Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Cam Lộ - Tiềm năng triển vọng và cơ hội đầu tư

Huyện Cam Lộ nằm về phía Tây và phía Bắc của thành phố Đông Hà, là huyện thuộc vùng trung du của tỉnh Quảng Trị. Trung tâm huyện lỵ cách thành phố Đông Hà 15km về phía Tây.

Cam Lộ có vị trí địa lý thuận lợi cho lưu thông kinh tế, đời sống và phát triển thương mại dịch vụ. Trên địa bàn huyện có các trục đường bộ quan trọng như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông  nội vùng làm cầu nối giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn.
Huyện có tiềm năng về phát triển nông- lâm nghiệp, thương mại, du lịch và tiểu thủ công nghiệp chế biến, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng,…Thời gian qua, kinh tế của huyện đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ngày một tăng lên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội được tăng cường đáng kể, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước được cải thiện, đời sống nhân dân nâng cao, hạn chế và đẩy lùi đói nghèo.
Dân số và lao động
Dân số trung bình của huyện năm 2010 có 44.640 người, chiếm khoảng 7,4% dân số toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số 5 năm giai đoạn 2006- 2009 là 1,07% (giai đoạn 2001-2005 là 0,98%/năm ).
Mật độ dân số của huyện đạt 128 người/km2 cao hơn mức trung bình cả tỉnh (127 người/km2). 
Hiện số dân trong độ tuổi lao động có 27.534 người, chiếm 61,7% dân số. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế (năm 2010) là 24.904 người. Trong đó:
- Ngành Nông, lâm, thủy sản: 13.348 người chiếm 53,6%.
- Ngành Công nghiệp-Xây dựng: 3.287 người chiếm 13,2%.
- Ngành Thương mại-Dịch vụ: 8.269 người chiếm 33,1%.
Tiềm năng về đất, rừng
Cam Lộ có tổng diện tích đất tự nhiên 34.447,39 ha, trong đó đất nông nghiệp có diện tích lớn nhất là 27.553,48 ha chiếm 80% tổng diện tích đất. Trong diện tích đất nông nghiệp nhóm đất lâm nghiệp chiếm chủ yếu với diện tích 20.322,15 ha bằng 75% đất nông nghiệp. Diện tích đất chưa sử dụng hiện có gần 2.528,22 ha chiếm 7,3% diện tích, trong đó có 503,99 ha diện tích đất bằng chưa sử dụng.
Tiềm năng khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản của Cam Lộ chủ yếu là khoáng sản phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Một số khoáng sản đáng chú ý như sau:

 

Khai thác khoáng sản

 

- Đá vôi xi măng: Hiện có nhiều tại 02 mỏ Tân Lâm (Cam Tuyền) với trữ lượng cấp C1=74.389.000 tấn, cấp C2=328.055.000 tấn và mỏ Cam Thành với trữ lượng dự báo cấp P=79.361.000 tấn. Hai mỏ đá này đều được đánh giá có đá vôi chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
- Sét xi măng: Có tại Tân An (Cam Nghĩa), Cùa (Cam Chính) với quy mô khá lớn, đáp ứng chất lượng nguyên liệu sét sản xuất xi măng.
- Bazan phụ gia xi măng: Hiện có một điểm tại Tân Lâm (Cam Nghĩa) được đánh giá có quy mô khá lớn, đây là một trong những nguồn nguyên liệu phụ gia cho sản xuất cần đầu tư, thăm dò, khai thác.
- Quặng sắt: Có 03 điểm tại Tân Mỹ (Cam Thành) trữ lượng cấp P2= 1,06 triệu tấn; Quai Vạc (Cam Hiếu); Cùa (Cam Nghĩa).
- Sét gạch ngói (Cam Hiếu và Cam Thanh): Ngoài ra, trên địa bàn còn một số điểm, mỏ khoáng sản đáng chú ý khác là Đolomit Bản Hiếu (Cam Tuyền) có trữ lượng cấp P2=1,2 triệu m3; cát, cuội sỏi xây dựng (Cam Lộ) trữ lượng cấp C2=186.000 m3; nước khoáng nóng Tân Lâm (Cam Tuyền) thuộc nhóm nước khoáng cacbonic, nhiệt độ 450C; sét gạch ngói (Cam Thanh)...
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: 
Với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện hiện có khoảng trên 210 ha. Đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Cam Thành (Khu vực Tân Định) với diện tích 10ha, hiện đã có 5 nhà máy đã và đang triển khai xây dựng; cụm công nghiệp Cam Thành (Khu vực Tân Trang) đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đã hoàn thành quy hoạch chi tiết cụm  công nghiệp Cam Tuyền với diện tích 50ha; cụm công nghiệp Cam Hiếu (70ha) và cụm TM – DV tư Sòng (20ha).

Quy hoạch cụm công nghiệp Cam Thành (KV Tân Định)

(Nội dung quy hoạch kêu gọi đầu tư xem tại mục thông tin quy hoạch)
Bên cạnh đó huyện còn chú trọng vào phát triển ngành nghề TTCN vào các vùng nông thôn, tăng thu nhập từ lĩnh vực phi nông nghiệp, tập trung giải quyết việc làm, ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu có sẵn của địa phương như: sản xuất vôi hàu ở Phổ Lại (Cam An), giấy gió Cam An, đúc đồng ở Phước Thành (Cam Tuyền); bún gạo ở Cẩm Thạch (Cam An) và các truyền thống khác như: xay xát, gia công sắt, mộc dân dụng, đá lạnh, may mặc, thêu ren, sản xuất blô, và khai thác đá, sỏi sạn các loại...Đó là những cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp huyện trong tương lai và là điều kiện để đạt được mục tiêu kế hoạch đến năm 2020 về phát triển công nghiệp.
Thương mại, dịch vụ, du lịch 

Mạng lưới cơ sở hoạt động thương mại - dịch vụ huyện

 

Chợ Phiên Cam Lộ

Cam Lộ chủ yếu là của tư nhân với 1.800 cơ sở. Các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ kinh doanh tổng hợp được phát triển đa dạng, tăng cả số lượng và quy mô đã góp phần tăng giá trị kinh doanh dịch vụ - thương mại.Những năm qua, hoạt động thươngmại, dịch vụ của huyện Cam Lộ đã phát triển với tốc độ khá nhanh nhờ có các chính sách mở và thông thoáng, cùng với công tác chỉnh trang, quy hoạch xây dựng các trung tâm xã, thị trấn được đẩy mạnh, các chợ nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Các hoạt động dịch vụ như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng v.v. không ngừng được mở rộng đến các địa bàn trong huyện. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nên có những chuyển biến tích cực. Vận tải phát triển nhanh cả về số lượng và sản phẩm.

Khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng từ 403 nghìn tấn.km năm 2005 lên 3.440 nghìn tấn.km năm 2010; Lượng hành khách luân chuyển tăng từ 17 nghìn người.km lên 1.100 nghìn người.km.

Một số điểm du lịch đã được đầu tư như trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tiến hành quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kêu gọi đầu tư các điểm di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên như căn cứ Cần Vương Tân Sở,  Hang Dơi, Khe Gió, suối nước nóng Tân Lâm, ... để có thể khai thác phục vụ các loại hình du lịch sinh thái, vui chơi giải trí.
Về Hạ tầng giao thông:
- Quốc lộ. Trên địa bàn huyện có 3 tuyến Quốc lộ chạy qua có tổng chiều dài 51km. Trong đó, quốc lộ 1A dài 5km nền rộng 12m, mặt rộng 11m. Quốc lộ 9 qua huyện Cam Lộ gồm 3 nhánh dài 41km: đoạn từ quốc lộ 1A đến Km13 Quốc Lộ 9 dài 10km và đoạn Km5 ÷ Km33 dài 28 km đạt tiêu chuẩn cấp III, nền rộng 12m, mặt rộng 11m. Riêng đoạn qua thị trấn Cam Lộ mặt đường được mở rộng theo tiêu chuẩn đường đô thị rộng 28m. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 8 km được đầu tư xây dựng giai đoạn 2001-2005 đạt tiêu chuẩn cấp IV, nền rộng 9m, mặt rộng 7m. 

- Tỉnh lộ. Đường tỉnh 585 (ĐT11 cũ) có chiều dài 10,8 km. đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền rộng 7,5m, mặt 6m bằng bê tông nhựa.- Đường huyện. Đường huyện có 14 tuyến với tổng chiều dài 14,8 km; bề rộng nền đường chủ yếu là 5m, rộng mặt đường 3,5m. Trong đó, đã nhựa hóa và bê tông hóa 5,7 km, đạt 38,5%. 
- Đường xã và giao thông nông thôn. Toàn huyện có 50 tuyến đường xã và liên thôn với tổng chiều dài 149 km. Mạng lưới giao thông nông thôn liên xã, liên thôn từng bước đã được mở rộng và xây dựng mới hoàn chỉnh theo quy hoạch. Trong giai đoạn vừa qua đã kết hợp phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường giao thông đã được bê tông hoá đưa vào sử dụng có hiệu quả. Tổng chiều dài các tuyến được bê tông và nhựa hoá 52,9 km, đạt 35,5%.Một số ngành nghề, lĩnh vực chủ yếu khuyến khích đầu tư vào địa bàn huyện
- Khai thác và chế biến khoáng sản: Thăm dò và khai thác các mỏ khoáng sản trên địa bàn; Nâng công suất các cơ sở khai thác đá lên 700-800 ngàn m3/năm...

 

Kiên cố hoá GTNT

 

- Sản xuất vật liệu xây dựng: Nâng công suất Nhà máy xi măng hiện có; Đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch tuynen, gạch block, bêtông đúc sẵn, nhà máy phụ gia xi măng, sản xuất bao bì xi măng...
- Chế biến nông sản, thực phẩm: Chế biến mủ cao su, hồ tiêu, sản xuất tinh dầu lạc, thức ăn gia súc...
- Sản xuất chế biến gỗ: Đồ gỗ dân dụng và mộc mỹ nghệ cao cấp; xây dựng nhà máy sản xuất ván ghép thanh...
- Sản xuất sản phẩm kim loại và dịch vụ sửa chữa: Hình thành các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, xe máy, đồ gia dụng, điện tử...; Đầu tư một số nhà máy cán tôn, sản xuất khung thép tiền chế với công suất 500-700 tấn/năm.
- Đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ ở trung tâm huyện lỵ, Cụm Thương mại - Dịch vụ Ngã Tư Sòng và đầu tư, khai thác các điểm tham quan, vui chơi giải trí như: Khu du lịch sinh thái Khe Gió, suối nước nóng Tân Lâm, căn cứ Tân Sở, cao điểm 241 ...
Chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của huyện:
Giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quan hệ, đề xuất giải quyết, trình duyệt dự án cho các cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh.
UBND HUYỆN CAM LỘ CAM KẾT
1. Giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án theo thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quan hệ, đề xuất giải quyết, trình duyệt dự án cho các cơ quan có thẩm quyền của Tỉnh.
2. Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai cho các dự án. Phối hợp với các nhà đầu tư xúc tiến nhanh chóng công tác đền bù giải tỏa, thu hồi và bàn giao đất cho các nhà đầu tư.
3. Cam kết thực hiện đúng quy định của Pháp luật về đầu tư, kinh doanh,... Hàng quý, UBND Huyện sẽ tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư để lắng nghe và cùng tham gia giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án.
4. Tiếp tục triển khai nhanh các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp - TTCN, dịch vụ, du lịch,... nhất là giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc.
5. Xây dựng trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, thực hiện các dự án hợp tác đào tạo nghề để đào tạo lao động có tay nghề cung ứng nhân lực cho các dự án.
6. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm triển khai thực hiện dự án.

 

 

Đang truy cập: 181

Hôm nay: 21930

Tổng lượt truy cập: 7.604.305