Kim; hồ Km7, hồ Nghĩa Hy, hồ Trúc Kinh ..., ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn ở nơi có các công trình trên thường xuyên theo dõi mực nước dâng và tình hình mưa bão để chỉ đạo đối phó, ứng cứu kịp thời, đặc biệt chú trọng đối với các thôn ở phía thượng lưu các công trình cầu đường bắc qua sông Hiếu.
Xã Cam Tuyền là vùng thường bị chia cắt khi có lũ lụt xảy ra, giao thông liên lạc khó khăn, xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, chi tiết cho từng thôn xóm; trong đó chú trọng các kế hoạch huy động nhân lực, thông tin liên lạc và phương châm “4 tại chỗ” tại các thôn thấp trũng như Bình Mỹ, An Mỹ.
Xã Cam Tuyền và thị trấn Cam Lộ xây dựng phương án cụ thể di dời dân, tài sản ở các thôn, khu phố nằm trong khu vực phía Bắc đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Cam Lộ, phía Tây cầu Đuồi; các xã Cam Hiếu, Cam Thuỷ xây dựng phương án cụ thể di dời dân, tài sản ở các thôn nằm trong khu vực thường xuyên bị lụt nặng như Bích Giang, Vĩnh Đại, Lâm Lang, Tam Hiệp để hạn chế thiệt hại khi có lũ lớn xảy ra và đề phòng lũ quét, lũ ống ở các xã miền núi, các xã ven sông Hiếu.
Sau mỗi đợt mưa lũ, thực hiện kiểm tra tình hình các công trình đập, hồ chứa; tiếp tục theo dõi cập nhật dự báo thời tiết, tính toán lượng nước để tổ chức điều tiết mở tràn xả lũ, chủ động đón các đợt lũ tiếp theo nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Mùa mưa bão năm 2024 đang đến. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, huyện Cam Lộ chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện PCTT theo ba giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, tăng cường công tác thông tin về diễn biến của thiên tai, các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng loại hình, từng vùng, nhất là công tác phòng ngừa, tránh trường hợp không bị thiệt hại do thiên tai mà thiệt hại do chủ quan gây ra.
Thanh Hải
- Trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập gần 250 triệu đồng/ha (10/09/2024)
- Mô hình sản xuất lạc giống cấp xác nhận do Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc tài trợ đạt năng suất 24 tạ/ha (19/08/2024)
- Mô hình trồng mít Indonesia cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha (31/07/2024)
- Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 250 triệu đồng vốn vay ưu đãi cho nông dân xã Cam Nghĩa phát triển cây hồ tiêu (05/07/2024)
- 12 gian hàng tham gia Hội chợ quê không dùng tiền mặt tại xã Cam Nghĩa (25/06/2024)
- Hội LHPN Cam Lộ tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động (20/06/2024)
- Tập huấn chăn nuôi bò sinh sản và quản lý vốn cho hội viên nông dân (13/06/2024)
- Chuẩn bị 20.000 bầu tiêu giống để trồng mới trong năm 2024 (31/05/2024)
- Chương trình Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc hỗ trợ huyện Cam Lộ xây dựng mô hình sản xuất lạc giống xác nhận (11/05/2024)
- Hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Cam Hiếu (08/05/2024)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
Đang truy cập: 5
Hôm nay: 32
Tổng lượt truy cập: 7.948.605
Cổng thông tin điện tử huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn
SĐT: 0233.33871544 - 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ