Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Một HTX phát huy tốt thế mạnh về dược liệu

Tuy mới thành lập được một thời gian ngắn nhưng với sự nỗ lực vượt bậc, Hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn đóng tại Cụm công nghiệp Cam Thành, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã nhận được sự ủng hộ tích cực của nông dân, mở ra hướng phát triển kinh tế trên địa bàn.

HTX dược liệu Trường Sơn đầu tư nhiều thiết bị hiện đại chiết xuất cao dược liệu

             Cầm trên tay những sản phẩm như tinh dầu sả chanh, tinh dầu tràm, dầu gội đầu thảo dược, tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé, muối tắm bé…, rất khó để chúng ta tin rằng những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã hiện đại, dán tem QRCode đầy đủ như thế lại được làm nên từ một HTX chỉ mới được thành lập hơn 5 năm. Lại càng khó tin hơn khi biết người đứng sau thành công của HTX này là chàng thanh niên trẻ Lê Thanh Huệ chỉ mới hơn 30 tuổi.

            Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với cây dược liệu, anh Lê Thanh Huệ, Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, anh được nhận vào làm việc tại Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong thời gian làm việc tại đây, anh có cơ hội đi nhiều địa phương trong cả nước, được gặp và làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dược liệu.

            Từ đây anh nảy ra ý tưởng liên kết với nông dân để trồng, thu mua và chế biến tinh dầu từ các loại thảo dược địa phương. Năm 2016, sau khi xin nghỉ việc tại Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn, anh bắt tay vào xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu sả đặt tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ và vùng nguyên liệu trồng sả rộng 5 ha được lắp đặt đầy đủ hệ thống tưới. Nhưng anh nhận thất bại lớn ngay khi vừa khởi nghiệp do năm đó thời tiết không thuận lợi, nắng nóng gay gắt, hạn hán diễn ra trên diện rộng đã làm 5 ha sả của anh bị chết hơn 80%, thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Không nản chí, cùng với khôi phục lại vùng nguyên liệu sả, anh còn thu mua cây tràm gió để chưng cất tinh dầu tràm, thu mua lá cây bạch đàn để chiết xuất tinh dầu khuynh diệp…

            Vừa làm vừa nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đến nay HTX dược liệu Trường Sơn đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng như các loại tinh dầu sả chanh, tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp… Ngoài ra, với nguồn dược liệu sẵn có ở địa phương, HTX đã nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm mới như dầu gội đầu bồ kết, xà bông thảo dược, dầu xoa bóp, muối ngâm chân thảo dược… Đáng chú ý, trong các sản phẩm của HTX, năm 2021 vừa qua đã có 2 sản phẩm gồm tinh chất dược liệu dưỡng da cho mẹ và bé Peamom và tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

            Để HTX sản xuất hiệu quả lâu dài, cùng với đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã đầu tư trên 6 tỉ đồng hiện đại hóa máy móc, xây dựng nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Cam Thành, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Anh Huệ cho biết, hiện tại, hệ thống máy móc, trang thiết bị của HTX được đánh giá là hiện đại trong tốp đầu của cả nước. Có thể kể đến như hệ thống chưng cất, máy phân đoạn tinh dầu… Ngoài sản xuất tinh dầu, các loại dược liệu, HTX còn ký hợp đồng thu mua sản phẩm tinh dầu thô do người dân tự chưng cất như tinh dầu tràm, tinh dầu sả…, sau đó sử dụng máy phân đoạn tinh dầu để loại bỏ tạp chất, tách các đơn chất trong tinh dầu, tạo ra sản phẩm có độ tinh khiết cao.

            Với ưu thế về công nghệ này, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, gia công sản phẩm từ thiên nhiên cho các doanh nghiệp dược lớn như Công ty Đông Nam dược Bảo Linh, Công ty Đông Nam dược Trường Sơn… “Năm 2021 vừa qua, doanh thu của HTX đạt khoảng 5,5 tỉ đồng. Tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động thời vụ”, anh Huệ cho hay.

            Khi được hỏi tại sao lại thành lập HTX mà không phải là công ty tư nhân hay công ty cổ phần, anh Huệ cho biết, HTX dược liệu Trường Sơn được thành lập theo mô hình HTX kiểu mới, có quy chế hoạt động tương tự như một công ty cổ phần, vừa có thể hoạt động độc lập lại vừa nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước. Thực tế là thời gian qua, HTX đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của huyện và tỉnh như các chính sách hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, được tạo điều kiện tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ quảng bá sản phẩm… “Khó khăn nhất của HTX đó là ban đầu khi tiếp cận nông dân, chỉ có một số ít đồng ý tham gia do họ không tin tưởng mô hình này có thể phát triển bền vững. Dần dần, khi nông dân nhận thấy được những kết quả mà HTX mang lại, họ đã thay đổi và tham gia hết sức nhiệt tình”, anh Huệ nhớ lại.

            Trao đổi về những định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Huệ cho biết, hiện tại HTX đang triển khai thực hiện đề án liên kết trồng cây tràm năm gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với diện tích dự kiến khoảng 80 ha. Đây là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc, hàm lượng tinh dầu trong lá cây tràm năm gân đạt từ 1,5 - 2%, cao gấp 2 - 2,5 lần so với giống tràm gió địa phương.

            Trước mắt, HTX và nông dân đã trồng thí điểm 12 ha để đánh giá sự phù hợp thổ nhưỡng, tốc độ phát triển, tính chất dược lý và sự canh tác của nông dân. Đồng thời xúc tiến thành lập tổ hợp tác, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc chưng cất tinh dầu ngay tại vùng trồng và đào tạo nghề để nông dân vừa là người trồng vừa là người chế biến sản phẩm. Tuyển chọn, hoàn thiện từ 4 - 6 sản phẩm được gắn sao OCOP cấp tỉnh.

            Bên cạnh đó, cùng với tự tin khẳng định những sản phẩm từ dược liệu của HTX có chất lượng hàng đầu, đứng ngang hàng với những trung tâm dược liệu lớn trong cả nước nhưng để không bị tụt lại phía sau, HTX còn tiến hành đều đặn hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới, tiếp tục tạo ra những sản phẩm dược liệu đặc trưng mang thương hiệu Quảng Trị. “Hiện tại HTX đang nghiên cứu, thử nghiệm nhằm tạo sản phẩm bia thảo dược từ những loại cây dược liệu của địa phương”, anh Huệ tiết lộ.

 

Tác giả bài viết: Lê An

More

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 5284

Tổng lượt truy cập: 8.220.335