Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã nỗ lực “Đoàn kết, sáng tạo, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới”; ra sức thi đua thực hiện hiệu quả mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần đưa Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Hội Nông dân huyện phát động tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Nông dân Cam Lộ ra quân chỉnh trang nông thôn mới

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Việt cho biết, nhiệm kỳ qua, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Huyện ủy Cam Lộ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…

Cán bộ, hội viên nông dân trong huyện phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) thúc đẩy sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển khá toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Tiềm năng, lợi thế đất đai đã được khai thác hợp lý, hiệu quả; năng suất và chất lượng nông sản ngày một nâng lên.

Đặc biệt, thực hiện các nghị quyết, đề án chuyển đổi cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu của huyện, nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất quy mô tập trung theo quy hoạch vùng, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, phát triển cây dược liệu... góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, sâu sát hội viên nông dân và tình hình thực tiễn ở địa phương, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng rõ chức năng, rõ việc; bám sát các nghị quyết của Đảng bộ huyện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện đó là 6 cây và 2 con để tập trung phát triển gồm: lúa chất lượng cao, lạc, hồ tiêu, cao su, sắn nguyên liệu, gỗ FSC, bò lai, lợn và một số sản phẩm cây dược liệu đặc thù vùng; nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn kết, tập hợp nông dân vào tổ chức hội cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Trong nhiệm kỳ đã mở được 38 lớp đào tạo nghề với 1.140 người tham gia; phối hợp tập huấn 46 lớp chuyển giao KHKT sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc lúa và các loại cây trồng, vật nuôi, với 1.843 hội viên tham gia; tỉ lệ người lao động có việc làm so với tổng số hội viên được đào tạo nghề đạt 83%.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã chủ động phối hợp với ngành liên quan hướng dẫn xây dựng mới trên 28 mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê nhốt, nuôi gà thả vườn, trồng sắn dây, phát triển cây chè vằng.., qua đó giúp cho hội viên tiếp cận với KHKT và công nghệ tiên tiến ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện. Trình độ dân trí, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên; dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của nông dân được phát huy, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được khẳng định.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện Kế hoạch số 38-KH/HU, ngày 6/7/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về đẩy mạnh thực hiện các công trình, phần việc trọng tâm theo Chương trình hành động số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, góp phần thực hiện mục tiêu “Đẹp từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ ra đường, ra đồng” và hoàn thành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao. Kết quả vận động thành lập được 3 hợp tác xã, 24 tổ hợp tác và 21 nhóm hộ liên kết sản xuất, xây dựng được 16 tuyến đường mẫu; đăng ký và xây dựng 108 vườn mẫu, cải tạo 186 vườn tạp; hiến trên 38.788 m2 đất, đóng góp 10.697 triệu đồng và 31.986 ngày công, làm mới và sửa chữa trên 61,6 km đường giao thông nông thôn và 46,3 km kênh mương nội đồng, phấn đấu đưa huyện Cam Lộ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

“Để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra về nâng cao nhận thức chính trị, trình độ sản xuất, quản lý, kinh doanh và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đối với xã hội, đòi hỏi các cấp Hội Nông dân phải vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục cơ cấu, tổ chức lại theo hướng quy hoạch vùng có liên doanh, liên kết, đồng thời hướng đến xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh. Đẩy mạnh chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.

Hội Nông dân Cam Lộ đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng tổ chức hội vững mạnh xứng đáng là trung tâm nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết thêm.

Thanh Hải

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 7

Hôm nay: 22753

Tổng lượt truy cập: 7.792.550