Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Lộ chủ động phòng, chống thiên tai

Cam Lộ là huyện trung du có địa hình tương đối phức tạp, dễ bị chia cắt khi có lũ lớn xảy ra; một số vùng có nguy cơ lũ quét, ngập lụt cục bộ và kéo dài thời gian bị ngập. Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, những năm qua, huyện Cam Lộ luôn chú trọng hành động sớm, thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. Qua đó, nhằm tăng cường thông tin, truyền thông, kỹ năng chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai trên địa bàn.

Huyện Cam Lộ chú trọng bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão sắp tới

Trên cơ sở các kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống thiên tai đã ban hành và cập nhật các văn bản chỉ đạo, công điện, cảnh báo các cấp độ thiên tai của cấp trên, hằng năm, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Tập trung vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai để xây dựng cộng đồng an toàn vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.

Đến nay, từ cấp huyện đến cấp xã đã cơ bản hoàn thành rà soát các nội dung công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo theo quy định.

Chú trọng kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy PCTT&TKCN, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp; bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đảm bảo kết nối trực tuyến cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương với cấp huyện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, hoàn thiện và chủ động bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó thiên tai tương ứng từng cấp độ rủi ro thiên tai…

Địa phương cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư, sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ hằng năm, nhất là hồ đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư.

Thực hiện nghiêm quy định về an toàn đập; giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân khi xả lũ. Điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp vùng miền, thích ứng với thiên tai, đảm bảo sinh kế bền vững, giảm thiệt hại cho sản xuất.

Với định hướng xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu trong tương lai, việc chuyển đổi sang trồng cây dược liệu không chỉ bù đắp hơn 80% nguồn nguyên liệu, nhu cầu người dân, mà còn phục vụ cho xuất khẩu.

Diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện hiện có trên 200 ha, phát triển phù hợp với tình hình điều kiện của địa phương, góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng truyền thống.

Toàn huyện Cam Lộ hiện có 3 chiếc ca nô, 103 thuyền các loại và các vật tư, phương tiện khác phục vụ công tác PCTT&TKCN. Hệ thống thông tin VHF; cầu truyền hình trực tiếp kết nối giữa huyện với các xã, thị trấn; hệ thống các trạm cảnh báo thiên tai phục vụ phòng, chống lũ lụt được đầu tư đồng bộ. Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, huyện Cam Lộ đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng với các hộ gia đình, các tổ chức chính trị - xã hội… chủ động xây dựng phương án cụ thể phù hợp với từng loại hình và địa bàn xảy ra thiên tai, tổ chức ứng trực 24/24 giờ khi thiên tai xảy ra.

Kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, thành lập các đội xung kích và phân vùng ứng cứu cụ thể. Tuyên truyền, vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, dầu thắp, thuốc chữa bệnh… đủ dùng từ 7-10 ngày ở vùng thường xuyên bị bão lũ, chia cắt để chủ động khi thiên tai xảy ra; từ cấp huyện đến cấp xã phải chuẩn bị kinh phí và mua sắm dự trữ khi thiên tai.

Sử dụng hiệu quả kinh phí từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực ứng phó thiên tai, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chăm sóc y tế, thực phẩm, nước uống…

Từ năm 2019 đến năm 2022 đã thu nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống thiên tai huyện 965 triệu đồng; nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh 643 triệu đồng; UBND huyện đã phân bổ kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh cấp cho các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả.

Mùa mưa bão năm 2023 đang đến. Huyện Cam Lộ tiếp tục xác định công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về sự cần thiết của công tác PCTT&TKCN có ý nghĩa rất quan trọng, tránh trường hợp không bị thiệt hại do thiên tai mà thiệt hại do chủ quan gây ra.

Sự chủ động chuẩn bị của Nhân dân và cấp xã, thôn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai có ý nghĩa quan trọng quyết định hiệu quả công tác PCTT&TKCN khi có thiên tai xảy ra.

Khánh Ngọc

More

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 14486

Tổng lượt truy cập: 8.241.061