Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ
- '
- TRANG CHỦ
- Cơ cấu tổ chức
- UBND huyện Cam Lộ
- UBND Các Xã, Thị Trấn
- Các Phòng, Ban Chuyên Môn
- Văn phòng HĐND - UBND huyện
- Phòng VH-TT
- Phòng LĐTBXH
- Phòng NN&PTNT
- Phòng GD&ĐT
- Phòng TNMT
- PHÒNG Y TẾ
- Phòng Kinh tế - Hạ tầng
- Phòng Tư pháp
- Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Phòng Nội Vụ
- Thanh Tra Huyện Cam Lộ
- Ban QLDA, PTQĐ&CCN
- Trung tâm QLC, MT&ĐT
- Trung tâm GDNN-GDTX
- GIỚI THIỆU
- Tin tức - Sự kiện
- Hệ thống văn bản
- Quy hoạch
- Người dân cần biết
- Liên hệ
- Văn học nghệ thuật
- Du lịch Cam Lộ
Cam Lộ, nhớ lại và đi tới
Ngày đăng: 10-10-2021
Giờ đây, với riêng tôi, một con dân bình thường như hàng vạn người dân quê đang đứng trước cột mốc sự kiện 30 năm lập lại huyện Cam Lộ từ một ngày đĩnh đạc giữa tháng 10/1991 đó, bỗng thấy bồi hồi như là chuyện của mình, như được chào đón cho riêng mình thêm tuổi ba mươi yêu dấu cùng quê hương...
Một góc thị trấn Cam Lộ hôm nay
Thân thương một cái tên Cam Lộ
…Sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử lập lại tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 7/1989, những ngày trung tuần tháng 3/1990, những người làm báo chúng tôi đã liên tiếp nhận được những thông tin nóng sốt: Ngày 23/3/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 91/ HĐBT về việc chia huyện Bến Hải thành hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh; chia huyện Triệu Hải thành hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Tiếp nhận thông tin này, những con dân Cam Lộ như chúng tôi luôn trong tâm trạng bồn chồn, đợi chờ, khắc khoải, luôn trở đi trở lại trong từng ý nghĩ một câu hỏi vương vấn, biết đến bao giờ quê hương mình cũng có được niềm vui đoàn tụ “châu về hợp phố” như các địa phương bạn; biết đến lúc nào hai tiếng Cam Lộ thân thương lại được trở về với tên gọi của chính mình.
Là phóng viên Báo Quảng Trị, có dịp theo dõi kỳ họp thứ 5, HĐND thị xã Đông Hà (khóa VI) diễn ra vào đầu tháng 2/1991 đúng vào thời điểm tình hình kinh tế- xã hội đang có nhiều chuyển biến khá phức tạp, chúng tôi hồi hộp khi nghe đề cập đến một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và dư luận, được đưa ra thảo luận tại kỳ họp là việc phân vạch lại địa giới hành chính thị xã Đông Hà và lập lại huyện Cam Lộ. Theo nhận định của nhiều đại biểu, với địa bàn khá rộng, tương đối phức tạp và đa dạng như Đông Hà, hiện tại, việc xây dựng và phát triển Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lỵ có quy mô là rất khó thực hiện. Qua nhiều kỳ họp HĐND thị xã, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc và thảo luận khá sôi nổi. Tại kỳ họp thứ 4, đa số đại biểu được thăm dò nhất trí phân vạch lại địa giới hành chính thị xã Đông Hà. Có 4 phương án được nêu ra nhưng chưa có phương án nào hội tụ được những yếu tố ưu thế nhất để thực hiện. Theo ý kiến kết luận của Chủ tịch HĐND thị xã tại kỳ họp, việc phân chia thị xã Đông Hà và lập lại huyện Cam Lộ là một tất yếu khách quan, nhưng trước mắt cần tập trung giải quyết tình hình thiếu lương thực và những khó khăn về kinh tế - xã hội đang đặt ra rất cấp bách. Nhiều đại biểu trao đổi thẳng thắn, hiện tại chưa thể tiến hành ngay việc làm rất hệ trọng này nhưng không nên vì những nguyên nhân không chính đáng để trì hoãn; còn nếu lấy lý do tình hình kinh tếxã hội đang khó khăn mà thờ ơ trước nguyện vọng của Nhân dân, ý kiến của công luận là chưa thỏa đáng, bởi nếu chờ cho đến lúc thật thuận lợi để chia lại địa giới thì chờ đến bao giờ? Lẽ ra, phải xác định việc điều chỉnh quy mô địa giới hành chính sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các địa phương trong tỉnh có thêm điều kiện liên kết hỗ trợ nhau, cùng nhau phát triển…
Trong một diễn biến khác, theo thông báo tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa II họp vào 2 ngày 1 - 2/10/1991, chương trình nghị sự của kỳ họp có nội dung xem xét và ra nghị quyết về việc chia thị xã Đông Hà thành thị xã Đông Hà và huyện Cam Lộ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân quê tôi. Chờ đợi mãi rồi cũng tới, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã nghe lãnh đạo UBND thị xã Đông Hà trình bày kiến nghị về việc phân vạch địa giới hành chính thị xã Đông Hà và lập lại huyện Cam Lộ. Căn cứ ý kiến trình bày và Nghị quyết của kỳ họp thứ 7, HĐND thị xã Đông Hà (khóa VI), HĐND tỉnh đã nhất trí ra Nghị quyết tán thành và kiến nghị lên Hội đồng Bộ trưởng cho phép chia thị xã Đông Hà và lập lại huyện Cam Lộ theo phương án 1 NQ 07/ NQ HĐND thị xã Đông Hà ngày 26/9/1991.
Có lẽ ngày 19/10/1991 là một ngày phấn chấn, hồ hởi nhất đối với chúng tôi và những người nặng lòng với quê nhà sau những chuỗi ngày đằng đẳng đợi chờ, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 328/HĐBT với nội dung: Tách 8 xã thuộc thị xã Đông Hà là Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thanh (trừ các thôn Nghĩa An, Thanh Lương chuyển về thị xã Đông Hà) và Cam Giang (trừ các thôn An Lạc, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Đại Độ, Đình Tổ, Thượng Độ, Tây Trì chuyển về thị xã Đông Hà quản lý) để thành lập lại huyện Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau khi phân vạch, điều chỉnh địa giới, huyện Cam Lộ có 35.199 ha đất tự nhiên và 34.975 nhân khẩu. Ngày 20/10/1991, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ra Quyết định số 516/TCCP về việc thành lập phường, đổi tên xã thuộc thị xã Đông Hà và huyện Cam Lộ, trong đó đổi tên xã Cam Giang thuộc huyện Cam Lộ thành xã Cam An…
Sau phiên họp bất thường phân chia đại biểu về hai đơn vị hành chính mới của HĐND thị xã Đông Hà vào ngày 26/11/1991, sáng ngày 28/11/1991, các đại biểu thuộc HĐND huyện Cam Lộ đã tiến hành kỳ họp thứ nhất để bầu các chức danh trong HĐND và UBND huyện. Tại kỳ họp đặt một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của địa phương, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Quyết cùng các đại biểu HĐND huyện đã phát biểu thể hiện quyết tâm của đất và người Cam Lộ sẽ tận tụy, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó nghèo, đi tới ấm no, hạnh phúc; bày tỏ sự tin tưởng ở sức vươn của quê hương trong giai đoạn mới, có vị trí và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới của tỉnh nhà và đất nước.
Khởi động một hành trình mới
Chúng tôi cũng đã có dịp tham dự hội nghị sản xuất vụ đông xuân 1991-1992 được tổ chức lần đầu tiên sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại. Tại cuộc hội ngộ cảm động này, bao nhiêu tính toan, trăn trở ùa cả vào căn phòng chật chội với sự hồ hởi hiếm có. Những gương mặt can trường, rắn rỏi từng xông pha nơi đồng cạn, đồng sâu quê nhà cùng tề tựu về đây bàn chuyện vượt khó, làm ăn, làm giàu và cùng xắn tay áo để vực dậy một nền nông nghiệp của huyện còn chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường đổi mới, đã có những tín hiệu ban đầu khả quan và cũng đã nếm trải những thất bại đau như trở dạ.
Trong sổ tay công tác của tôi có ghi lại, giữa khung cảnh ngỗn ngang của những ngày đầu huyện Cam Lộ mới lập lại, vấn đề được địa phương đặc biệt quan tâm vẫn là tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân trong điều kiện và tình hình mới. Điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận qua hội nghị này là một trăm phần trăm chủ tịch UBND của 8 xã, chủ nhiệm hợp tác xã, tập đoàn trưởng tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện đã về dự với một ý nguyện chân thành là góp phần mình tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đưa ngành nông nghiệp Cam Lộ phát triển, trước mắt là giành vụ đông xuân thắng lợi để tạo đà đi tới. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Tố, từng là một chuyên gia ngành bảo vệ thực vật của tỉnh đã đánh giá thực trạng nông nghiệp của huyện từ khi lập lại, đồng thời nhấn mạnh trong tương quan chung về phát triển một nền nông nghiệp toàn diện trên địa bàn tỉnh. Tất cả đều khẳng định, Cam Lộ là một huyện giàu tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên cần phải nhận thức rõ ở những bước đi ban đầu, cụ thể là việc triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân sắp tới, Cam Lộ đang đứng trước rất nhiều vấn đề vướng mắc, trở ngại, cần tập trung tâm và lực để tháo gỡ.
Theo phân bố, huyện Cam Lộ có 130 ha đất lúa, 395 ha đất lạc và trên 860 ha đất màu các loại. Chỉ tính riêng đất lúa, lượng phân bón cần có cho vụ sản xuất đông xuân 1991-1992 là từ 120 -150 tấn đạm urê, trong lúc đến thời điểm bấy giờ, lượng đạm urê chuẩn bị tại địa phương mới được 14 tấn. Giá cả vật tư lại có xu hướng tăng, đạm urê từ 2.600 đồng/kg lên 2.750 đồng/kg. Giá thuốc trừ sâu cũng biến động 3.000 - 4.000 đồng/kg ở từng thời điểm. Đất trồng lạc vốn là thế mạnh của Cam Lộ, nhưng việc chuẩn bị các loại vật tư cần thiết như vôi, lân nói chung chưa có gì. “Không lân, không vôi thì thôi trồng lạc”, kinh nghiệm canh tác của dân gian đã chỉ ra như vậy. Về công tác thủy lợi, tuyến kênh Trạm bơm An Thái do công trình thấp, lại bị sạt lở chưa kịp tu sửa nên lượng nước không đủ tưới cho những vùng cuối nguồn. Các hồ chứa nước như Nghĩa Hy, Đá Lả, Tân Kim… do thời gian qua mưa không đáng kể nên mực nước trong hồ thấp, khó chủ động nước để làm đất cho kịp thời vụ. Vấn đề nan giải nhất vẫn là vốn đầu tư cho nông nghiệp còn quá ít. Việc triển khai đầu tư vốn sản xuất đến tận hộ nông dân để khai mở hướng làm ăn đang còn ở những bước đi dè dặt, trong khi đó mọi nguồn vật tư đều thương mại hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
Trước những khó khăn đặt ra, Huyện ủy, UBND huyện Cam Lộ và những người trực tiếp điều hành sản xuất ở cơ sở đã thống nhất quyết tâm khắc phục bằng những việc làm cụ thể. Trong đó, trước mắt là khẩn trương tận dụng mọi nguồn vốn để tập kết đủ lượng phân bón cần thiết; nhanh chóng có kế hoạch sửa chữa các công trình thủy lợi, đảm bảo đủ nước tưới để làm đất kịp thời; tổ chức tốt việc cung ứng vật tư nông nghiệp về tận hộ gia đình. Khuyến khích người dân trồng màu để đề phòng lúc thiếu đói. Công tác giống, bảo vệ thực vật và thủy lợi không thể “khoán trắng” cho nông dân mà hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phải đứng ra tổ chức làm dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực điều hành sản xuất và củng cố tổ chức ban quản lý các hợp tác xã…
Đường lớn đã mở
Trong điều kiện huyện nhà mới lập lại, sự đồng thuận, phấn khởi trong Nhân dân được xác định là một động lực quan trọng để góp phần phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, do đó đang được quan tâm nhân rộng, phát triển thành sức mạnh tinh thần to lớn, huy động được nguồn lực của toàn dân trong suốt hành trình xây dựng lại quê hương. Sau 30 năm lập lại, như sự cam kết buổi đầu bắt tay tạo dựng cuộc sống với niềm tin vững chắc vào tương lai, Cam Lộ đã có bước phát triển rất ngoạn mục trong đầu tư cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Cam Lộ vừa qua đã chứng minh, để chương trình thật sự đi vào chiều sâu, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, xác định rõ vai trò “chủ thể”, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả của chương trình xây dựng NTM.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong 9 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Cam Lộ đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách; không có nhà tạm bợ. Hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ; 100% tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, gồm hơn 4.000 ha cao su, 422 ha hồ tiêu vùng đất đỏ ba dan, 700 ha lạc vùng bãi bồi ven sông Hiếu, 1.700 ha lúa, trên 100 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng sản xuất. Xây dựng 7 sản phẩm nông nghiêp được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao (chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh), nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường lớn, vào các siêu thị cao cấp và đoạt giải thưởng danh giá về chất lượng. Hiệu quả kinh tế từ các vùng sản xuất tập trung cho giá trị cao hơn từ 40 - 50 triệu đồng/ha; hình thành vành đai trang trại, gia trại trên 500 ha, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, ứng dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh.
Thông qua xây dựng NTM, hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là đường làng ngõ xóm của Cam Lộ đã sáng, xanh, sạch đẹp; nước sạch và vệ sinh môi trường được đảm bảo, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã có 15/80 thôn, khu phố đạt chuẩn NTM, đô thị văn minh kiểu mẫu mức 1 (đạt 18,75%); có 1 xã công nhận đạt xã NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tháng 4/2020 huyện Cam Lộ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2019 trước 1 năm so với nghị quyết.
Kỷ niệm 30 năm lập lại huyện Cam Lộ, quá khứ hiển vinh của mảnh đất quy tụ nhân sĩ, trí thức yêu nước, hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”, quê hương của những con người chịu thương, chịu khó, luôn đoàn kết bên nhau chắt chiu xây dựng cơ đồ suốt bao chặng đường dài gian nan đã qua đó, chắc chắn sẽ là một động lực tinh thần to lớn, tiếp thêm nguồn năng lượng mới để Cam Lộ chuẩn bị hành trang vững chắc hơn trong chặng đường đi tới tương lai ấm no, thịnh vượng, nghĩa tình…
Tác giả bài viết: Đào Tâm Thanh
- Khởi sắc Tân Tường (20/03/2022)
- Nông dân Cam Lộ nỗ lực vì quê hương giàu đẹp (20/03/2022)
- Về vùng Cùa, thăm những vườn chè cổ thụ (20/03/2022)
- Chuyện về một Bí thư Tỉnh ủy (29/03/2022)
- Đầu Mầu, Cao điểm 241 và Rockpile: Kết nối ba điểm cao trên Quốc lộ 9 (29/03/2022)
- Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên 23/10 (1920-2020): Không gian lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên (29/03/2022)
- Vùng Cùa, từ mạch nguồn cách mạng... (29/03/2022)
- Từ vùng chiến địa năm xưa đến miền quê đáng sống (29/03/2022)
- Nhà Tằm Tân Tường-Một di tích cách mạng tiêu biểu (29/03/2022)
- Cam Tuyền, những sắc màu mới (29/03/2022)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
-
Đang online 16
-
Hôm nay 3028
Tổng cộng 7.951.601