Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ

"Ươm" lại cuộc đời

8:20, Thứ Ba, 29-3-2022

Quyết tâm làm lại cuộc đời sau hơn 6 năm chấp hành án tù vì những phút bồng bột của tuổi trẻ, anh Hoàng Ngọc Khánh vay ngân hàng hơn 1,5 tỉ đồng để đầu tư làm trang trại tổng hợp trên vùng đất chua phèn bỏ hoang nhiều năm ở thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Con đường hoàn lương của Khánh không ít thăng trầm nhưng với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, anh đã và đang từng ngày ươm mầm xanh cho cây trái, như “ươm” lại cuộc đời mình.

Anh Hoàng Ngọc Khánh đang chăm sóc đàn gà tại trang trại

Giấc mơ thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn
 
Thuê lại 2 ha đất ở thôn Cam Vũ để làm trang trại, nơi mà vốn dĩ trước kia, người chủ cũ cũng đã triển khai dự án trang trại nhưng đành bỏ dở, Hoàng Ngọc Khánh đối mặt với muôn vàn khó khăn và cả sự hoài nghi của nhiều người. “Đất đai chua phèn, mùa nắng thì khô hạn, mùa mưa thì ướt nhẹp, úng nước, người ở làng thấy tôi thuê lại đất để làm thì can ngăn bởi họ quá hiểu những khó khăn mà tôi sẽ phải đối mặt nếu vẫn quyết tâm làm. Bao nhiêu năm chỗ đất này gần như bỏ không, dễ gì mà cải tạo được. Nghĩ đến việc bỏ ra tám mươi triệu thuê đất trong hai mươi năm, nếu thất bại thì đúng là tôi quá cố chấp”, anh Hoàng Ngọc Khánh nhớ lại buổi đầu với quyết định táo bạo của mình. Khi nhận đất, có khoảng 100 cây ổi của chủ cũ để lại, tuy nhiên cây còi cọc bởi không có sự chăm sóc và đất đai thiếu dinh dưỡng cho cây trồng phát triển.
            Công việc đầu tiên là Khánh bắt tay vào cải tạo đất, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động để đảm bảo nguồn nước tưới vào mùa hè, làm hàng rào bao quanh và làm đường dẫn vào trang trại. Mày mò nghiên cứu kinh nghiệm trên mạng internet, Khánh áp dụng quy trình cải tạo đất một cách bài bản. Ban ngày lăn lộn ở trang trại với đủ thứ việc từ sáng sớm đến sẩm tối, ban đêm, anh một mình đẩy xe kéo đi khắp các quán nước dừa, nước mía ở khu vực Đông Hà xin gom lại số bã mía, xơ dừa thải loại. Đầu tư một chiếc may xay các loại vỏ, anh xay mịn bã mía, xơ dừa ủ làm phân bón gốc cho cây ổi. Ngoài ra, anh tận dụng phân chuồng từ nuôi bò, nuôi gà để bổ sung cho cây. Khâu làm đất đã cơ bản, Khánh lựa chọn trồng mới 2.500 gốc ổi giống ổi lê Đài Loan, ổi nữ hoàng, ổi ruột đỏ. Trong khi chờ cây ổi sinh trưởng, Khánh trồng xen hơn một mẫu dưa hấu giống Thái Lan trái vụ để cho thu hoạch vào rằm tháng 7 âm lịch. Việc trồng dưa hấu trái vụ vốn trước nay cả xã chưa có ai làm bởi không dễ thành công. Sau hơn 70 ngày trồng, Khánh đã thu hoạch và bán được hơn 150 triệu đồng, lãi ròng hơn 100 triệu đồng.
            Chưa dừng ở đó, Khánh tìm thuê thêm 5 ha đất ở khu vực thị trấn Cam Lộ để trồng 4.000 cây ổi, nuôi vịt. Hiện ở hai trang trại, gia tài của Khánh là hơn 5.500 gốc ổi, đã cho thu hoạch khoảng 7 tạ, trong đó tại trang trại ở thị trấn Cam Lộ mới trồng 2.800 gốc, nuôi hơn 1.000 con vịt và 2.000 con gà, dịp Tết Nguyên đán cho xuất chuồng 1.000 con gà, 1.000 con vịt. Tại trang trại ở thị trấn Cam Lộ, anh trồng hơn 1.500 gốc chuối với tính toán là lấy bắp chuối, lá chuối bán ra thị trường, thân chuối sẽ chế biến làm thức ăn nuôi gà và bò.
Với tính cách ham tìm tòi, anh Khánh mày mò triển khai mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen để xử lí chất thải trong nông nghiệp, tạo ra nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và phân hữu cơ bón cho cây trồng. “Tôi tìm hiểu được biết vòng đời ruồi lính đen kéo dài khoảng 40 ngày và chia thành 5 giai đoạn: ruồi trưởng thành, trứng, ấu trùng, tiền nhộng và nhộng. Khi ấu trùng phát triển thành nhộng thì đây chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, rất tốt phục vụ chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản... Ruồi lính đen sẽ tự chết sau khi hết vòng đời và được tận dụng làm phân bón hữu cơ. Thấy đây là mô hình tốt, giải pháp hữu hiệu khắc phục ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định áp dụng thực hiện”, anh Khánh chia sẻ.
            Mong muốn lớn nhất của anh là được tạo điều kiện để có thêm nguồn vốn vay ưu đãi nhằm duy trì, phát triển trang trại. Quyết tâm làm mô hình quy mô lớn và hiệu quả, nhưng vốn vẫn là nỗi canh cánh của Hoàng Ngọc Khánh thời điểm này. “Mong ước của tôi là ngoài việc trồng ổi với diện tích lớn để đủ số lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh thì sẽ kết hợp chăn nuôi để tạo ra thực phẩm sạch, sạch từ quy trình sản xuất ở trang trại đến bàn ăn. Từ lâu tôi đã nghĩ đến việc ngoài sản xuất thì dần dần sẽ mở nhà hàng ẩm thực mà tất cả thực phẩm đều được chăn nuôi, trồng theo quy trình đảm bảo không phân bón hóa học, không thức ăn tăng trọng…Tôi đang nỗ lực để dần biến ước mơ này thành hiện thực”.
 
Ngã rẽ hoàn lương
           
Sinh năm 1979, hiện là ông chủ trẻ của hai trang trại tổng hợp với quy mô 7 ha, ít ai biết rằng điểm xuất phát của Hoàng Ngọc Khánh là một quá khứ với hơn 6 năm chấp hành án tù và khoản vay ngân hàng hơn 1,5 tỉ đồng để làm lại cuộc đời. Nói về quãng thời gian lầm lỡ, Khánh chùng lòng, tuổi trẻ bồng bột nên sai lầm đáng tiếc. Khánh vốn là chủ một quầy hàng bán băng đĩa, cà phê, kinh doanh nhà hàng, quán karaoke, cuộc sống nhàn nhã chưa bao giờ biết đến khái niệm chân lấm tay bùn. Vì một chút lầm lỡ của tuổi trẻ, anh bị kết án hơn 6 năm tù giam. “Cuộc sống trong tù khiến tôi thấm thía nhiều bài học đắt giá. Tôi nỗ lực cải tạo tốt, tranh thủ thời gian rảnh để đọc sách, việc mà trước đây tôi chưa bao giờ để tâm. Mỗi khi gia đình thăm nuôi, tôi đều nhờ gửi sách vào trại, các loại sách dạy cách làm nông nghiệp, dạy cách làm kinh tế, tôi đặc biệt quan tâm, bởi nghĩ một điều đơn giản là đọc để có kiến thức, sau này ra tù còn có hướng mà làm lại cuộc đời”.
 
Học được những kiến thức hữu ích từ sách vở, anh Khánh cố gắng lan truyền thói quen đọc sách cho nhiều bạn tù khác bằng cách cho họ mượn sách, khuyến khích họ yêu thích đọc sách như mình. Nhờ nghiền ngẫm sách báo, chăm chỉ xem các chương trình ti vi trong những tháng ngày chấp hành án tù nên anh Khánh mới thấy mình bớt lạc lõng khi ra tù. Làm gì khi không có nghề nghiệp ổn định, cũng không thể bắt đầu lại với việc kinh doanh băng đĩa khi nhu cầu xã hội đã bão hòa khiến anh trăn trở mãi. “Tôi còn nhớ thời điểm tôi ra tù còn hơn hai tháng nữa là Tết Nguyên đán, lúc đó tâm trạng thực sự rất ngổn ngang. Vui vì đã trở về nhà, nhưng nỗi lo nhiều hơn bởi nghĩ chuyện phải làm việc gì để có kinh tế phụ giúp gia đình. Qua tết, tôi bàn với gia đình, được ba mẹ ủng hộ cho mượn sổ đỏ vay tiền thuê đất làm trang trại”, anh Khánh cho biết.
Số tiền vay ban đầu không hề nhỏ, hơn 1,5 tỉ đồng, nhưng bố của Khánh, ông Hoàng Văn Ấu, một cựu chiến binh, quyết định cho con cầm cố sổ đỏ để có vốn làm ăn, với niềm tin con mình sẽ làm được. Dù đã cao tuổi, hằng ngày ông Ấu cũng lăn lộn phụ việc với con ở trang trại. Ông kể: “Thằng Khánh chịu khó lắm, đất thiếu nước thì nó nghĩ chuyện đào hồ lấy nước tưới, làm cả hệ thống tưới nhỏ giọt, mưa xuống sợ đất ướt thì nó tính chuyện đào mương thoát nước, nửa đêm còn canh tưới cho cây để chống chọi qua đoạn hạn hán. Nhà có thuê thêm mấy nhân công nhưng nó cũng làm quần quật cả ngày như nông dân thực thụ, thấy con thay đổi chúng tôi cũng mừng”.
            Anh Khánh biết ơn bố mẹ đã tin tưởng con lần nữa, biết ơn vợ vì những năm tháng vất vả thay chồng nuôi con, giờ lại cáng đáng thêm phần tiền lãi để trả ngân hàng khi trang trại của anh chưa có thành quả gì nhiều.
            Trên những mảnh đất cằn cỗi, Hoàng Ngọc Khánh cần mẫn chăm chút từng gốc cây, dồn tâm huyết chăm bầy gà, bầy vịt và ấp ủ nhiều dự định để không bỏ phí một tấc đất của hai trang trại. Mong ước tạo ra thực phẩm “sạch từ trang trại” của Khánh đã thành hình, với những sản phẩm như thịt gia cầm, hoa quả đảm bảo quy trình sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ. Dự định tương lai của Khánh là nỗ lực xây dựng một nhà hàng kinh doanh ăn uống mà thực phẩm tự cung tự cấp, trọn vẹn ước mơ của mình.
 

Tác giả bài viết: Thanh Trúc

LIÊN KẾT WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 8

  • Hôm nay 202

  • Tổng cộng 7.573.129

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CAM LỘ

Địa chỉ: RX5V+3C8, 2 tháng 4, TT. Cam Lộ, Cam Lộ, Quảng Trị, Việt Nam
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0915.023.667    Fax: 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ