Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 25/8/2023, UBND huyện Cam Lộ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra và Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho lãnh đạo các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, công chức các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu, truyền đạt một số nội dung cơ bản của Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, luật có hiệu lực từ 01/01/2024 thay thế Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

Theo đó, Luật Thanh tra gồm 8 chương, 118 điều, tăng 1 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010. So với quy định trước đây, Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung rất nhiều quy định, điểm mới về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra; về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, công tác phối hợp giữa thanh tra với kiểm toán Nhà nước, điều tra; việc ban hành kết luận thanh tra về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Ngoài ra, đã bổ sung các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm các ngạch thanh tra viên, bỏ một số quy định về cộng tác viên thanh tra và quy định thanh tra Nhân dân.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 12 chương và 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành. Nhiều nội dung mới của Luật thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển. Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh, đó là Luật quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng y khoa Quốc gia thực hiện. Đây là một bước đột phá nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. Luật cũng đã bổ sung thêm một số đối tượng bao gồm cấp cứu ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng và đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề và quy định rõ thời gian giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện…

Thông qua hội nghị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các địa phương trong thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, triển khai hiệu quả Luật Thanh tra, Luật Khám chữa bệnh ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Nguyễn Lựu

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 4050

Tổng lượt truy cập: 5.919.733