Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Di tích, địa danh

1. Loại hình văn hóa – khảo cổ
Hang Dơi và hang động lèn Tân Lâm.
Địa điểm: Ở vùng núi Đầu Mầu, thuộc địa phận xã Cam Thành. 
Do hoạt động của Kartis nhiệt đới, mọc dựng những núi đá vôi, dân địa phương gọi là lèn đá với nhiều hang động, mái đá, là nơi cư trú tốt nhất của người nguyên thủy. Hang chính ở Lèn 4 gọi là hang Dơi, cửa hang cao hơn mặt đất khoảng 70 m, rộng 4,67 m, cao từ 8 - 10 m, chiều sâu 17,5 m, có những ngách rộng ăn sâu vào lòng hang, nền hang tương đối bằng phẳng. Ngoài ra còn có một số hang động khác ở lèn 4, lèn 3 và mái đá. Tại đây, tìm được những dấu tích của người nguyên thủy.
Phế tích tháp Chàm Kim Đâu:
Địa điểm: Nằm giữa cánh đồng làng Kim Đâu, xã Cam An, cách thị xã Đông Hà 5 km, cách QL1A hơn 2 km về phía Đông.
Hiện nay, Tháp Chàm đã bị san bằng. Một số di vật để lại như nhiều bệ đá có kích thước khá lớn nằm rãi rác tại khu đất tháp và 3 hiện vật tương đối nguyên vẹn, trong đó có tượng Bò thần Nandin hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Quảng Trị. Tượng Bò được tạo liền một khối với bệ bằng sa thạch dài 0,46m, rộng 0,29m, nằm ở tư thế hai chân trước gập về sau, hai chân sau gập về trước. Tương truyền người Chăm cổ xem bò Nandin là vật cưỡi của Thần Siva và Nữ thần Paravati.
2. Loại hình văn hóa – lịch sử 
Miếu thờ Huyền Trân Công Chúa
Địa điểm: Ở làng Kim đâu, xã Cam An.
Huyền Trân Công Chúa con của Vua Trần Nhân Tông, em của Vua Trần Anh Tông. Để tạo mối giao hảo giữa 2 nước Chàm - Việt, Vua cha bán gã cho Vua Chiêm là Chế Mân (1306) đổi lấy 2 châu Ô - Lý.
Huyền Trân Công chúa - Một nhân vật lịch sử, công lao của bà đã mang lại cho dân tộc Việt một phần đất rộng lớn vùng Thuận Hoá. Người Cam Lộ, Đông Hà nói riêng và Quảng Trị nói chung ngưỡng vọng, tôn thờ bà như một nhân thần trong cỏi thức tâm linh.
Khu đình làng và Chợ Phiên Cam Lộ:
Địa điểm:  Thị trấn Cam Lộ, trên trục đường 15, cách QL9 hơn 1 km về phía Đông - Bắc.
Đình làng và Chợ Phiên là sản phẩm của hình thái sinh hoạt văn hóa và kinh tế của dân cư làng Cam Lộ từ khi vùng đất được định hình và kiến tạo. Đình làng được đặt ở vị trí hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý phong thủy: Sau lưng đình là dòng sông Hiếu uốn lượn, nước trong veo chảy nhẹ quanh năm; trước mặt đình là con đường giao thông huyết mạch xe cộ tấp nập ngày đêm; phía xa là các dãy núi bao bọc trùng điệp, sơn thủy hữu tình.
Chợ Phiên nằm trước ngôi Đình làng trên khuôn viên khoảng 1 ha, là một chợ lớn nhất, nhì của Trung bộ trong các thế kỷ  XII - XVII. Do nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa, luồng buôn bán trên bộ dưới thuyền theo tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao đã hình thành thị trường nội địa liên kết một cách sầm uất, Chợ Phiên trở thành trung gian giữa cảng Cửa Việt và Dinh Ai Lao. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ba Nha ... vào Cửa Việt lên; thương nhân các bộ lạc: Lạc Hoàn, Vạn Tường, miền Tây Thanh Nghệ từ Trấn Ninh Quy Hợp qua, cửa khẩu Dinh Ai Lao về. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện hình thành con đường, tiền thân của Quốc lộ 9 ngày nay. Gọi là Chợ Phiên vì chợ nhóm họp theo phiên “kỳ” và được duy trì cho đến nay, mỗi tháng có 6 Phiên gồm các ngày: 3, 8,13,18,23,28 (âm lịch). Trong những ngày Phiên, chợ đông đúc hẳn và được xem như ngày hội của dân trong vùng, dân địa phương hầu như nhà nào cũng có đi chợ trao đổi buôn bán, đôi lúc chỉ là vài nải chuối, mớ rau, bó chè. 
Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, thương mại từ rất sớm, tạo cho Cam Lộ có một hương vị riêng đậm nét so với các vùng quê Quảng Trị. 
Chợ Phiên và đình Làng Cam Lộ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam Lộ.         
3. Loại hình lịch sử - cách mạng           
Sơn phòng Tân Sở:
Địa điểm: Thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính (vùng Cùa).
Thành Tân Sở được xây dựng từ năm 1883, đến năm 1885 thì cơ bản hoàn thành. Thành được cấu trúc theo hình chữ nhật, dài 548 m, rộng 418 m, tổng diện tích là 22,9 ha. Tân Sở là một công trình thành luỹ dã chiến, ở một vùng kín đáo, biệt lập với đồng bằng và xa trung tâm các sở lỵ, rất thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ kháng chiến. Ba mặt Tây, Nam, Bắc là dãy đồi núi tự nhiên tạo thành một vòng khép kín. Phía Đông hướng ra đồng bằng Hải Lăng, Triệu Phong rất thuận lợi cho việc giao lưu với miền xuôi.
Sau sự kiện binh biến đêm 23/05 Ất Dậu (1885) tại kinh thành Huế, phái chủ chiến tiến hành đánh úp Pháp bị thất bại, vua Hàm Nghi và các quan đại thần của phái chủ chiến kéo ra Tân Sở. 
Ngày 13/07/1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Từ đó Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào Cần Vương. Phong trào phát triển kéo dài đến những năm đầu thế kỷ XX.
Tân Sở, nơi ghi dấu một mốc lịch sử vô cùng anh dũng trong giai đoạn chống ngoại xâm. Nơi đây chứng kiến những ngày bi hùng của dân tộc, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong phong trào lãnh đạo dân tộc chống ngoại xâm.
Sau khi Pháp chiếm được Tân Sở, chúng biến Tân Sở chìm vào biển lửa. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ tiếp tục biến nơi đây thành căn cứ quân sự của chúng. Vì vậy Tân Sở bị phá vỡ hoàn toàn.
Mộ Trung Lang Tướng Quân Hoàng Kim Hùng
Địa điểm: Ở làng Vĩnh An, xã Cam Hiếu. 
Mộ được đắp bằng đất có diện tích 15 m2. Ông Hoàng Kim Hùng là một vị Tướng  dưới thời Tây Sơn từ lúc 15 tuổi. Năm 24 tuổi ông được phong Trung Lang Tướng Quân (1788). Ông có hiệu là Hổ Hầu, được Nguyễn Huệ rất yêu mến và trọng dụng. Trong kháng chiến chống Mãn Thanh ông chỉ huy một cánh quân tiến đánh giải phóng thành Thăng Long năm 1789 trong đại quân của vua Quang Trung. Ông mất năm 1935, thọ 71 tuổi.
Nhà Tằm:
Địa điểm: Ở thôn Tân Tường, xã Cam Thành, cách QL9 800 m về phía Tây - Nam tại đoạn km 15.
Tháng 5/1930, tại đây BCH lâm thời đầu tiên của Huyện ủy Cam Lộ được thành lập. Tất cả có 3 đ/c, đồng chí Lê Thế Tiết làm Bí thư Huyện ủy.
Chùa An Thái:
Địa điểm: Ở làng An Thái, xã Cam Tuyền.
Tháng 4/1930 dưới sự chỉ đạo của Xứ Ủy Trung Kỳ ban vận động thành lập Đảng của Tỉnh Quảng Trị đã ra đời và cũng trong tháng 4 này chi bộ xã Cam Tuyền được thành lập, là một trong những chi bộ ra đời đầu tiên trong địa bàn Đông Hà, Cam Lộ.
Miếu An Mỹ:
Ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền cách đường 15 đi Cồn Tiên khoảng 30 km. Ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của huyện Cam Lộ đã tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền vào ngày 23/8 trên địa bàn huyện.
Đình Mai Lộc: 
Ở thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, cách trụ sở UBND 200 m về phía Đông. Tại đây, tháng 4/1930 chi bộ xã Cam Chính thành lập do đ/c Nguyễn Duệ làm Bí thư là một trong những chi bộ ra đời sớm trong địa bàn Cam Lộ - Đông  Hà.
Đình làng Cam Vũ:
Ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy. 
Hiện nay, Đình làng Cam Vũ chỉ còn lại nền đình, có diện tích chừng 40 m2.
Năm 1939, nơi đây Chi bộ xã Cam Thuỷ đã ra đời gồm 4 đồng chí, là một trong những Chi bộ mạnh của huyện Gio Cam trong giai đoạn 1936 - 1945. 
Địa điểm ghi dấu trận đánh Pháp tại km 8 QL9:
Tại Ngã 3, đường 9, rẽ vào Công ty cổ phần gạch ngói Vĩnh Đại, thuộc xã Cam Hiếu. 
Tại đây bộ đội chủ lực đã phối hợp với du kích xã Cam Hiếu chặn đánh cuộc hành quân, làm thất bại âm mưu của quân Pháp nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta, đàn áp phong trào cách mạng. Sau 1 ngày chiến đấu đã tiêu diệt 180 tên, bắt sống 5 tên. Đây là 1 trận thắng lớn của bộ đội và du kích trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Vụ thảm sát Cùa năm 1947: 
Thuộc làng Bảng Sơn và Định Sơn, nằm giáp giới giữa 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa nay chỉ còn vùng đất bỏ hoang.
Để trả thù cho sự thất bại nhục nhã và tổn thất quá nặng nề của Pháp tại trận càn tại Cùa ngày 04/01/1947, ngày 06/01/1947 Thực dân Pháp đã kéo vào 2 làng Bảng Sơn và Định Sơn xả súng giết hại 1 lúc hàng trăm người dân vô tội. Có những gia đình bị sát hại hầu như toàn bộ, có những em bé không còn cha mẹ. Đây là vụ thảm sát khốc liệt nhất mà Thực Dân Pháp gây ra đối với nhân dân Cam Lộ.
Trận đánh vùng Sẩm năm 1952
Nằm ở phía Tây Bắc, xóm đốc Kỉnh, xã Cam Chính, cách chợ 400 m.
Tháng 6/1952 biết được âm mưu của Pháp đánh phá các căn cứ cách mạng của ta hầu kết thúc nhanh cuộc xâm lược của chúng. Du kích 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa phối hợp với đơn vị chủ lực C364 chặn đánh địch tại vùng Sẩm. Đây là trận đánh lớn, diễn ra ác liệt, kết quả tiêu diệt được 200 tên.
Chợ Cam Thuỷ:
Chợ Cam Thuỷ nằm sát miếu thờ Thành Hoàng của thôn Tam Hiệp, xã Cam Thuỷ, cạnh đường 71, cách cầu Đuồi 500 m về phía Đông Bắc.
Sáng 8/9/1954, giữa lúc chợ đang đông, để trả thù phong trào quần chúng ủng hộ cách mạng, bọn ngụy quyền Cam Lộ và một đại đội lính bảo an địa phương quân đã dùng vũ khí đàn áp, khủng bố buộc mọi người họp chợ phải giải tán và dời chợ đi nơi khác. Bọn chúng đã nổ súng vào chợ giết hại nhiều người.
Địa điểm Đồn Thượng Nghĩa:
Ở phía Nam thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa. 
Đồn Thượng Nghĩa là một căn cứ quân sự của Mỹ được xây dựng vào cuối năm 1965. Từ đây chúng thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét vào các xã vùng Cùa và các căn cứ của ta. Tháng 6/1966, đơn vị Thu Bồn thuộc Sư đoàn 324 phối hợp với du kích xã Cam Nghĩa tiến đánh đồn Thượng Nghĩa, kết quả tiên diệt một đại đội Mỹ và nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.
Trận Thượng Nghĩa là một trận thắng lớn của quân và dân Cam Lộ trong phong trào "Đánh Mỹ và thắng Mỹ" năm 1966. Hiện nay chỉ còn một ít dấu tích của hầm hào công sự.
Trận càn Rẫy Dương:
Ở thôn Lâm Lang, xã Cam Thuỷ.
Đầu năm 1967, một tiểu đoàn Mỹ đã tổ chức một trận càn vào khu vực Rẫy Dương. Đơn vị chủ lực Sư đoàn 324 kết hợp với bộ đội địa phương Cam Lộ tổ chức chống càn tại Rẫy Dương. Sau 1 ngày chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt được một đại đội, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh.
Trận chống càn Rẫy Dương là một trận thắng lớn của quân và dân Cam Lộ, góp phần làm thất bại "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ.
Trận đánh khu vực Ngã Tư Sòng:
Ngã Tư Sòng nắm trên quốc lộ 1A, thuộc thôn Phổ Lại, xã Cam An.
Tháng 6/1967, tiểu đoàn "Trâu Điên" nguỵ quyền Sài Gòn tổ chức một cuộc hành quân từ Đông Hà ra vùng Bắc Quảng Trị nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang xã Cam An chặn đánh địch tại vị trí Ngã Tư Sòng. Trận đánh tại Ngã Tư Sòng góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị mùa Xuân năm 1968.
Cứ điểm 241 (Carol)
Thuộc địa phận xã Cam Nghĩa
Cứ điểm 241 là tuyến hàng rào điện tử phòng ngự Macnamara, là một điểm cao án ngự phía Tây Đông Hà, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng nên cuối năm 1966 Mỹ - ngụy bắt đầu xây dựng 241 thành cứ điểm trọng yếu của tuyến phòng thủ. Từ cứ điểm này, Mỹ - Ngụy có thể khống chế toàn bộ đường 9 - Khe Sanh, cả khu vực hành lang Nam vĩ tuyến 17 bảo vệ căn cứ Ái Tử, thị xã Đông Hà, Thị xã Quảng Trị.
Để mở màn cho chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và đập tan toàn bộ các căn cứ trong tuyến phòng thủ phía Nam vĩ tuyến 17, trước hết phải giải phóng cứ điểm 241. Đúng 12 giờ 45’ ngày 02/4/1972, cứ điểm 241 đã bị tê liệt hoàn toàn. Toàn bộ binh lính ngụy quyền đã đầu hàng. 
Chiến thắng cứ điểm 241 có ý nghĩa hết sức to lớn để quân giải phóng tiến lên hoàn thành xuất sắc chiến dịch giải phóng Quảng Trị mùa xuân năm 1972.
Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa Miền nam Việt Nam :
Thuộc thị trấn Cam Lộ, cách UBND huyện Cam Lộ 150 m về phía Bắc, được khởi công xây dựng từ ngày 06/05/1973, đến ngày 30/05/1973 thì hoàn thành.
Mặc dù được xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn nhưng vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang và đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu.
Tại đây, ngày 06/06/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp 5 châu tới dự và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh hy sinh gian khổ của nhân dân Miền Nam như đồng chí Phiden Catxtơrô - Chủ tịch Đảng cộng sản CuBa, đồng chí Gioóc-giơ-mác-xen - Bí thư Đảng cộng sản Pháp, ...
Khu Chính phủ CMLT từ khi ra đời đã tập hợp các lực lượng dân chủ đấu tranh đòi dân chủ và độc lập dân tộc, đại diện cho nhân dân Miền Nam nói lên tiếng nói của mình, là nơi đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước anh em bạn bè gần xa trên thế giới. Chính phủ CMLT với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt đã lãnh đạo nhân dân Miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đề quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Hiện nay, trụ sở được Bảo tàng Quảng Trị xây dựng tượng đài kỷ niệm vào tháng 5/1993 và khôi phục lại Nhà Trình quốc thư.
Tổng trạm thông tin A30:
Tổng trạm thông tin A30 thuộc Bộ tư lệnh 559 đóng tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm nhiệm vụ nhận, chuyển những chỉ thị quan trọng phục vụ cho chiến dịch, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử năm 1975.
Chùa An Bình:
Nằm giáp giới giữa 2 thôn Phú Ngạn và An Bình xã Cam Thanh.
Tại cây đa Chùa An Bình, nhân dân thường xuyên treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, đặc biệt đêm 02/02/1965 (ngày 01 tết Ất Tý), lực lượng vũ trang đã treo cờ trên cây đa An Bình, nhân dân xã Cam Thanh vui mừng, phấn khởi khi nhìn thấy cờ phất phới bay trước gió Xuân trong 3 ngày tết cổ truyền của dân tộc. Đây là sự khẳng định, biểu thị lòng tin tưởng sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng và Mặt trận.
Địa điểm hầm mộ liệt sỹ thị trấn Cam Lộ:
Hầm mộ này thuộc địa phận thôn An Hưng, thị trấn Cam Lộ, cách UBND huyện 80 m về phía Tây, nguyên đây là Chi khu Cam Lộ, một căn cứ trung tâm đầu não của Ngụy quyền Cam Lộ.
Trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, đêm 30 tết, một đơn vị thuộc Sư đoàn 320 tiến đánh Chi khu, do không nắm được sự tăng cường lực lượng và thay đổi bố phòng mới của địch nên từ thế chủ động rơi vào thế bị động, lực lượng ta hy sinh khoảng 100 người.
Sáng 01 tết, chúng trả thù một cách man rợ, cột xác liệt sỹ chất vào một hầm rộng 2 m, dài 15 m rồi san bằng hầm mộ, lát ri sắt làm bãi đáp cho máy bay. Đây là một tội ác dã man của Mỹ - Ngụy. 

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 46

Hôm nay: 26387

Tổng lượt truy cập: 7.608.766