Chi tiết - Huyện Cam Lộ
Sông Hiếu, tiềm năng Du lịch trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây
- 29-03-2022
- 494 lượt xem
TCCV Online - Cam Lộ đóng vai trò là điểm cầu nối giữa miền Đông và Tây, được chứng kiến và vận hành trong sự đi lên của mảnh đất Quảng Trị kiên cường trong kháng chiến, chịu thương chịu khó giữa thời bình. Cam Lộ hôm nay dẫu chưa thể phát triển nhanh chóng như các vùng miền lân cận nhưng con người nơi đây luôn đau đáu nỗi niềm dựng xây quê nhà ngày một đi lên.
Mỗi vùng phụ cận của Cam Lộ đảm nhiệm cho mình một sứ mệnh riêng. Vùng Cùa phát triển mạnh các loại cây công nghiệp; Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu là vựa lúa của huyện nhà, chăn nuôi gia cầm, thủy sản; Cam Tuyền, Cam Thành đặc quyền về lạc và hoa màu; thị trấn Cam Lộ phát triển mạnh các loại hình dịch vụ… Điều đáng trân quý và phát huy trên mảnh đất sương ngọt là được thiên nhiên ưu ái lựa chọn dòng Hiếu Giang xanh trong vắt ngang, dòng sông trở thành nguồn hồi sinh của mảnh đất và con người nơi đây, đi xuyên suốt qua mọi biến thiên của thời cuộc. Là dòng sông mang ý nghĩa hồn thiêng trên đất mẹ Quảng Trị. "Các nhà địa lý ngày nay coi sông Hiếu là một con sông thuộc hệ thống sông Thạch Hãn với diện tích lưu vực 465km2 và độ dài con sông 70km, chiều rộng của sông đoạn qua thành phố Đông Hà 150 - 200m. Nhưng các nhà địa lý xưa coi sông Hiếu là một hệ sông riêng nằm trong cặp đôi sông núi: Tá Linh Sơn - Hiếu Giang. Mạch nguồn sông Hiếu phát tích từ Tá Linh Sơn.
Sông đi qua khu vực của tuần Hiếu Giang nên có tên là Hiếu Giang - sông Hiếu. Khi chảy qua địa bàn vùng trung du Cam Lộ, sông được gọi tên là sông Cam Lộ. Hiếu Giang/sông Hiếu bắt nguồn từ các sông suối trên địa hình núi rừng sườn Đông dãy Trường Sơn cao độ trên 1000m của huyện Hướng Hoá."
Từ xa xưa, những nhóm cư dân nguyên thuỷ cổ đã có mặt trên đôi bờ sông Hiếu. Trải qua nhiều thời đại, sự sinh tồn và tụ cư của các nhóm cư dân thời tiền, sơ sử đã để lại nhiều dấu tích khảo cổ mang nhiều giá trị văn hóa.
Các làng Việt vùng đồng bằng phía hạ nguồn sông Hiếu từ xã Cam Hiếu (Cam Lộ) trở xuống được hình thành khá sớm dưới thời nhà Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ. Tập trung nhất là từ sau cuộc đại di dân dưới thời Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông.
“Sông Hiếu là vùng đất chở che, dung dưỡng cho những xu thế lịch sử mới trong những hoàn cảnh đầy nghiệt ngã. Sông Hiếu vừa là bà mẹ, vừa là bà đỡ cho các cuộc sinh nở vật vã của đất nước. Lịch sử đã 3 lần chọn Quảng Trị làm thai nghén thì có 2 lần MẸ HIẾU GIANG nhận sứ mệnh về mình.
Ðó là Tân Sở - kinh đô kháng chiến của vị vua yêu nước Hàm Nghi chống Pháp (1885), là Cam Lộ - thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - linh hồn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng miền Nam Việt Nam, mở ra thời kỳ đấu tranh quyết liệt trên chính trường ngoại giao những năm cao điểm của thời chống Mỹ (1972 - 1975) để làm nên chiến thắng vĩ đại thống nhất toàn vẹn non sông ngày 30 - 4 - 1975.
Từ trong lịch sử, sông Hiếu luôn là bạn đồng hành với đường thượng đạo xuyên sơn - lối mòn và là tiền thân của Đường 9, đường Xuyên Á. Đó là “con đường hương liệu/đường công cụ/đường muối đã được mở ra từ hàng ngàn năm trước. Đó cũng là con đường mưu đồ và tham vọng của thực dân, đế quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược một thời, là con đường MÁU và cũng là con đường đầy chiến công về cuộc chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân Quảng Trị, miền Nam.”
Trong kháng chiến chống Mỹ sông Hiếu được đế quốc Mỹ chọn làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và vũ khí, nhiều đoạn chúng còn dựng nên những bãi mìn và dây kẽm gai ven sông để chống lại đặc công thuỷ của Quân Giải phóng xâm nhập, trong 2 tháng (1968) với tinh thần sáng tạo mưu trí, của đặc công Hải quân và sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi vẻ vang. Thời gian ấy quân và dân Cam Giang, Gio Hà, bộ đội địa phương Cam Lộ đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ làm nên những chiến công đi vào lịch sử".
Ngày nay sống giữa thời bình người dân ở hai bên vẫn giữ những nét sinh hoạt vốn có từ bao đời. Cuộc sống dẫu đang cuộn mình hối hả đi lên trong nhịp chung của thời đại, con người dần quen với hệ thống giếng tại nhà và nước máy, nhưng một số hộ dân sinh sống hai bên dòng sông thi thoảng vẫn tắm giặt tại đây. Mùa hè, sông Hiếu trở thành điểm “giải nhiệt” cho mọi người tránh sự oi nồng của mảnh đất nắng gió. Cùng với đó nguồn thủy sản sông Hiếu mang lại giúp đời sống ngư dân sống dựa vào sông nước có nguồn thu ổn định. Sông Hiếu đóng vai trò to lớn trong việc tưới tiêu, cung ứng nước cho phần lớn các cánh đồng trong vùng. Vào mùa lũ lượng phù sa bồi đắp bổ sung dưỡng chất cho đất ở hai bên dòng sông từ đó tạo ra sự phong phú về các nguồn lợi nông sản cho bà con.
Tại đoạn sông dưới chân cầu Cam Tuyền, bến sông An Hưng và Ba Thung có những điểm dừng chân thú vị. Ở đây hình thành những dải đá “mọoc” nhấp nhô, có hình thù lạ mắt trải ra dài rộng giữa đoạn sông làm nước cuồn cuộn sóng chảy qua thành luồng sủi bọt trắng xóa tạo điểm nhìn cuốn hút với những ai yêu chuộng cảnh đẹp thiên nhiên. Đặc biệt, đến sông Hiếu vào lúc bình minh hay hoàng hôn sẽ cảm nhận được nét hồng nhuận tươi nguyên mà dòng sông này chiếm hữu từ thiên nhiên. Cảnh sắc mây trời, sông nước đan xen hòa quyện vẻ nên bức tranh mà tạo hóa là người họa sĩ tài hoa và mảnh đất Cam Lộ là hình mẫu lý tưởng cho bức thư mạc ấy.
Hiện nay mô hình du lịch ngoài trời, sinh thái đang là sự lựa chọn của rất nhiều người, vì thế ở Cam Lộ - sông Hiếu có điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ xung quanh điểm tham quan này. Nếu được đầu tư xứng tầm Sông Hiếu đoạn qua thôn Ba Thung, xã Cam Tuyền sẽ là địa điểm thú vị cho du khách gần xa khi dừng chân ghé lại.
Cam Lộ - mảnh đất hội đủ những yếu tố mang giá trị tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch với vị trí địa lý, bề dày văn hóa, truyền thống cách mạng, nguồn nhân lực dồi dào. Thiết nghĩ để các yếu tố hòa trộn và vận hành theo một guồng quay nhịp nhàng thì cần có sự quan tâm đồng bộ từ phía các cơ quan ban ngành có chức năng, sự chung tay của các nhà đầu tư cùng “chung lưng đấu cật” đưa sông Hiếu trở thành điểm đến hấp dẫn mới lạ phù hợp với xu thế thời đại.
Từ xa xưa sông Hiếu làm nơi lưu chuyển hàng hóa giao thương qua lại giữa các vùng miền thì nay sông Hiếu cần được bảo tồn và khai thác một cách hợp lý phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có của dòng sông. Nếu chú trọng đầu tư phát triển du lịch đúng cách sẽ tạo nên điểm nhấn trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, Cam Lộ sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng, điểm trung chuyển đáng nhớ cho khách tham quan trong và ngoài nước khi đến Quảng Trị.
Sông Hiếu, Cam Lộ - mảnh đất mang trong mình nhịp thở của lịch sử, ẩn chứa bề sâu văn hóa trong nhiều lớp địa tầng đi qua mọi thời cuộc, kiên cường bất khuất với truyền thống cách mạng trong đấu tranh và bảo vệ đất nước; con đường xuyên Á mang trong mình nhịp thở của thời đại đối với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Vì vậy sông Hiếu cần được giữ gìn và khai thác một cách hợp lý nhằm bảo tồn phát huy những giá trị vốn có, hun đúc hồn thiêng của mảnh đất Quảng Trị ngày một phát triển.
Tài liệu tham khảo
“Hiếu Giang - những dấu ấn về Lịch sử, Văn hóa” - Thành phố Đông Hà - 2011 của tác giả Lê Đức Thọ.
Nguồn tin: tapchicuaviet.com.vn
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
Đang truy cập: 9
Hôm nay: 1522
Tổng lượt truy cập: 8.378.291
Cổng thông tin điện tử huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn
SĐT: 0233.33871544 - 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ