Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Vì những tuyến đường Cùa hoa thắm

Ngay tuần đầu bước sang năm mới 2023, vào một ngày rất đẹp - 9/1, trên Báo Quảng Trị có đăng một thông tin thu hút sự quan tâm của người dân Cam Lộ và những người yêu mến Cam Lộ: nhằm phát triển những con đường hoa ở huyện Cam Lộ, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, huyện Cam Lộ đang phối hợp với Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị dự kiến sẽ trồng hoa Osaka vàng tại một số tuyến đường ở vùng Cùa, thuộc xã Cam Chính và Cam Nghĩa.

Đường vào vùng Cùa, mảnh đất anh hùng đang nỗ lực xây dựng để trở thành “miền quê đáng sống”

Khi hình thành, những con đường hoa này sẽ trở thành điểm nhấn của địa phương, tạo địa điểm ngắm cảnh, check in cho du khách. Dự kiến trước mắt sẽ trồng 60 - 80 cây Osaka vàng với kinh phí khoảng hơn 150 triệu đồng, huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Theo kế hoạch, lễ phát động và trồng cây sẽ được tổ chức trong tháng 2/2023.

Có mặt và dõi theo sự kiện này từ ban đầu, chúng tôi thực sự rất vui mừng và cũng khá bất ngờ bởi ý tưởng phát triển những con đường hoa ở vùng Cùa Cam Lộ nhanh chóng được khởi động tích cực bởi sự cam kết trách nhiệm của các bên, để có thể triển khai trên thực địa ngay từ tháng 2/2023 này.

Còn nhớ vào khoảng cuối tháng 11/2022 trong một lần gặp gỡ với Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, nhà báo Lâm Chí Công, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị và chúng tôi đã có dịp trò chuyện xoay quanh chủ đề mảnh đất và con người Cam Lộ qua từng giai đoạn phát triển. Trong lan man câu chuyện về “những con đường biết kể chuyện và biết nói chuyện” gắn với những thăng trầm, gian khổ, bi tráng và hào hùng của mảnh đất chiến khu xưa, ý tưởng hình thành một con đường hoa nơi vùng Cùa đã được đưa ra và nhận được sự tâm đắc của nhiều người.

Với riêng tôi, một con dân Cam Lộ, đã đón nhận tin vui này với một tâm trạng cảm động và đầy hứng khởi. Vấn vương những câu hỏi trong lòng, có phải đây là dịp để những người yêu mến vùng Cùa tạ ơn đất này bởi suốt chiều dài đánh giặc, giữ nước, mảnh đất này đã vang danh trong sử sách, nơi đã thể hiện tiêu biểu nhất, sáng ngời nhất phẩm tính của người Cam Lộ trước trọng trách mà lịch sử và thời đại giao phó. 9 năm kháng chiến chống Pháp, vùng Cùa là chiến khu cách mạng vững vàng.

Thời bấy giờ nơi đây đã có trường cấp hai mang tên Lê Thế Hiếu, nhà giáo, nhà cách mạng lão thành, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị (năm 1945), đại biểu Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng Cùa vẫn là nơi lực lượng cách mạng “bám rễ” sâu dày nhất, phong trào cách mạng sôi động nhất, làm điểm tựa kiên trung cho cả vùng đồng bằng rộng lớn.

Từ cuối năm 1963 bắt đầu công tác chuẩn bị, đến ngày 5/7/1964, cán bộ và Nhân dân hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa vùng Cùa với khí thế long trời lở đất đã vùng dậy đồng khởi, phá ấp chiến lược, đập tan hệ thống kìm kẹp, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cùa là điểm đồng khởi đầu tiên của huyện Cam Lộ, cũng là một trong những điểm đồng khởi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và đã giành được thắng lợi nhanh chóng, giòn giã.

Vùng Cùa còn nổi tiếng là đất “thờ vua đánh giặc” bởi vào năm 1883, Thượng thư Bộ Binh thời nhà Nguyễn Tôn Thất Thuyết đã cho xây dựng “kinh đô kháng chiến” ở Tân Sở, vùng Cùa, Cam Lộ. Đầu tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cho chuyển kho vàng từ kinh thành Huế ra Tân Sở.

Lúa gạo từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc chở vào qua Cửa Việt; súng đạn, vàng bạc từ Huế chuyển ra liên tục trong 3 tháng mới xong. Từ các bến thuyền trên sông Hiếu, lương thực, vũ khí, vàng bạc và hàng hóa được chuyển vào Tân Sở bằng đường khuân vác qua đèo Cùa. Đến đầu năm 1885, về cơ bản công trình được hoàn thành.

Sau khi bất ngờ đánh úp quân Pháp, sáng ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng ra khỏi hoàng thành, theo đường rút lên Tân Sở. Sau khi đến căn cứ Tân Sở, ngày 13/7/1885, tại đây vua Hàm Nghi ra Dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân ứng nghĩa, phò vua cứu nước.

Bây giờ ở vùng Cùa, mọi con đường đều dẫn lối ta về di tích Thành Tân Sở. Trên lối về đó cũng là nơi âm vang những chiến công ròng rã hơn 20 năm giữ làng, giữ nước và nửa thế kỷ tạo dựng lại cuộc sống mới từ hoang tàn, đổ nát, như một đồng nghiệp thân quý của tôi đã cảm nhận: “Nếu bạn bè có dịp trở lại đường 9 bây giờ sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay kỳ diệu của vùng đất xưa kia là bãi chiến trường ác liệt đã vang danh tên tuổi trong lịch sử.

Đứng trên điểm cao 241, phóng tầm mắt bao quát toàn bộ khu vực cho ta có cảm giác về một thị trấn đang vỡ vạc những chân trời hoài vọng qua màu xanh mỡ màng dưới nắng. Sắc xanh ấy đã được đổi bằng mồ hôi, công sức và cả máu đỏ…”.

Điều đáng mừng là khi các bức thư ngỏ về chung tay thực hiện kế hoạch trồng hoa Osaka vàng tại một số con đường của vùng Cùa Cam Lộ gửi đi, trong một thời gian ngắn đã có sự phản hồi tích cực. “Một ý tưởng hay, cần ủng hộ”; “trồng cây làm đẹp quê hương- một ý tưởng nhân văn”; “Con em Cam Lộ, chung tay thôi!” … đó là những chia sẻ trên mạng xã hội của những người trẻ, cùng với đó là sự sốt sắng hỗ trợ kinh phí bước đầu.

Một cựu chiến binh vùng Cùa lại có cách bày tỏ rất cũ nhưng ý tưởng lại mới mẻ qua cách nhắn tôi lên trò chuyện, gửi gắm: “Ra giêng, phát động trồng cây mùa xuân đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã rất ý nghĩa, phát động trồng hoa làm đẹp vùng quê cách mạng, vùng quê nông thôn mới càng có ý nghĩa hơn. Chúc kế hoạch triển khai thành công”.

Trong giấc mơ của tôi, nói như chữ dùng của nhà thơ Ngô Kha, rất muốn: “Rồi sẽ thấy và nhất định thấy” những con đường nơi mọi lối đi về của làng quê vùng Cùa đã ngập tràn sắc hoa trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới sẽ điểm xuyến thêm những mầm hoa Osaka vàng, bắt đầu từ mùa xuân này…

Đào Tâm Thanh

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 10

Hôm nay: 3780

Tổng lượt truy cập: 5.791.532