Chi tiết - Huyện Cam Lộ

“Khu Chính phủ” ở Cam Lộ: 50 năm dấu xưa còn mãi

Hơn nửa thế kỷ trước, bắt đầu từ tháng 5/1972, đã có 2/3 diện tích tỉnh Quảng Trị được giải phóng, chiếm 80% đất đai toàn tỉnh với hơn 13 vạn dân. Đây là vùng giải phóng hoàn chỉnh nhất của toàn miền Nam có đầy đủ ba vùng: rừng núi, đồng bằng và đô thị; có hệ thống giao thông thủy, bộ ngang dọc.

Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ

Vùng giải phóng Quảng Trị lại nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng giải phóng Hạ Lào rộng lớn. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Cam Lộ nói riêng lúc này đã trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội… Mọi hoạt động ở đây đều có liên quan, ảnh hưởng đến tình hình miền Nam và cả nước.

Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (tháng 6/1969), nhất là sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), để tạo ra một diện mạo mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, tiến hành thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt trụ sở làm việc.

Như một sự trùng phùng thú vị của lịch sử, trên vùng đất được chọn là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nguyên xưa cũng chính là thủ phủ của đạo Cam Lộ, còn gọi là thành Vĩnh Ninh. Vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên - tập IX, trang 216, 217 có ghi: “Đắp thành Vĩnh Ninh đạo Cam Lộ, trấn Quảng Trị. Thành ở 2 phường Yên Mỹ, Tân Yên, xã Cam Lộ. Bốn mặt thành dài 138 trượng 4 thước, cao 6 thước 5 tấc.

Trên thành đắp 4 kỳ đài, chở súng gang và súng đồng quá sơn ở kho kinh mỗi thứ 8 cỗ, đặt ở đó, trong thành thì xây dựng kỳ đài, dựng kho thuốc súng và các nhà trại của quan và quân…”. Năm 1849, ba cửa thành được xây bằng gạch, đá.

Bốn phía có hào thành bao quanh. Như vậy, triều Nguyễn đã chọn nơi đây làm thủ phủ dựa trên các yếu tố như thuận lợi về hệ thống giao thông, nằm ở vị trí án ngữ vùng biên giới giáp với Ai Lao, Nhân dân trong vùng có truyền thống yêu nước nồng nàn vì Cam Lộ vốn là đất thờ vua, đánh giặc, giữ nước vang danh trong sử sách…

Trong ký ức của ông Dương Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ giai đoạn 1975-1976, thời bấy giờ, công tác chuẩn bị xây dựng khu trụ sở Chính phủ diễn ra rất gấp rút. Đầu năm 1973, nhiều lượt tàu thủy cập cảng Đông Hà đưa vật liệu xây dựng như tôn, khung sườn bằng sắt, ván, xi măng, sắt thép và các mẫu thiết kế khu nhà từ miền Bắc vào, gấp rút chuyển lên Cam Lộ để xây dựng khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 6/5/1973, đông đảo cán bộ, Nhân dân Quảng Trị hân hoan tham dự lễ khởi công công trình. Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam 6/6 (1969-1973), ban chỉ huy công trình đã tập trung huy động một lực lượng cán bộ, công nhân hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do hai thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc thi công liên tục 3 ca mỗi ngày. Sau 25 ngày (từ ngày 6/5 đến ngày 30/5/1973), công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng như dự kiến.

Theo thiết kế, khu trụ sở Chính phủ được chia làm 2 khu: khu A và khu B trên diện tích 15.000 m2 . Khu A gồm 3 dãy nhà: nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao và nhà dinh dưỡng. Khu B gồm 5 dãy nhà: nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, nơi làm việc của phóng viên báo chí, nhân viên, cán bộ của Chính phủ. Kết cấu của các khu nhà trụ sở Chính phủ theo kiểu nhà lắp ghép hai xông, mái nhọn, vài kèo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ.

Mặc dù được tiến hành xây dựng khẩn trương trong thời gian ngắn, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở Chính phủ vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như điện, nước, vườn hoa, cây cảnh…

Điểm nổi bật là phòng nhà tiếp khách của Chính phủ và Bộ Ngoại giao rất trang nhã, lịch sự. Toàn bộ quy hoạch có 8 dãy nhà với diện tích từ 180 - 210 m2 nằm trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cảnh và cây tạo cảnh quan. Đặc biệt có các hàng dừa trong khu trụ sở là biểu tượng cho sức sống quật cường của Nhân dân miền Nam…

Ngày 6/6/1973, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức gần khu trụ sở Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và khánh thành trụ sở làm việc mới tại Cam Lộ. Ông Dương Tú Anh kể, người dân Cam Lộ lúc bấy giờ vừa tạm rời khỏi hầm hào, bước lên mặt đất để tham gia bảo vệ xóm làng, khôi phục sản xuất với một không khí náo nức trước cuộc sống mới.

Trước hôm lễ mít tinh diễn ra, người dân khắp nơi, từ vùng Cùa ra, từ Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thủy lên, từ Ba Thung, Quật Xá, Đâu Bình… về, mọi người đều dậy từ sớm, nấu bánh chưng, đồ xôi, nắm cơm mới, phần thì ăn, phần dành mang theo bởi đi bộ, đường xa, đến với buổi mít tinh cho kịp. Những cụ già râu tóc bạc phơ, trang trọng trong lễ phục khăn đóng áo dài đen; các chị phụ nữ rạng rỡ trong những tà áo dài tha thướt, các em thiếu niên, nhi đồng khăn quàng đỏ thắm trên vai…

Tất cả đều náo nức, tươi mới như chưa hề có đạn bom, gian khổ chất chồng đã đi qua trên mảnh đất này. Sau lễ mít tinh, hai chiếc xe Vonga đen cắm cờ, có mô tô hộ tống và xe công an dẫn đường từ từ tiến vào khu trụ sở Chính phủ, có đội danh dự bồng súng chào.

Từ đây, “trái tim” cách mạng miền Nam đã đập những nhịp đập mạnh mẽ chung với đất nước, với thời đại, đưa cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trả lời phỏng vấn trên báo Quảng Trị, phân tích: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, thực tế ta đã có một vùng giải phóng rộng lớn từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, nhưng Quảng Trị là vùng giải phóng rõ ràng nhất.

Đây là địa bàn nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa rất thuận lợi cho khách quốc tế và đặc biệt là các đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến trình Quốc thư hoặc làm việc. Ta chọn Cam Lộ xây dựng Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời mặc dù lúc đó vẫn còn nằm trong tầm pháo của địch nhưng ngược lại địch cũng nằm trong tầm pháo của ta.

Điều đó nói lên thế của ta trên chiến trường đã hoàn toàn chủ động. Nơi đây, từ năm 1973 đến năm 1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đón hàng chục đoàn khách quốc tế, đặc biệt việc Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị có một ý nghĩa hết sức to lớn, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam thừa thắng xông lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm đã trôi qua, Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ đang được bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp nhằm tái hiện một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng, khẳng định những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng như vị trí, vai trò quan trọng của vùng đất Cam Lộ, Quảng Trị trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Năm tháng có thể làm phai mờ nhiều thứ, nhưng khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ - biểu tượng cho tình cảm, khát vọng và lòng quyết tâm của Nhân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước vẫn mãi còn đó; ngọn cờ nửa đỏ, nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng năm cánh ngày ngày tung bay trên bầu trời Cam Lộ như vẫn luôn nhắc nhớ chúng ta về một thuở chung lòng đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc đầy gian khó, hy sinh và cũng rất đáng tự hào…

Đan Tâm

More

Đang truy cập: 14

Hôm nay: 439

Tổng lượt truy cập: 6.033.760