Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Cam Lộ

Để phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; trong đó ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức sản xuất và liên doanh, liên kết của các hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp trong chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các cây trồng chủ lực có thế mạnh của địa phương đều gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phấn đấu xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh.

Phát triển vùng nguyên liệu cà gai leo ở Cam Lộ

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, xác định đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi trong sản xuất là giải pháp căn cơ, tiên quyết để sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, huyện quan tâm thu hút, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác; giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân.

Từ đó, tạo được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Cùng với việc chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương tích cực đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các loại nông sản; hỗ trợ các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích và thu nhập cho nông dân.

Thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ từ các chương trình, đề án, dự án về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hằng năm, địa phương đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; vận động các bên tham gia xây dựng, thực hiện đúng hợp đồng liên kết, triển khai các chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Sự hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn trở thành xu hướng tất yếu và được khuyến khích phát triển.

Nhờ kiên trì chủ trương đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã hình thành một số mô hình chuỗi liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình liên kết sản xuất lạc VietGap giữa Công ty TNHH MTV Từ Phong với nông dân xã Cam Thành trên diện tích 20 ha, làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất, chế biến tinh dầu lạc, bơ lạc; mô hình liên kết giữa Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị với Hợp tác xã Hiếu Bắc, Hợp tác xã Hiếu Nam (xã Cam Hiếu) sản xuất 32 ha lúa hữu cơ ST25

Mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế với Hợp tác xã Cam An (xã Thanh An) sản xuất 30 ha lúa Bắc Thơm 7 theo hướng gạo sạch; mô hình liên kết giữa Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn với các hộ dân xã Cam Thủy để trồng 20 ha tràm năm gân làm nguyên liệu đầu vào sản xuất tinh dầu tràm

Ký kết liên kết hợp tác giữa huyện Cam Lộ và Tổng Công ty Quế hồi Việt Nam trồng quế với diện tích đến nay tăng lên 128 ha; ký kết biên bản hợp tác giữa Công ty TRUQUEST NUTRISCIENCE INC (Hoa Kỳ) cam kết hỗ trợ huyện Cam Lộ mở rộng thị trường xuất khẩu các loại cao dược liệu sang Mỹ, đến nay đã xuất khẩu hơn 3 tấn cao An Xoa, thu gần 5 tỉ đồng…

Giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã triển khai 4 dự án liên kết với hộ gia đình, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ hơn 2,5 tỉ đồng, gồm: xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ, diện tích 32 ha; trồng cây an xoa nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, diện tích 17,7 ha; xây dựng vùng nguyên liệu quế hữu cơ, diện tích 128 ha; xây dựng vùng nguyên liệu tràm năm gân, diện tích 10 ha.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay toàn huyện có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 13 sản phẩm OCOP 3 sao. Một số sản phẩm OCOP của huyện Cam Lộ đạt tiêu chuẩn đưa vào cung ứng tại hệ thống các siêu thị của Co.opMart, Vinmart và các sàn thương mại điện tử Postmark, Alibaba, Shoope…

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Cam Lộ tiếp tục hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã để đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - hợp tác xã và doanh nghiệp; tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa giữa các khâu trồng trọt, thu mua và chế biến.

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, vận hành có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Cam Lộ.

“Thực tế các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Cam Lộ thời gian qua cho thấy, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản là giải pháp căn cơ nhằm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Muốn liên kết sản xuất nông nghiệp được thực hiện rộng rãi, hiệu quả thì cần có chính sách, giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã”, ông Phạm Viết Thanh cho biết thêm.

Thanh Hải

More

Đang truy cập: 8

Hôm nay: 1367

Tổng lượt truy cập: 8.198.387