Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022

Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023, thay thế Luật Thanh tra năm 2010 (có hiệu lực đến ngày 30/6/2023), Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới quan trọng, cần lưu ý như sau:

1. Luật Thanh tra 2022 có 8 Chương và 118 Điều, quy định về: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; hoạt động thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra; phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra; Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra.

2. Luật năm 2022, quy định Thanh tra Tổng Cục, cục từ Nghị định do Chính phủ ban hành vào trong Luật do Quốc hội ban hành nhằm thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan Thanh tra (Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành). 

3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở (quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022). Luật Thanh tra năm 2010 thì thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

         4. Trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Chánh Thanh tra tỉnh: Quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Thanh tra 2022, thì Chánh Thanh tra tỉnh được bổ sung là cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

5. Luật Thanh tra 2022 quy định thời gian ban hành kết luận thanh tra:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình (đây là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022, Luật Thanh tra 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra 2010).

6. Quy định mới các tiêu chí về: Miễn nhiệm, bổ nhiệm Thanh tra viên, các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra trong Luật Thanh tra đã quy định tại Điều 35 Luật Thanh tra năm 2010.

        7. Luật Thanh tra năm 2022 quy định hoạt động thanh tra gồm các bước cụ thể gồm: Chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc cụ thể và đầy đủ, tạo ra sự thống nhất trong việc áp dụng.

          8. Kết luận thanh tra: Luật quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định (khoản 1 Điều 78).

Trường hợp đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương … thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

            9. Quy định phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra: Để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

10. Luật Thanh tra 2022 bỏ quy định về Ban thanh tra nhân dân: Ban Thanh tra Nhân dân được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, do hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực của nhà nước, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022./.

Văn bản: Luật số 11/2022/QH15, ngày 14/11/2022

                Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 của Chính phủ

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 12

Hôm nay: 5354

Tổng lượt truy cập: 7.953.927