Chi tiết - Huyện Cam Lộ
Cam Lộ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản
- 20-03-2022
- 338 lượt xem
Là một huyện vùng gò đồi có diện tích đất đỏ ba zan rộng, Cam Lộ có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây dược liệu…và tạo ra được lượng nguyên liệu khá nhiều phục vụ cho công nghiệp chế biến. Những năm qua, để nâng cao giá trị của nông sản, huyện Cam Lộ đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đầu tư máy móc thiết bị chế biến thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng trên địa bàn.
Hộ ông Quốc thu hoạch dâu tằm nguyên liệu để chế biến rượu dâu mang nhãn hiệu Quốc Khánh
Với diện tích gần 2 ha, đã nhiều năm nay, ông Trần Văn Quốc ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành trồng chuyên canh cây dâu tằm làm nguyên liệu chế biến rượu dâu mang nhãn hiệu Quốc Khánh. Rượu dâu Quốc Khánh đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến không chỉ chất lượng thơm ngon mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm được chế biến từ quả dâu tằm, không chứa cồn và phẩm màu hóa học. Mỗi năm ông Quốc thu hái được từ 4 - 6 tấn quả, ngoài bán quả tươi, gia đình ông chế biến được từ 1.000 - 1.200 lít rượu dâu bán được hơn 100 triệu đồng. Cây dâu tằm rất phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở Cam Lộ nên không tốn nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư ít nên đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, cơ sở chế biến rượu dâu đã được ông Quốc đầu tư thêm máy móc để sản xuất được sạch hơn. Đồng thời thực hiện đăng ký nhãn hiệu và đã được công nhận bảo hộ trên toàn quốc. Nhờ đó, sản phẩm rượu dâu Quốc Khánh ngày càng có nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến.
Cam Lộ cũng là vùng đất được người dân lựa chọn để phát triển các loại cây dược liệu và trở thành một trong những phong trào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc sản xuất cây dược liệu gắn liền với các hoạt động chế biến tiểu thủ công nghiệp tạo ra các sản phẩm thực phẩm chức năng được người tiêu dùng ưa chuộng. Các hộ sản xuất còn liên kết, thành lập HTX để thuận lợi trong chế biến, xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật trong số đó là HTX cao dược liệu Định Sơn xã Cam Nghĩa, được thành lập từ năm 2015 chuyên sản xuất các loại cao dược liệu như cao chè vằng, cao cà gai leo. HTX cũng đã xây dựng thương hiệu tập thể đối với các sản phẩm. Năm 2017, sản phẩm cao chè vằng của HTX được lọt vào top 10 thương hiệu tin cậy sản phẩm chất lượng cấp quốc gia. Sự phát triển của HTX cao dược liệu Định Sơn đã giúp cho các hộ xã viên có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định.
Một thương hiệu khác về dược liệu được nhiều người biết đến trên địa bàn huyện Cam Lộ là cà gai leo của cơ sở sản xuất An Xuân, xã Cam Tuyền. Sản phẩm này đã đạt giải thưởng sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2019 do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam bình chọn. Hiện nay, một số cơ sở chế biến dược liệu đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ thêm vốn để đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch. Đồng thời, trung tâm cũng hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu và tăng cường quảng bá sản phẩm nên nhiều cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn huyện Cam Lộ hoạt động có hiệu quả.
Năm 2019, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn huyện Cam Lộ đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho hơn 2.300 lao động, tạo ra giá trị sản xuất trên 300 tỉ đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Huyện Cam Lộ cũng tạo điều kiện khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn nên các cơ sở tiểu thủ công nghiệp càng có cơ hội để phát triển tốt hơn như được ưu tiên thuê đất tại các cụm công nghiệp, vay vốn lãi suất ưu đãi, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu tập trung… Đến nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ đã có 39 doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp với số vốn đăng ký gần 1.400 tỉ đồng, hằng năm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và khuyến công huyện Cam Lộ Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Huyện Cam Lộ đã quan tâm đầu tư hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tại các cụm công nghiệp, huyện đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các cơ sở khi chuyển vào sản xuất trong cụm công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề vẫn còn khó khăn trong khâu quảng bá sản phẩm. Vì thế, đề nghị Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh ngoài việc hỗ trợ vốn khuyến công, đầu tư cải tiến công nghệ, còn quan tâm hỗ trợ cho các cơ sở khâu quảng bá giới thiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm để các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lộ, một số làng nghề còn gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn hoạt động trong khu dân cư như làng nghề chế biến bún Cẩm Thạch, xã Thanh An, do đó, cần được quan tâm việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chế biến nông sản góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ nói riêng và toàn tỉnh nói chung, tạo ra các sản phẩm OCOP đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về công nghệ, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, để các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn phát triển bền vững thì huyện Cam Lộ cần xây dựng những giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn và tập trung chỉ đạo quyết liệt. Các ngành cấp tỉnh, nhất là ngành công thương tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ đổi mới công nghệ và kết nối cung cầu để các cơ sở sản xuất có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp của huyện Cam Lộ mới được mở rộng thị trường, tăng giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả nhiều mặt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tác giả bài viết: Trần Cát Linh (Báo Quảng Trị)
- Kịp thời phân bổ 1.220 kg hạt giống ngô và rau cho Nhân dân sản xuất (20/03/2022)
- Người dân lao đao vì nhiều cây hồ tiêu chết héo do ngập nước (20/03/2022)
- Hơn 50 ha cây cao su gãy đổ do bão số 9 (20/03/2022)
- Cấp phát hơn 3.500 cây giống sầu riêng và chôm chôm cho nông dân trồng theo mô hình cây ăn quả hữu cơ công nghệ cao (20/03/2022)
- Tổng kết mô hình nuôi cá leo trong ao (20/03/2022)
- Khẩn trương thu hoạch lúa vụ hè thu (20/03/2022)
- Hội Nông dân huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hội viên (20/03/2022)
- Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở Cam Lộ (20/03/2022)
- Cam Nghĩa: hội chợ quê giới thiệu nông sản địa phương (20/03/2022)
- Sản phẩm của Công ty TNHH MTV Từ Phong được tôn vinh sản phẩm nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020 (20/03/2022)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
Đang truy cập: 129
Hôm nay: 32074
Tổng lượt truy cập: 7.614.453
Cổng thông tin điện tử huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn
SĐT: 0233.33871544 - 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ