Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Quy hoạch Công nghiệp - Thương mại huyện Cam Lộ đến năm 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘi CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
Số: 1077/QĐ-UBND Đông Hà ngày  04 tháng 6 năm 2009
   

QUYẾT ĐỊNH
V/v Phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp – thương mại 
huyện Cam Lộ đến năm 2020

 
 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

 
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về Lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công thương Ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 3205/QĐ-UB, ngày 15/11/2004 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, có tính đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-UB, ngày 18/10/2000 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội huyện Cam Lộ đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 1271/QĐ-UB, ngày 03/7/2003 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2419/QĐ-UB, ngày 05/8/2004 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt đề án Quy hoạch và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, có tính đến năm 2020;
Xét hồ sơ "Quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại huyện Cam Lộ đến năm 2020" do Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp - Bộ Công thương lập và và Biên bản Hội nghị thẩm định thông qua ngày 19/11/2008;
Xét đề nghị của UBND huyện Cam Lộ tại công văn số 32/UBND-CT ngày 10/3/2009 và đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số  204/TTr-SCT ngày  01/4/2009 của Sở Công Thương,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển Công nghiệp- Thương mại huyện Cam Lộ đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm phát triển
1. Quan điểm phát triển công nghiệp
- Tập trung phát triển công nghiệp để đẩy nhanh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh các ngành nông nghiệp, dịch vụ - thương mại theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển công nghiệp địa phương gắn với công nghiệp của vùng và của cả tỉnh, cả nước;
- Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, đồng thời mạnh dạn đi tắt đón đầu để phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm có công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển công nghiệp phải gắn sản phẩm với thị trường;
- Tập trung phát triển các cụm CN-TTCN làm hạt nhân cho phát triển công nghiệp trên địa bàn. Phát triển công nghiệp gắn liền với bảo vệ quốc phòng- an ninh, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái.
2. Quan điểm phát triển thương mại
- Phát triển ngành thương mại thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao,  phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội theo hướng CNH-HĐH, phát huy được tiềm năng và lợi thế so sánh;
- Phân bố cơ cấu ngành thương mại của huyện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 theo hướng tập trung hoá theo khu vực để tăng cường tính hướng ngoại cho các hoạt động kinh tế của huyện;
- Phát triển thương mại trên cơ sở phát triển đồng bộ các loại hình, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành và coi trọng việc hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, khả năng hỗ trợ, liên kết, liên doanh khi thị trường dịch vụ phân phối mở cửa;
- Phát triển thương mại trên địa bàn huyện đảm bảo tuân thủ các qui định của pháp luật, tạo ra môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh; đảm bảo tính  thống nhất, tính liên kết giữa phát triển thương mại với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và các ngành khác của huyện.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu phát triển công nghiệp
- Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) đến năm 2010 đạt 93 tỷ đồng; đến năm 2015 đạt 301 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 505 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 – 2010 đạt 12%, giai đoạn 2010 - 2020 đạt từ 18%-19%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp theo giá hiện hành trong tổng GDP của huyện đến năm 2020 đạt 37%-38% (không tính doanh nghiệp tỉnh đóng trên địa bàn);
- Cơ cấu các chuyên ngành công nghiệp đến 2020 theo thứ tự và và phấn đấu đạt tỷ trọng (giá cố định 1994) như sau: Sản xuất VLXD: 67%; Khai thác khoáng sản: 19,4%; Chế biến nông - lâm sản, thực phẩm: 6,9%; Sản xuất sản phẩm gỗ: 3,7% và công nghiệp khác 3%.
2. Mục tiêu phát triển thương mại
- Phấn đấu tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá (tính theo giá 94) đến năm 2010 đạt 55 tỷ đồng; đến năm 2015 đạt trên 93 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt trên 157 tỷ đồng. Kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2010 đạt trên 0,8 triệu USD; đến năm 2015 đạt trên 2,4 triệu USD và đến năm 2020 đạt trên 6,5 triệu USD. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 11-12%/năm. Tỷ trọng thương mại - dịch vụ theo giá hiện hành trong tổng GDP của huyện đến năm 2020 đạt 31%.
III. Phương hướng phát triển công nghiệp - thương mại
A. Về công nghiệp
1. Phát triển các chuyên ngành công nghiệp
1.1. Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Phát triển trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý, công nghệ và thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ưu tiên phát triển sản xuất xi măng và quan tâm phát triển một số sản phẩm phục vụ ngành xi măng như sản xuất bao bì, phụ gia xi măng… Chú trọng phát triển sản xuất gạch ngói, cát sỏi và các chủng loại VLXD mới có chất lượng cao phục vụ nhu cầu xây dựng.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2008-2010 là 18,0%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 50%/năm và giai đoạn 2016-2020 là 11,5%/năm. Một số sản phẩm chính đến năm 2020 như xi măng: 1,2-2,4triệu tấn/năm; gạch block: 12 - 15  triệu viên/năm.
2.2. Phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản:
Khai thác khoáng sản trên cơ sở các nguồn tài nguyên hiện có với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả gắn bảo vệ môi trường sinh thái và chấp hành các quy định pháp luật. Tổ chức đánh giá và xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu để làm căn cứ  xây dựng kế hoạch đầu tư khai thác có hiệu quả.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2008-2010 là 8,0%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 8,0%/năm và giai đoạn 2016-2020 cũng là 8,0%/năm. Một số sản phẩm chủ yếu đến năm 2020 như đá khai thác: 1 - 1,2 triệu m3/năm; khai thác cát, sỏi: 100.000 - 120.000 m3/năm.
2.3. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm:
Trên cơ sở quy hoạch các vùng nguyên liệu ở địa phương, hướng công nghiệp chế biến vào các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của huyện (cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng...) và tiếp tục ổn định sản xuất các sản phẩm: xay xát lương thực, bún, bánh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2008-2010 là 15,0%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 10,0%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 12,5%/năm. Một số sản phẩm chính đến năm 2020 như chế biến hồ tiêu: 1.500 tấn/năm; chế biến mủ cao su: 2.000 tấn/năm; chế biến thức ăn gia súc: 3.000 tấn/năm.
2.4. Phát triển công nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ:
Ổn định sản xuất, tìm kiếm cơ hội phát triển, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. 
Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2008-2010 đạt 35%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 14,0%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 12,5%/năm. Một số sản phẩm chính đến năm 2020 như ván ghép thanh: 5.000 sản phẩm/năm; đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ cao cấp: 10.000 - 15.000 sản phẩm/năm.
2.5. Phát triển công nghiệp sản xuất kim loại và dịch vụ sửa chữa:
Phát triển mạng lưới dịch vụ sửa chữa cơ khí, xe, máy gia công lắp đặt các thiết bị cơ khí trên địa bàn các xã và sản xuất các sản phẩm đơn giản như: xe cải tiến, nông cụ cầm tay, khung sắt… tạo điều kiện cơ khí hoá trong sản xuất nôngnghiệp.
Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2008-2010 đạt 22%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 17%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 15%/năm. Một số sản phẩm chính đến năm 2020 như cán tôn và sản xuất khung thép tiền chế 1.500 tấn/năm.
2.6. Công nghiệp sản xuất và phân phối nước:
Đảm bảo nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất tại các cụm công nghiệp – TTCN - Dịch vụ. Đến năm 2020, công suất nhà máy nước đạt 4.000m3/ng.đ
2.7. Công nghiệp khác:
Trên cơ sở lợi thế so sánh của huyện, lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp khác nhằm đa dạng hoá sản phẩm công nghiệp của huyện. Chú trọng các ngành thu hút được nhiều lao động như: may mặc, giày da, sửa chữa điện tử. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008 - 2020 là 15 - 17%/năm.
          2. Phát triển các cụm, điểm công nghiệp - TTCN - TMDV tập trung
Đến năm 2020, trên địa bàn huyện sẽ hình thành và phát triển các cụm, điểm công nghiệp (CCN) - TTCN - Làng nghề - Thương mại, dịch vụ tập trung sau: CCN - Làng nghề Tân Định (xã Cam Thành), diện tích 10,5ha; CCN - Dịch vụ Tân Trang (xã Cam Thành),  diện tích 15ha; CCN - TTCN - dịch vụ đường 9D (xã Cam Hiếu), diện tích 70ha, CCN - TTCN - Thương mại Dịch vụ đường Hồ Chí Minh (xã Cam Tuyền), diện tích 50ha; Cụm Thương mại - Dịch vụ Ngã Tư Sòng (xã Cam An+Cam Thanh), diện tích 15 ha. 
Ngoài ra, nghiên cứu hình thành thêm 01 một cụm công nghiệp tại khu vực đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, diện tích 20ha. 
3. Danh mục các dự án công nghiệp chủ yếu đến năm 2020: Phụ lục kèm theo.
4. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp
Nhu nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2008 – 2010 khoảng 340 tỷ đồng, 2011 - 2015 khoảng 540 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 580 tỷ đồng, cả giai đoạn 2008 - 2020 khoảng 1.460 tỷ đồng.
B. Về thương mại
1. Phát triển các loại hình thương mại
1.1. Phát triển hệ thống chợ trên địa bàn: 
Thực hiện xã hội hoá trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ ở địa phương với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi với nhiều hình thức khác nhau. 
Không gian kiến trúc của chợ vừa phải đảm bảo sự thuận tiện cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông, PCCC, vừa phải đảm bảo khả năng phát triển mở rộng của chợ và các loại hình thương mại có liên quan với khu vực chợ. 
Từ nay đến năm 2020, xúc tiến việc xây mới chợ: Sòng; Cam Nghĩa; Tân Lâm; Cam Tuyền; Cam Thuỷ... và cải tạo, nâng cấp các chợ: Cùa, Cam Hiếu, Thượng Lâm...
1.2. Phát triển hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu: 
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trư­ởng khối lư­ợng tiêu thụ xăng dầu qua mạng lưới đạt bình quân 13,5-14,2%/năm trong giai đoạn 2009-2015 và duy trì tốc độ tăng 14,3-16,2 %/năm trong giai đoạn 2016-2020. 
Quy mô tiêu thụ đến năm 2010 đạt 6.545m3 xăng và 55m3 dầu nhớt, đến năm 2015 đạt 6.970m3 xăng và 75m3 dầu nhớt, đến năm 2020 đạt 7.845m3xăng và 115m3 dầu nhớt. Đảm bảo qui mô tiêu thụ bình quân của mỗi điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đến năm 2015 và 2020 tăng gấp 1,8 - 2,0 lần so với qui mô tiêu thụ bình quân hiện nay.
Từ nay đến năm 2020 xây mới thêm 04 cửa hàng xăng dầu: Tân Tường, Cam Thuỷ, Cầu Đuồi và Vùng Cùa
Đảm bảo công tác vệ sinh môi trư­ờng và an toàn phòng chống cháy nổ tại các điểm kinh doanh, 100% điểm kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn về điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành.
1.3. Phát triển các cụm, điểm, trung tâm thương mại - dịch vụ:
Trong thời kỳ từ nay đến năm 2020, cần quy hoạch xây dựng một số điểm, trung tâm thương mại-dịch vụ tổng hợp, siêu thị, kho bãi trung chuyển hàng hoá trên địa bàn huyện ở các cấp độ và quy mô khác nhau, cụ thể: Xúc tiến xây dựng thí điểm trung tâm thương mại-dịch vụ tổng hợp, kho bãi trung chuyển hàng hoá tại một trong các giao điểm của quốc lộ 1, quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh; Tập trung đầu tư xây dựng Cụm Thương mại - Dịch vụ Ngã Tư Sòng; Xây dựng 02 điểm thương mại-dịch vụ tại Trung tâm cụm xã Cam Tuyền, Cam Nghĩa; Xây dựng 01 siêu thị trên địa bàn thị trấn.
2. Nhu cầu vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển thương mại giai đoạn 2008 –2010 khoảng 130 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 270 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 440 tỷ đồng, cả giai đoạn 2008 - 2020 khoảng 840 tỷ đồng.
V. Tổ chức thực hiện
  1. UBND huyện Cam Lộ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại của huyện đến năm 2020. Tổ chức công bố quy hoạch để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Ban hành chương trình hành động để phát triển ngành công nghiệp - thương mại, thực hiện hoàn thành mục tiêu quy hoạch.
2. Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các nội dung theo quy hoạch được duyệt. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất.
3. Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với huyện lập quy hoạch, xây dựng các giải pháp khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu nông - lâm và tổ chức thực hiện để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở, nhà máy chế biến công nghiệp.
4. Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với huyện thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho phát triển công nghiệp - thương mại; giải quyết tốt vấn đề môi trường.
5. Các Sở, ban, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp, hỗ trợ huyện Cam Lộ thực hiện những công việc khác có liên quan đến quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại.
Trong quá trình thực hiện, quy hoạch phát triển Công nghiệp - Thương mại  sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện Cam Lộ trong từng thời kỳ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.   
 

Nơi nhận: 
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT tỉnh;
- Như Điều 2;
- PVP UBND tỉnh, CV;
- Lưu: VT, CN, TM.
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN 
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
     Lê Hữu Phúc

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 413

Tổng lượt truy cập: 7.958.117