Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Đất phát khởi phong trào Cần Vương

Sự thất bại trong cuộc tấn công quân Pháp của triều đình nhà Nguyễn ngay tại Kinh thành Huế vào sáng ngày 5/7/1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu) đã dẫn đến sự xuất bôn của vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, mở đầu hành trình yêu nước của vị hoàng đế thiếu niên(1) và châm ngòi cho phong trào Cần Vương chống Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước.

Rời Kinh thành Huế vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó, đoàn hộ giá vua Hàm Nghi với chừng khoảng 1.000 người đã theo cửa Hữu đi về hướng Tây - Nam lên ngả chùa Linh Mụ để theo đường thượng đạo ra Quảng Trị. Dẫn đầu đoàn hộ giá là Đề đốc Trần Xuân Soạn, đoạn hậu có Nguyễn Văn Tường, Tả quân Hồ Văn Hiển chỉ huy khoảng 100 binh sĩ đi theo hộ vệ. Tôn Thất Thuyết cùng một đạo quân đi sau cùng để lo việc phá cầu Bạch Hổ, chặn cuộc truy kích của quân Pháp.
Hành trình ra Quảng Trị của đoàn hộ giá vua Hàm Nghi hết sức vất vả, do phần lớn không quen đi bộ và rất chóng mệt, nên di chuyển chậm và phải nghỉ ngơi nhiều. Vì vậy, chiều ngày 6/7/1885, vua Hàm Nghi mới đến đóng tại Hành cung trong thành Quảng Trị và lo xếp đặt quân lính phòng bị. Các quan Hậu quân Nguyễn Hanh, Đô thống Tôn Thất Ninh, Tả quân Đinh Tử Lượng, Biện lý Trần Khánh Tôn, Hiệp lý Cao Hữu Sung, Phủ doãn Nguyễn Đình Tường, Toản tu Phạm Phú Lâm lần lượt kéo đến ra mắt vua Hàm Nghi.(2)
Với mục đích chiến đấu đến cùng để giành lại nền độc lập vừa mất vào tay Pháp, cuộc họp bá quan văn võ ở Hành cung Quảng Trị chiều 8/7/1885 đã cho phép phần lớn cung nữ, thái giám, quan lại và người trong hoàng phái không đủ sức khỏe quay về Huế hoặc trở về quê quán; chỉ những quan lại, binh lính mạnh khỏe, có khả năng đánh giặc mới tiếp tục đi theo vua Hàm Nghi tiến hành kháng chiến. Quyết định đi kháng chiến của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết và các quan lại yêu nước đã làm thất bại âm mưu muốn lợi dụng nhà vua làm bù nhìn cho nền thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Chính Đại uý Gosselin đã công nhận rằng: “Chúng ta bị rắc rối vô cùng vì cuộc xung đột đổ máu đêm 5-7-1885 đã biến đổi hoàn toàn thời cục xứ Annam. Vị vua trẻ tuổi đã rời bỏ Kinh thành thì ở Huế không còn có Chính phủ, không có chính quyền, không còn có ai có thể thi hành các điều ước liên tiếp mà chúng ta đã ký kết với nước này”.(3)
Với quyết tâm kháng chiến và thực hiện kế hoạch định sẵn của triều đình Huế kể từ khi thiết lập hệ thống sơn phòng dọc các tỉnh miền Trung vào tháng 12/1883, ngày 9/7/1885, đoàn hộ tống vua Hàm Nghi với khoảng 500 người rời thành Quảng Trị đi lên thượng đạo và đến thành Tân Sở tại Cam Lộ vào ngày 10/7/1885. Hàng ngũ các quan lại theo nhà vua lúc này có Tôn Thất Thuyết và hai con là Tôn Thất Đàm và Tôn Thất Tiệp,(4) em trai là Tôn Thất Lệ cùng các quan như Trần Xuân Soạn, Hồ Văn Hiển, Phạm Văn Mỹ, Hoàng Văn Hoè, Phan Cát Xu, Phạm Thận Duật… Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đến nhà của một người khá giả tên gọi Xã Điểm ở làng Bảng Sơn, cách thành Tân Sở 2 km về phía Bắc, còn tướng sĩ thì đóng ở trong thành. Khi nào cần hội kiến cùng quần thần để bàn việc quân cơ, vua Hàm Nghi dùng võng để vào trong thành Tân Sở.(5)
Theo kế hoạch của triều đình Huế, thành Tân Sở ở Cam Lộ là Kinh đô dự phòng, được khởi công xây dựng từ năm 1883. Khi đưa vua Hàm Nghi lên đóng quân tại đây, Tôn Thất Thuyết đã chấn chỉnh lại đội ngũ tướng sĩ và vạch kế hoạch cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Ngày 11/7/1885, vua Hàm Nghi nhận được một bức thư của phía Pháp từ Huế đề nghị nhà vua quay về trị vì trên ngai vàng như cũ dưới sự bảo trợ của Pháp; nhưng vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết đã cự tuyệt. Nhận thấy đã đến lúc cần phải động viên toàn thể quan lại, sĩ phu, binh lính cùng nhân dân tiến hành cuộc chiến đấu chống Pháp để giành lại giang sơn đã mất, nên vào ngày 13/7/1885, vua Hàm Nghi xuống Dụ Cần Vương ngay tại thành Tân Sở, yêu cầu thần dân khắp cả ba miền đứng lên chống Pháp để “chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, khôi phục lại bờ cõi” cho quốc gia.(6)
Cùng ngày phát Dụ Cần Vương, vua Hàm Nghi cũng hạ chỉ phục hồi chức tước cho Hoàng Kế Viêm và sung làm Tiết chế Quân vụ đại thần tại Bắc Kỳ như cũ; các quan lại khác như Nguyễn Đình Nhuận, Lã Xuân Oai, Nguyễn Văn Như, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Cao, Hoàng Đình Kính, Ngô Quang Huy, Vũ Giốc... đều được giữ nguyên hàm hoặc thăng chức. Ngoài ra, nhà vua còn thảo chiếu và phái Nguyễn Quang Bích sang Trung Hoa cầu viện nhà Mãn Thanh.(7) Những việc làm của vua Hàm Nghi (cho dù có hạn chế trong quyết định cầu viện Mãn Thanh) đều nhằm mục đích huy động tối đa sức mạnh của nhân dân trong nước và sự tương trợ của đồng minh trong công cuộc chống lại phương Tây.
Từ Dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, khắp các vùng lãnh thổ Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng có khởi nghĩa nổ ra hưởng ứng lời kêu gọi chống Pháp của nhà vua. Tại thành Tân Sở, Án sát Quảng Trị Tôn Thất Nam đem 200 lính vừa mới tuyển mộ đến tăng cường; Tổng đốc về hưu Võ Trọng Bình cũng mộ được một số lính tương tự ở Quảng Bình gởi vào Tân Sở, nên quân số theo vua Hàm Nghi tăng gần đến 1.000 người.
Trước sự gia tăng hành quân truy đuổi của quân Pháp và tay sai với âm mưu bắt sống vua Hàm Nghi đưa trở về Huế làm vua bù nhìn, đồng thời nhận thấy địa thế thành Tân Sở khá cách ly với dân cư đồng bằng Quảng Trị, việc vận lương và chiêu mộ binh sĩ khó khăn, rất dễ bị quân Pháp bao vây tiêu diệt; nên vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định ra vùng rừng núi Nghệ An - Hà Tĩnh để kháng chiến lâu dài.
Để thực hiện kế hoạch mới, Tôn Thất Thuyết phái người vượt sang Lào trước để lo tiếp tế gạo nước cho các đồn binh đóng rải rác trên thượng đạo, và cắt một toán quân đưa gia quyến cùng những người không đủ sức khỏe vượt núi ra vùng Nghệ An trước. Sau đó, ngày 18/7/1885, đại quân của vua Hàm Nghi bắt đầu rời Tân Sở tiến ra phía Bắc. Đoàn quân hộ giá nhà vua qua hết đất Cam Lộ, vượt sông Bến Đuối, đến An Hương (phía Bắc Cồn Tiên) thì tạm nghỉ, quân lính tản vào các làng mua thêm thực phẩm để dự trữ. Ngày 20/7/1885, vua Hàm Nghi đến Lai Cách thì nhận được tin quân Pháp đã chiếm thành Đồng Hới từ 2 giờ sáng để chặn đường, nên đại quân phải quay trở lại, đến tối thì về đến Thuỷ Ba Thượng. Những ngày sau đó, đoàn quân tiếp tục đi vào lại, qua tổng Bái Trời, huyện Cam Lộ và có mặt tại thành Tân Sở vào ngày 22/7/1885.
Sau chuyến đi này, quân số theo vua Hàm Nghi bị hao hụt nhiều, chỉ còn lại khoảng 200 người. Tôn Thất Thuyết buộc phải tính đến con đường vượt rừng núi sang Lào để ra đất Quảng Bình - Hà Tĩnh, nên lệnh cho Tri phủ Cam Lộ và em trai là Tôn Thất Lệ mang 140 hòm bạc của vua Hàm Nghi đến gởi tại Ty quan thuế Ngữu Cước, số còn lại thì cất giấu ở thành Tân Sở.
Tại Huế, từ ngày 24/7/1885, thực dân Pháp đã nắm quyền kiểm soát hầu hết các quan lại đương chức của nhà Nguyễn. Do âm mưu muốn bắt vua Hàm Nghi trở về Huế để làm vua bù nhìn cho mình, thực dân Pháp phái Trương Quang Đản đem 300 quân chia làm 2 cánh đuổi theo vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết, gồm một cánh tiến lên Mai Lĩnh, Ngữu Cước, một cánh đánh lên thành Tân Sở. Chiều 25/7/1885, toán quân của Tôn Thất Lệ đang đem bạc đi cất giấu ở Ngữu Cước đụng độ với cánh quân của Phó Lãnh binh Quảng Trị, bị chúng cướp mất 35 hòm bạc.
Để tránh khỏi bị rơi vào tay giặc, đoàn quân hộ giá vua Hàm Nghi đã rời khỏi Tân Sở ngày 26/7/1885, theo đường Mai Lĩnh lên ngả Đakrông để vượt núi sang Lào. Đến ngày 29-7-1885, hai cánh quân truy đuổi vua Hàm Nghi đến được Hướng Hoá và gặp nhau tại Vụng Kho, liền hợp nhất để cùng truy đuổi vua Hàm Nghi ở vùng biên giới Việt - Lào.
Cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi diễn ra nơi rừng rậm um tùm, núi non hiểm trở, không có đường giao thông lớn mà chỉ có những lối mòn nhỏ do đồng bào thiểu số đi lại tạo thành. Đoàn quân của vua Hàm Nghi qua suối vượt đèo rất gian nan, nhiều người trong đoàn phải vùi thây dọc đường. Ngày 30/7/1885, vua Hàm Nghi đến Bạng Câu (một làng cách biên giới Lào chừng 30km) thì đụng đầu với đạo quân tay sai rượt đuổi do Đinh Tử Lượng chỉ huy. Hai bên dàn quân đánh nhau quyết liệt, nhưng do quân hộ giá của vua Hàm Nghi đánh trả mãnh liệt, nên buộc cánh quân của Đinh Tử Lượng phải rút lui. Ngày 2/8/1885, vua Hàm Nghi đến Mả Hạc thuộc vùng Cửu Châu thì bị cánh quân của Trương Quang Đản rượt theo gần kịp, sai Trương Văn Để dẫn một toán quân đi đường tắt định đón đầu bắt nhà vua; nhưng do đường sá hiểm trở, thời tiết lại xấu, quân sĩ mệt mỏi chán chường, rốt cục đội quân tay sai đành phải rút quân về thành Tân Sở. Vì thế, đoàn hộ giá vua Hàm Nghi đi lọt sang Lào.
Trên đất Lào, sau hơn nửa tháng trời phiêu dạt để đi lên hướng Bắc, với sự giúp đỡ, ủng hộ lương thực, vật dụng của dân địa phương, vua Hàm Nghi đã vượt qua đèo Qui Hợp để về đất Hà Tĩnh của Việt Nam.
Đầu tháng 9/1885, khi gần đến Sơn Phòng Hà Tĩnh, Tổng đốc Nghệ An kiêm chỉ huy Sơn Phòng Hà Tĩnh là Nguyễn Chánh đem quân đón tiếp vua Hàm Nghi. Cuộc vượt núi băng rừng của vua Hàm Nghi từ Tân Sở ở Quảng Trị ra Sơn phòng Hà Tĩnh - Quảng Bình thành công bước đầu. Biết được vua Hàm Nghi ở tại Ấu Sơn, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 17/10/1885, quân Pháp do thiếu tướng Prud’homme tổ chức một lực lượng quân sự tiến hành truy bắt nhà vua để dập tắt phong trào kháng chiến. Thấy quân Pháp tiến đánh Sơn Phòng Hà Tĩnh, Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi vào vùng Bãi Đức - Qui Đạt thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Từ đây, vua Hàm Nghi đã có chỗ đứng chân tại vùng rừng núi Quảng Bình với tư cách trung tâm lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp trên cả ba miền đất nước, kéo dài đến cuối thế kỷ XIX.
Như vậy, kể từ khi rời bỏ Kinh thành Huế để dấn thân vào cuộc chiến tranh giành lại nền độc lập quốc gia, vua Hàm Nghi đã có sự gắn bó ban đầu tuy hết sức gian nan nhưng mang tính bước ngoặt lịch sử trong 27 ngày (từ 6/7/1885 đến 2/8/1885) với mảnh đất Quảng Trị. Nhà vua đã đi qua đất Hải Lăng để ra đóng tại Hành cung trong thành Quảng Trị trên đất Triệu Phong; tiếp đó lên đóng đại bản doanh trên đất Cam Lộ với thành Tân Sở để phát động kháng chiến; rồi bôn ba theo ngả Gio Linh, Vĩnh Linh ra địa bàn phía Bắc bất thành; cuối cùng là lặn lội núi rừng ở Đakrông, Hướng Hóa để vượt sang đất Lào trong sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù.
Trong 27 ngày ngắn ngủi nhưng hết sức trọng đại này, dấu chân và hình ảnh của vua Hàm Nghi, một phần do những ngẫu nhiên của lịch sử, đã để lại trên cả 6 huyện (nay là 8 huyện, thị, thành) của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, thành Tân Sở ở huyện Cam Lộ tuy được xem là một “Kinh thành phù du” theo cách gọi của người Pháp, vì vua Hàm Nghi chỉ đóng quân tại đây trong 16 ngày (từ ngày 10/7 đến 26/7/1885, trong đó có 4 ngày đại quân kéo ra Bắc rồi quay trở lại), nhưng từng giữ vai trò là điểm tựa vật chất và tinh thần to lớn cho vương triều Nguyễn trong suốt thời gian dài chuẩn bị chiến tranh với Pháp trước ngày Kinh đô Huế thất thủ (12/1883 - 7/1885).
Trong thực tế, dù không phải là “Kinh đô kháng chiến” đúng nghĩa của vua Hàm Nghi cùng phong trào Cần Vương như kế hoạch đã vạch sẵn của triều đình trước đó, nhưng Dụ Cần Vương và tên tuổi nhà vua kháng chiến Hàm Nghi đã mãi mãi gắn liền với tên gọi thành Tân Sở, với mảnh đất Cam Lộ, với tỉnh Quảng Trị. Chính trong những ngày đầu gian khó này, tại thành Tân Sở, bằng mệnh lệnh yêu cầu mọi người dân đứng lên giúp vua giết giặc cứu nước, khôi phục giang sơn, vua Hàm Nghi đã phát động một cuộc kháng chiến rộng khắp trên mọi miền đất nước. Sự phát khởi từ Quảng Trị đã làm bùng nổ phong trào chống Pháp giành độc lập ở Việt Nam dưới tên gọi “Phong trào Cần Vương” (1885-1896), đồng nghĩa mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam trải suốt 60 năm bền bĩ cho đến ngày thắng lợi (1885-1945).
Thành Tân Sở, Dụ Cần Vương cùng dấu chân và hình ảnh vua Hàm Nghi không chỉ là những kỷ niệm thiêng liêng, là niềm tự hào của nhân dân Cam Lộ và các huyện nói riêng, của nhân dân tỉnh Quảng Trị nói chung; mà mảnh đất này còn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong việc tạo bước ngoặt của lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX, mở đầu cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam kể từ sau ngày thất thủ Kinh đô Huế đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Huế, tháng 4-2015
N.Q.T.T
 
___________
Chú thích:
(1) Vua Hàm Nghi sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi (3/8/1871), lúc rời bỏ Kinh thành Huế để ra Quảng Trị tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ mới 14 tuổi.
(2) Nguyễn Quang Trung Tiến (2000), Vua Hàm Nghi với phong trào Cần Vương Bình Trị Thiên (1885-1888), Báo cáo kết quả đề tài NCKH cấp Bộ, Đại học Khoa học Huế, trang 17-18.
(3) Charles Gosselin (1904), L’Empire d’Annam, Imprimerie D’Extrême Orient, Hanoi, p. 204.
(4) Sách báo thường chép hai con của Tôn Thất Thuyết là Đạm và Thiệp; nhưng tên đúng theo gia phả của dòng họ là Đàm và Tiệp.
(5) Phan Trần Chúc (1995), Vua Hàm Nghi, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 79.
(6) Tập san Văn Sử (1974), “Ngày thất thủ Kinh thành Huế 23 tháng 5 Ất Dậu”,Tập san Văn Sử, Trung tâm Liễu Quán xuất bản, Huế, trang 101. Độc giả có thể xem nguyên bản Dụ Cần Vương trong Trung Pháp chiến tranh tư liệu, Tập VII. Bản dịch thì tham khảo của Lê Thước in trong phần phụ lục cuốn Bài ngoại liệt truyện, và cuốn Thi ca Việt Nam thời Cần Vương, hay các bản dịch của Chu Thiên và Phạm Văn Sơn đăng tải trong các cuốn Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Việt Nam cách mạng cận sử, Tập san Văn Sử…
(7) Nguyễn Quang Trung Tiến (2000), Tài liệu đã dẫn, trang 19.

Nguồn tin: Nguyễn Quang Trung Tiến - Tạp chí cửa việt số 248.5.2015 (Sưu tầm: T.N)

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 31

Hôm nay: 27091

Tổng lượt truy cập: 7.609.469