Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Lộ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Vượt lên những khó khăn về kinh tế, bất lợi về vị trí địa lý, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã nỗ lực xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Mặt khác, huyện còn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kêu gọi các nhà đầu tư vào đăng ký sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất gạch Ter­razzo của Công ty TNHH Hoàng Huy ở CCN Cam Thành

Tính đến quý I/2015, huyện Cam Lộ đã duy trì hoạt động ổn định tại 3 CCN, đó là: CCN Cam Thành có tổng diện tích 25 ha, CCN Cam Hiếu diện tích 70 ha và CCN Cam Tuyền 54 ha. Hiện nay, tại CCN Cam Thành, khu vực Tân Định kết cấu hạ tầng như san nền, đường giao thông, điện, nước, cống thoát nước đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với tổng số vốn đầu tư là 14,6 tỷ đồng. Riêng ở khu vực Tân Trang, huyện đã tiến hành san nền với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng; các hạng mục hạ tầng khác như giao thông, điện, nước chưa được đầu tư hoàn thiện. CCN Cam Hiếu đã hoàn thiện về mặt bằng, xây dựng 4 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 1.553 m với tổng số vốn đầu tư là 14,993 tỷ đồng. Riêng đối với CCN Cam Tuyền đây là CCN được quy hoạch để đón đầu dự án xây dựng nhà máy xi măng Roli nhưng đến thời điểm hiện tại dự án này không triển khai xây dựng và bị rút giấy phép đầu tư. Vì vậy, việc tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư vào CCN này bị giảm sút. 

Để tiếp tục tạo ra sức hút đầu tư và phù hợp với tình hình phát triển KT-XH hiện nay trên địa bàn, UBND huyện đã có một số điều chỉnh trong quy hoạch chi tiết cho phù hợp với thực tế địa phương. Nhờ đó, mặc dù chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng mới đây CCN Cam Tuyền đã được Công ty CP xây dựng viễn thông Việt Nam đến đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và đã hoàn thành thủ tục thuê đất. 

Tính đến cuối tháng 3/2015, trên tất cả 3 CCN trên địa bàn huyện Cam Lộ đã thu hút 21 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 9 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư khoảng 504 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 360 lao động tại địa phương. Dự kiến khi 17 dự án còn lại đi vào hoạt động sản xuất sẽ tạo việc làm cho khoảng 750 lao động tại địa phương và đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng. CCN đang hoạt động khá sôi động hiện nay là CCN Cam Thành, khu vực Tân Định với 7 dự án đang triển khai sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Trong đó phải kể đến dự án của Công ty TNHH Thái Bình Quảng Trị với ngành nghề sản xuất bê tông li tâm và bê tông đúc sẵn với tổng mức đầu tư trên 19 tỷ đồng đang giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Hay dự án chế biến gỗ bằng công nghệ ván ghép thanh với sản lượng 5.000 m3/năm của Công ty TNHH Trúc Minh Lâm giải quyết việc làm cho 25 lao động địa phương và trực tiếp tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng cho người dân trên địa bàn. 

Điểm đáng chú ý trong chủ trương thu hút các dự án đầu tư vào các CCN ở huyện Cam Lộ là quan tâm kêu gọi các dự án có khả năng thu hút lao động tại chỗ và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho địa phương. Trong đó phải kể đến dự án sản xuất viên nén năng lượng thuộc Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đi vào hoạt động từ tháng 12/2014. Quy mô nhà máy được xây dựng trên diện tích 50.000 m2, công suất viên nén năng lượng là 50 tấn/ngày và 30 m3/ngày gỗ xẻ chi tiết. Sản phẩm của nhà máy là tận dụng phế liệu từ nông nghiệp, đặc biệt là các phế phẩm từ gỗ rừng trồng để sản xuất ra viên nén năng lượng nhiệt trị cao. Đây là viên nén năng lượng có thể thay than đá, củi, dầu DO, FO làm nguyên liệu đốt lò trong các ngành công nghiệp sản xuất thay thế các nguyên liệu, chất đốt truyền thống. Đặc biệt là lượng tro sau khi đốt được sử dụng để bón cây, làm phân vi sinh không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện tại nhà máy giải quyết việc làm cho 119 lao động với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, nhà máy đặt ra chỉ tiêu sản xuất 10.000 tấn viên nén năng lượng và 5.000 mgỗ xẻ chi tiết. Để nâng cao giá trị sản phẩm, Tổng Công ty đã có kế hoạch hỗ trợ huyện Cam Lộ xây dựng 1.500 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, đồng thời hỗ trợ hộ trồng rừng 8 triệu đồng/ha với loại rừng trồng đã 5 năm tuổi trong 2 năm liên tục để chủ động được nguồn nguyên liệu. 

Nhìn chung các dự án đang triển khai tại các CCN trên địa bàn huyện Cam Lộ đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án chậm triển khai do có những thay đổi trong thủ tục thuê đất theo Luật Đất đai 2013. Thủ tục đầu tư dự án từ khi chấp thuận đến khi hoàn tất phải qua nhiều khâu, nhiều đầu mối nên tốn kém nhiều thời gian cho doanh nghiệp. Việc giải phóng mặt bằng ở các CCN theo phương thức xã hội hóa còn một số bất cập làm kéo dài thời gian triển khai dự án… Mặt khác, dù đã được quan tâm đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nhưng kết cấu hạ tầng tại các CCN ở Cam Lộ vẫn chưa hoàn thiện. Đặc biệt là CCN Cam Tuyền và khu vực Tân Trang thuộc CCN Cam Thành. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các dự án trong và ngoài nước; vận dụng hợp lý các chính sách để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh xã hội hóa về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và GPMB. Tăng cường công tác thông tin, quảng bá tiềm năng và cơ hội và các chính sách thu hút đầu tư của huyện để tạo sự quan tâm của các nhà đầu tư. Đồng thời kiến nghị với tỉnh giao cho huyện làm đầu mối giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các doanh nghiệp. Các sở, các doanh nghiệp không triển khai xây dựng dự án. Tỉnh quan tâm hỗ trợ vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng các CCN và có chính sách hỗ trợ “ngoài hàng rào” cho doanh nghiệp. Có như vậy mới giúp huyện xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm đến sản xuất kinh doanh tại địa phương”. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 165

Hôm nay: 44879

Tổng lượt truy cập: 7.673.741