Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cán bộ, nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng và chế biến quế tại Yên Bái

Nằm trong khuôn khổ chương trình ký kết hợp tác trồng và chế biến quế hồi với Công ty quế hồi Việt Nam (VINASAMEX), từ ngày 6-9/11/2021, đoàn cán bộ chủ chốt và nông dân tiêu biểu huyện Cam Lộ đã đi học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thực tế mô hình trồng và chế biến quế tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Lãnh đạo và nông dân huyện Cam Lộ tìm hiểu mô hình ươm giống quế của Công ty quế hồi Việt Nam tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái

 Theo đó, đoàn công tác huyện Cam Lộ đã đến tìm hiểu mô hình ươm cây quế giống tại xã Đào Thịnh và vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Hiện nay, toàn huyện Trấn Yên có gần 20.000 ha quế, trong đó quế hữu cơ 8.100 ha, quế đạt chứng nhận quốc tế và trong nước gần 2.200 ha. Sản lượng vỏ quế khô đạt từ 4000-5.000 tấn/năm, trị giá trên 400 tỉ đồng; sản phẩm gỗ quế đạt 40.000m3/năm, trị giá trên 100 tỉ đồng. Ngoài ra có 393 cơ sở sản xuất quế giống với quy mô từ 5 -100 vạn cây/vườn. Các sản phẩm quế được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
    Tại đây, đoàn đã nghe chính quyền địa phương cũng như người dân giới thiệu, trao đổi những thông tin hữu ích về quy trình kỹ thuật trồng quế, từ khâu ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế quế; các đặc điểm, điều kiện đất đai, khí hậu để cây quế có thể sinh trưởng, phát triển tốt; tìm hiểu về giá cả, thị trường, đầu ra sản phẩm, hiệu quả kinh tế từ cây quế so với các loại cây trồng khác…
    Làm việc với VINASAMEX , đoàn được nghe giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty; việc xây dựng các vùng nguyên liệu quế hữu cơ tại Yên Bái, thị trường xuất khẩu sản phẩm; trực tiếp tham quan, tìm hiểu các công đoạn, dây chuyển sản xuất sản phẩm từ quế. Giám đốc VINASAMEX Nguyễn Thị Huyền cho biết, hiện nay công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 4367 ha. Bên cạnh đó, đã xây dựng được 1 nhà máy chế biến công suất lớn tại vùng nguyên liệu quế Yên Bái. Nhà máy đi vào hoạt động đã tạo ra việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương và hơn 300 lao động thời vụ.  
     Chuyến công tác học tập, tìm hiểu thực tế mô hình trồng và chế biến quế hồi đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và nông dân hiểu rõ và nắm bắt kỹ hơn, cụ thể hơn quy trình kỹ thuật để áp dụng, tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân trong quá trình thực hiện mô hình trồng quế nguyên liệu tại huyện Cam Lộ.
    “Sau chuyến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lần này, trên cơ sở biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ và Công ty quế hồi Việt Nam, huyện sẽ xúc tiến nhanh việc chọn những diện tích đất chuẩn bị cho việc trồng quế trên địa bàn. Trước mắt là đề nghị công ty cung cấp giống để kịp trồng trong năm 2021 này, đồng thời phối hợp chuẩn bị một vùng giống ở ngay địa bàn huyện Cam Lộ, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cung cấp được nguồn giống cho bà con trồng theo kế hoạch”, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn khẳng định.

Tác giả bài viết: Anh Vũ

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 1657

Tổng lượt truy cập: 5.789.408