Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Khởi động Dự án Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu

Vừa qua, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra Lễ khởi động Dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”. Đến dự có bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu cùng đại diện chính quyền các tỉnh, huyện, xã trong vùng dự án và một số doanh nghiệp. Về phía huyện Cam Lộ có đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện.

Ban điều hành dự án của các tỉnh chụp ảnh lưu niệm

Dự án do Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP.GEF/SGP) tài trợ trong hai năm với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, triển khai tại 3 địa điểm: huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), với hai mục tiêu chính là nâng cao năng lực của các bên tham gia trong chuỗi liên kết và xây dựng được liên kết chuỗi bền vững, hiệu quả từ sản xuất lạc giữa Doanh nghiệp – HTX nông nghiệp – nông dân liên vùng (trong tỉnh) và liên tỉnh (Bình Định – Phú Yên – Quảng Trị). Riêng tại huyện Cam Lộ, mô hình được triển khai tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành với diện tích 5 ha/vụ, trong thời gian 2 năm với kinh phí hơn 350 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh và huyện đối ứng hơn 100 triệu đồng.
Phát biểu tại lễ khởi động Dự án, đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện – Trưởng ban điều hành dụ án tại Cam Lộ cho biết:  Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng việc phát triển chuỗi giá trị lạc là vấn đề được quan tâm hàng đầu, phù hợp chủ trương khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tạo thị trường ổn định, gia tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng chuỗi liên kết nông sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thiếu sự liên kết tạo vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, chia sẻ lợi thế khác biệt giữa các tỉnh, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ lạc. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF/SGP để thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị liên vùng, liên tỉnh ở những vùng canh tác lạc thích ứng BĐKH đã được hình thành, cùng với sự hỗ trợ của chính quyến các cấp, hội đoàn thể và các đơn vị chuyên môn kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất của cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương do tác động của BĐKH duy trì liên kết chuỗi sản xuất từ trồng đến tiêu thụ, chế biến phù hợp với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển của các tỉnh.
Kết quả của dự án sẽ là cơ sở để các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị nhân rộng ra các vùng có điều kiện tương tự của địa phương cũng như phát triển ở các tỉnh miền Trung có cùng điều kiện./.
 

Tác giả bài viết: Bùi Quyên (Phong NN&PTNT)

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 17

Hôm nay: 2508

Tổng lượt truy cập: 5.785.977