Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Thành tập trung cải tạo vườn tạp

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân là một trong 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cam Thành lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, cải tạo vườn tạp, đưa vào trồng các loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao là hướng đi được Đảng bộ và chính quyền xã Cam Thành, huyện Cam Lộ lựa chọn nhằm nâng cao giá trị kinh tế vườn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân; đồng thời tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Mô hình chăn nuôi gà gia công tại thôn Cam Phú mang lại hiệu quả cao

Chủ tịch UBND xã Cam Thành Lê Anh Chương cho biết, là địa phương nằm ở vùng gò đồi, nhiều năm qua người dân trong xã chủ yếu tập trung trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và trồng rừng lấy gỗ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cao su, hồ tiêu xuống thấp, các loại cây này cũng thường xuyên bị dịch bệnh nên thu nhập của người dân không ổn định. Do vậy, thực hiện Đề án 01 của UBND huyện Cam Lộ về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy và UBND xã Cam Thành đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vườn và đề án cải tạo vườn tạp, trong đó tập trung hỗ trợ người dân trong việc cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả; chuyển đổi một số diện tích đất rừng có độ dốc dưới 10% sang mô hình trang trại, gia trại và kinh tế rừng nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng đất đai của địa phương. Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn xã đã chuyển đổi được 9,5 ha đất trồng cây cao su hiệu quả thấp sang mô hình trang trại, gia trại có quy mô lớn; chuyển đổi 10 ha cây hồ tiêu sang cây ăn quả có giá trị cao như dâu tằm, ổi, cam, bưởi da xanh…

Tiêu biểu là mô hình trồng cây dâu tằm trên diện tích 2 ha của bà Hồ Thị Lan ở tại thôn Tân Phú. Đây là loại cây trồng được đánh giá phù hợp với đất đai, điều kiện khí hậu, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây bản địa trước đây của địa phương, sản lượng bình quân đạt 4 - 5 tấn quả/ha. Quả dâu tằm được người tiêu dùng ưa chuộng, thu mua với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg quả tươi. Để nâng cao giá trị từ cây dâu tằm, bên cạnh bán quả tươi, gia đình bà Lan đã nghiên cứu, ngâm ủ thành công nước cốt dâu tằm đảm bảo chất lượng, được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm nước cốt dâu tằm của bà Lan đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với thương hiệu Quốc Khánh. Theo tính toán, bình quân 1 tấn quả dâu tằm ủ lên men lấy được khoảng 1.200 lít nước cốt dâu tằm, với giá bán mỗi lít 60.000 đồng thì 1 ha trồng dâu tằm cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Để thực hiện tốt chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kiểu mẫu, xã Cam Thành đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ xã đến các thôn vận động người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tích cực tìm chọn các loại cây trồng, vật nuôi mới, có giá trị cao, phù hợp với vườn tạp của các thôn để đưa vào sản xuất. Thực hiện các cơ chế về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất trong phát triển nông nghiệp để động viên, khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng tích cực góp phần cải tạo vườn tạp, đồng thời tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Cam Thành Lê Anh Chương thông tin, từ thành công của mô hình trồng thử nghiệm cây dâu tằm, thông qua Chương trình Hạnh Phúc Quảng Trị, UBND xã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã xây dựng dự án trồng và chế biến dâu tằm cho 20 hộ gia đình với tổng số tiền hỗ trợ 540 triệu đồng. Qua gần 2 năm thực hiện dự án, các hộ đã trồng thêm được 3 ha cây dâu tằm, sản lượng từ 8 - 10 tấn quả dâu tằm tươi/năm; hỗ trợ đăng ký xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dâu tằm và sản xuất sản phẩm xirô dâu đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn để bán ra thị trường. Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng được hàng chục mô hình cải tạo vườn tạp với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi da xanh, mít Thái… Phát triển trang trại, gia trại trên đất cao su kém hiệu quả của thôn Tân Xuân với tổng diện tích 9,5 ha.

Theo ông Lê Anh Chương, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền xã Cam Thành tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh, quy hoạch vùng trọng điểm. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các vùng chuyên canh tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học, đưa cơ giới vào sản xuất. Chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả, năng suất thấp sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Khai thác lợi thế địa hình vùng gò đồi để phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại, nông- lâm kết hợp. Cụ thể, đối với những diện tích đất trồng cây hằng năm, đất bãi bồi ven sông tập trung đầu tư khoa họckỹ thuật, tăng năng suất chất lượng hướng đến sản xuất, thâm canh theo hướng hữu cơ, đảm bảo công tác tưới tiêu. Với những diện tích có quy mô nhỏ sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như cây rau màu, cây dược liệu, vùng trồng cỏ và một số cây trồng khác phù hợp với điều kiện địa phương. Đối với những diện tích đất trồng cây lâu năm như hồ tiêu, cao su tiếp tục chăm sóc, duy trì năng suất, đồng thời chuyển đổi một số diện tích hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả, gấc, chanh leo; chuyển đổi sang mô hình gia trại, trang trại... để dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, hướng đến sản xuất hữu cơ, tạo cảnh quan mới cho vùng sản xuất nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm OCOP. Đồng thời, quy hoạch từ 30 - 50 ha đất rừng tại Tiểu khu 775 để tổ chức sản xuất trồng cây dược liệu theo hướng công nghệ cao. “Để phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đạt hiệu quả, UBND xã sẽ phát động tất cả các thôn tổ chức cải tạo và chăm sóc vườn; trong đó yêu cầu đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có đất vườn phải tích cực đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp để người dân làm theo”, ông Chương cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Thục Quyên (Báo QT)

More

Đang truy cập: 202

Hôm nay: 37820

Tổng lượt truy cập: 7.620.201