Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Đền thờ Vua Hàm Nghi - nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia thành Tân Sở, thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xây dựng, khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên giúp vua chống lại giặc Pháp xâm lược 13/7 (1885-2020).

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham quan, trải nghiệm tại Di tích quốc gia thành Tân Sở

Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương đã trở thành ngôi đền của tinh thần yêu nước trong lòng Nhân dân Cam Lộ, Quảng Trị; là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa tham quan, chiêm bái vào các dịp lễ, Tết và hoạt động trải nghiệm dạy học gắn với di tích, giáo dục lòng yêu nước cho học sinh thông qua di sản văn hóa của cha ông ta.

Cử nhân lịch sử Nguyễn Văn Hiếu, người bảo vệ kiêm hướng dẫn viên tại Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương cho biết, mặc dù Vua Hàm Nghi đến và lưu lại vùng Cùa trong thời gian ngắn 16 ngày (10 - 26/7/1885), nhưng Chiếu Cần Vương ban bố ngày 13/7/1885 tại thành Tân Sở biến nơi đây trở thành “trung tâm dấy nghĩa Cần Vương” và hình ảnh vị vua yêu nước trẻ tuổi xa giá đến “kinh đô kháng chiến” Tân Sở tiếp tục chống thực dân Pháp xâm lược khi kinh thành Huế thất thủ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Cam Lộ nói riêng và cả nước nói chung.

Vì thế, khi huyện Cam Lộ lập đền thờ tri ân, ghi dấu công ơn vị Vua yêu nước Hàm Nghi, lượng du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc ngôi đền, dâng hương, tìm hiểu lịch sử phong trào Cần Vương rất đông. Bước đầu đã hình thành tour du lịch tâm linh tham quan Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, kết hợp trải nghiệm thành quả miền quê nông thôn mới kiểu mẫu xã Cam Chính, tham quan vườn chè cổ thụ ở thôn Mai Trung có tuổi đời 150 năm, tham quan giếng cổ Chăm ở thôn Mai Lộc 1 có niên đại hơn 500 năm và thưởng thức đặc sản gà Cùa nổi tiếng được các nhà hàng trong vùng chế biến.

Vào dịp tết Nguyên đán năm 2021 đến nay, lượng khách về tham quan Đền thờ Vua Hàm Nghi ngày càng đông, bình quân khoảng hơn 2.000 khách/năm trong dịp Tết. Đặc biệt, nơi đây còn là địa điểm mới có sức hấp dẫn để trải nghiệm học tập ngoại khóa, giáo dục truyền thống yêu nước gắn liền với di sản văn hóa cho học sinh. Đến nay, hầu hết các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện Cam Lộ đều tổ chức các buổi học trải nghiệm ngoại khóa ở Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.

Ngoài ra, các Trường Trưng Vương, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị… cũng thường xuyên tổ chức các tiết học trải nghiệm ngoại khóa liên môn lịch sử - văn học - địa lý - giáo dục công dân - kỹ năng sống ở ngôi đền này. Tại đây, các em được nghe giới thiệu về Di tích quốc gia thành Tân Sở, Vua Hàm Nghi và quá trình ban Chiếu Cần Vương, lan tỏa phong trào Cần Vương trong cả nước và tìm hiểu sâu hơn về triều đại phong kiến nhà Nguyễn thời Vua Hàm Nghi trị vì.

Một số trường còn tổ chức cho các em trải nghiệm hóa thân dựng lại hoạt cảnh Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương; tổ chức vẽ tranh về các sự kiện liên quan đến thành Tân Sở và Vua Hàm Nghi, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh.

Để tri ân công lao của Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, đồng thời qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, huyện Cam Lộ đã đầu tư ngân sách và huy động xã hội hóa tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng xây dựng Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương.

Nhằm phát huy giá trị di tích, huyện Cam Lộ vừa quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng đồi cảnh quan Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương kết hợp với trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã Cam Chính, kinh phí xây dựng hơn 1 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Đồng thời, quyết định đầu tư xây dựng nhà trưng bày (bảo tàng) phong trào Cần Vương với tổng kinh phí hơn 13 tỉ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa nằm bên cạnh đền thờ để trưng bày các hiện vật liên quan đến phong trào Cần Vương và thành Tân Sở, Vua Hàm Nghi. Mới đây, tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi từ Pháp về đã đến thăm Di tích quốc gia thành Tân Sở và Đền thờ Vua Hàm Nghi tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Bà xúc động và tự hào được đặt chân đến nơi Vua Hàm Nghi chọn làm “kinh đô kháng chiến”, ban Chiếu Cần Vương và hứa sẽ hợp tác chia sẻ những dữ liệu gốc, đưa di vật của Vua Hàm Nghi về nước, trong đó ưu tiên cho Di tích thành Tân Sở nhằm làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp và những nỗi niềm của vị vua yêu nước bị thực dân Pháp đưa đi lưu đày ở Algérie cho hậu thế. Cùng với Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, các công trình đồi cảnh quan, nhà trưng bày sau khi xây dựng hoàn thành sẽ tạo thành quần thể di tích, danh thắng hấp dẫn thu hút du khách gần xa.

Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian tới huyện tiếp tục đầu tư xây dựng quần thể cảnh quan Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương trở thành điểm đến hấp dẫn của tour du lịch tâm linh kết hợp trải nghiệm thành quả dấu ấn huyện nông thôn mới.

Không chỉ xây dựng ngôi đền thờ vị vua yêu nước trẻ tuổi đánh giặc trên Di tích quốc gia thành Tân Sở, địa phương mong muốn xây dựng ngôi đền của tinh thần yêu nước trong lòng Nhân dân, từ đó lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương Cam Lộ nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao to lớn của các bậc tiền nhân.

Thanh Hải

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 1001

Tổng lượt truy cập: 5.921.531