Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Lộ chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp

Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Cam Lộ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương và thực hành chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm: Thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra.

Mô hình chuyển đổi trồng ném trên đất đỏ ba dan mang lại hiệu quả cao ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ

Nét nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện là Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020” đã thúc đẩy việc thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối tiểu nông sang sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định; xác định rõ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương, từ đó chú trọng nâng cao giá trị gia tăng sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, tiếp tục phát huy hiệu quả các nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã phục hồi gần 300 ha cây hồ tiêu, năng suất tăng 1,6-1,8 lần; ổn định diện tích hồ tiêu 413 ha, đưa năng suất bình quân trên toàn huyện lên 12,5tạ/ha/năm. Cây cao su duy trì chăm sóc, bảo vệ các vùng cao su tiểu điền 4.212 ha gắn với nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, trong đó diện tích đưa vào khai thác trên 3.000 ha; sản lượng mủ khô 3.894 tấn. Vùng lạc tập trung các giải pháp kỹ thuật thâm canh, xen canh có chủ động tưới tiêu, năng suất cao hơn 1,5 lần so với cách làm cũ. Vùng trồng lúa đảm bảo cơ cấu diện tích đối với các vùng chuyên canh lúa 3.080 ha, trong đó có 1.000 ha xây dựng cánh đồng mẫu; 90% diện tích lúa sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giá trị gia tăng đạt từ 30 - 35%. Diện tích trồng rừng mới trung bình hằng năm trên 1.100 ha; hiệu quả kinh tế rừng nâng cao nhờ áp dụng kỹ thuật lâm sinh tiên tiến, quản lý hiện đại theo chứng chỉ quốc tế FSC.

Chăn nuôi phát triển cả về quy mô và chất lượng theo hướng tập trung gắn với an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường; đã hình thành được 25 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Tỉ trọng đàn bò lai chiếm 78% tổng đàn, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. “Qua thực hiện các nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghị quyết về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, nhờ đó công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô vùng thực hiện quyết liệt hơn. Tất cả các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương đều gắn với cơ sở chế biến, xây dựng thương hiệu và áp dụng quy trình kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao hơn”, ông Phạm Viết Thanh cho biết thêm.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thì việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn được xem là giải pháp mang tính căn cơ. Theo đó, huyện Cam Lộ chỉ đạo hợp tác xã, các loại hình hợp tác sản xuất trong nông thôn chuyển đổi nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng liên kết, làm cầu nối xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm của huyện. Đồng thời áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ, tiến bộ khoa học vào tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm nông sản; từng bước đưa các sản phẩm vào các thị trường lớn, các chuỗi bán lẻ của cả nước và thị trường nước ngoài. Kết quả, giá trị gia tăng trên các vùng đất đồi chuyển đổi từ rừng trồng sang các cây dược liệu và cây trồng ngắn ngày khác gấp 2- 3 lần so với cách làm cũ, mở ra hướng mới khai thác dư địa đất đai, sinh thái vùng gò đồi để phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương gắn với thị trường tiêu thụ và liên kết.

Trong điều kiện giá cao su, hồ tiêu giảm sâu và kéo dài, huyện có nhiều mô hình thực hành nhân rộng lạc xen, dược liệu, đa dạng canh tác trong các vườn cao su nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản xuất, duy trì chăm sóc cây công nghiệp dài ngày. Kết quả hợp tác, liên kết giữa sản xuất và chế biến, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm chung, sản phẩm làng nghề là hướng đi phù hợp, hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường trong hiện tại cũng như tương lai. Toàn huyện đã có 7 sản phẩm nông nghiệp địa phương được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao (chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh), nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường lớn, vào các siêu thị cao cấp và đạt nhiều giải thưởng danh giá về chất lượng, tạo cơ sở thực tiễn vững chắc để bứt phá xây dựng Cam Lộ trở thành vùng tập trung sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP và dược liệu trong tương lai.

Song song với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông thôn, huyện Cam Lộ tổ chức lại sản xuất đồng bộ theo mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện theo quy mô vùng, liên vùng chuyên canh, tập trung nhằm áp dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất công nghệ cao gắn với đổi mới hình thức hợp tác sản xuất. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, sản phẩm hữu cơ. Xây dựng các giải pháp chiến lược tạo sự đột phá về liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp áp dụng các biện pháp thâm canh có yếu tố ứng dụng công nghệ cao cho các vùng, liên vùng bao gồm: Vành đai trang trại chăn nuôi và cây ăn quả 2.500 - 3.000 ha; vùng hồ tiêu hữu cơ 500 ha; vùng lạc, rau màu thâm canh: 1.200 ha; vùng trọng điểm các mô hình nông thôn mới sản xuất chuyên canh, làng nghề, cơ sở chế biến. Hoàn thiện hệ thống đường điện vào các vùng sản xuất tập trung đồng bộ với vùng tưới mở rộng từ Dự án thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa đang hoàn thiện, tạo đột phá chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng gấp đôi giá trị gia tăng trên các vùng thâm canh, chuyên canh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết: “Thời gian tới, bên cạnh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh thị trường đã được định hình quy mô tập trung như gỗ rừng trồng, cao su, hồ tiêu, lạc, sắn…, huyện Cam Lộ tập trung phát triển thêm sản phẩm OCOP về dược liệu, cây ăn quả trên các vùng chuyển đổi cơ cấu, vườn nhà, vườn đồi; xây dựng Cam Lộ trở thành vùng sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng hiệu quả chiến lược “5 tăng” cho từng sản phẩm có thế mạnh sản xuất và thị trường.

Đánh giá, xây dựng và vận hành các chuỗi kết nối nông - công - thương hiệu quả, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm chế biến ngày càng sâu, có quy mô lớn gắn với thương hiệu và chất lượng. Tập trung ưu tiên các nhóm sản phẩm làng nghề, chuỗi thịt sạch, rau sạch, gạo sạch, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương”.

Tác giả bài viết: Khánh Ngọc (báo Quảng Trị)

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 9

Hôm nay: 4401

Tổng lượt truy cập: 5.865.300