Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Ra mắt sách “Hàm Nghi- Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” và khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về Vua Hàm Nghi, phong trào Cần Vương

Sáng nay 7/11, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình ra mắt sách “Hàm Nghi-Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” và khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về Vua Hàm Nghi, phong trào Cần Vương. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; TS. Amadine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi; các ông: Đặng Văn Giáp; Đặng Văn Luyện là hậu duệ đời thứ 4 của Vua Hàm Nghi; lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế; UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tham dự.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng và lãnh đạo huyện Cam Lộ tiếp nhận các hiện vật của hậu duệ Vua Hàm Nghi trao tặng

Hàm Nghi - vị hoàng đế thứ 8 của Triều Nguyễn - không chỉ là một vị vua trẻ tuổi đứng lên dấy nghĩa Cần Vương lúc nước nhà bị xâm lăng, mà còn là một con người tài năng và có tình yêu nghệ thuật sâu sắc.

Dù phải chịu đựng cuộc sống lưu vong ở xứ người từ khi còn rất trẻ, nhưng ông đã vượt qua khó khăn và thăng hoa trong vai trò của một họa sĩ, một nhà điêu khắc và một người sáng tạo đích thực. Cuốn sách “Hàm Nghi- Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” là công trình của TS. Amadine Dabat, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của Hàm Nghi).

TS. Amadine Dabat đã lựa chọn tìm hiểu về tổ tiên của mình để làm luận văn tiến sĩ thay cho ý định nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học Hy Lạp trước đó. Đây không chỉ là một công trình khoa học mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, mang đậm tình cảm gia đình và lòng tự hào về cội nguồn của mình.

Cuốn sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ... đã dựng lại một phần lịch sử và tâm hồn của Hoàng đế Hàm Nghi - một con người đại diện cho ý chí kiên cường của dân tộc và tinh thần vượt qua nghịch cảnh. Dù sống trong vòng kiềm tỏa của thực dân Pháp nhưng ông không nguôi nhớ nghĩ về cố quốc, đau đáu với cội nguồn.

Cuốn sách cũng đã giới thiệu những tác phẩm hội họa, điêu khắc của nghệ sĩ Hàm Nghi, những đồ mộc và đan lát của nghệ nhân Hàm Nghi, những khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế. Các bức tranh của ông rất ít khi xuất hiện con người, nó đơn thuần là các bức tranh về phong cảnh và khi xem tranh của Hàm Nghi, người xem khó phân biệt được phong cảnh đó là ở Pháp, ở Alger hay ở Việt Nam.

Đó là cách mà hoàng đế muốn gửi gắm nỗi đau và niềm nhớ quê hương và đó cũng cách ông chọn để vượt qua khó khăn, nghịch cảnh.

Dưới ngòi bút của TS. Amandine Dabat, hiện lên hình ảnh một vị vua yêu nước, một người cha yêu con, một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật, lãng mạn và mãnh liệt trong tình yêu... TS. Amadine Dabat đã khắc họa một khía cạnh ít người biết đến về Hàm Nghi - một vị hoàng đế với tâm hồn lãng mạn, được nhiều phụ nữ yêu quý và ngưỡng mộ.

Khi sang Pháp, ông đã kết bạn với nữ văn sĩ Judith Gautier, người đã yêu ông say đắm, dù vô vọng. 17 năm, bà dành cho ông tình yêu thuần khiết, vô điều kiện ngay cả khi ông đã lập gia đình. Còn ông, với thân phận là một hoàng đế lưu đày đã không thể đáp lại tình yêu của bà mặc dù cũng vô cùng yêu quý và trân trọng tình cảm của bà. Bởi vậy, tình yêu say đắm của bà với ông đã chuyển thành tình bạn sâu sắc và lâu bền.

TS. Amadine Dabat cũng dành 13 trang sách để viết về chuyện tình yêu sâu sắc và mãnh liệt giữa Hàm Nghi và Gabrielle Capek - một cô giáo dạy kèm cho các con của ông. Lúc đó, Hàm Nghi 47 tuổi và Capek 29 tuổi. Và đó là một tình yêu cuồng dại theo ông đến cuối cuộc đời. Hàm Nghi đã có 37 bức thư viết cho Capek được lưu giữ.

Cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - nghệ sĩ ở Alger” không chỉ là một tài liệu lịch sử, văn hóa quan trọng mà còn mở ra những góc nhìn sâu sắc về một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, cuốn sách đã cung cấp nhiều tư liệu mới, làm sáng tỏ cuộc đời và tâm hồn của một vị hoàng đế đặc biệt. Với tài năng đa dạng, Hàm Nghi xứng đáng được coi là người tiên phong trong việc khai mở cho sự phát triển của tranh sơn dầu, tranh phấn màu và điêu khắc hiện đại ở Việt Nam.

Cắt băng khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương

Sau lễ ra mắt sách đã diễn ra lễ khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.

Trong không gian trưng bày có hàng trăm hiện vật, tư liệu phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa liên quan đến Vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương. Đến với không gian này, người xem sẽ hiểu và ngưỡng vọng hơn về một thời oanh liệt của dân tộc; về vị vua trẻ yêu nước, chống Pháp, khởi đầu cho phong trào Cần Vương rầm rộ khắp cả nước.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ đã tiếp nhận một số hiện vật của Vua Hàm Nghi do hậu duệ Vua Hàm Nghi trao tặng gồm: hai đôi đũa hải mã, một bộ tiềm, một ống tăm, một ống điếu hút thuốc; lãnh đạo huyện Cam Lộ trao quà lưu niệm cho hậu duệ Vua Hàm Nghi; huyện Cam Lộ trao tặng sách “Hàm Nghi- Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” cho các trường học trên địa bàn huyện và đại diện UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa nhằm khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử; góp phần kết nối ý thức nguồn cội của người Việt trong nước và nước ngoài; hướng đến kỷ niệm 140 năm ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương 13/7 (1885-2025).

Anh Vũ

More

Đang truy cập: 18

Hôm nay: 26171

Tổng lượt truy cập: 7.608.550