Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ
- '
- TRANG CHỦ
- Cơ cấu tổ chức
- UBND huyện Cam Lộ
- UBND Các Xã, Thị Trấn
- Các Phòng, Ban Chuyên Môn
- Văn phòng HĐND - UBND huyện
- Phòng VH-TT
- Phòng LĐTBXH
- Phòng NN&PTNT
- Phòng GD&ĐT
- Phòng TNMT
- PHÒNG Y TẾ
- Phòng Kinh tế - Hạ tầng
- Phòng Tư pháp
- Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Phòng Nội Vụ
- Thanh Tra Huyện Cam Lộ
- Ban QLDA, PTQĐ&CCN
- Trung tâm QLC, MT&ĐT
- Trung tâm GDNN-GDTX
- GIỚI THIỆU
- Tin tức - Sự kiện
- Hệ thống văn bản
- Quy hoạch
- Người dân cần biết
- Liên hệ
- Văn học nghệ thuật
- Du lịch Cam Lộ
Nhà Tằm Tân Tường-Một di tích cách mạng tiêu biểu
Ngày đăng: 10-02-2020
Sau khi phong trào Cần Vương phò vua đánh giặc cứu nước tan rã, trên hành trình từ kinh đô kháng chiến Tân Sở trở về quê, cụ Lê Thế Vỹ người làng Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong nhận thấy vùng đất Cam Lộ là nơi thuận lợi để phát triển phong trào cách mạng lâu dài nên đã lập ra làng Tân Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ ngày nay để trồng dâu, nuôi tằm, bí mật gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng.
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tại di tích Nhà Tằm Tân Tường
Thuở đó, bên ngoài Tân Tường là nơi sản xuất để che mắt giặc, nhưng bên trong là nơi gặp gỡ bàn bạc trao đổi công việc của các nhân sĩ, trí thức và những người yêu nước trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời là nơi quyên góp tài chính ủng hộ hoạt động cách mạng. Tên gọi “Nhà Tằm” Tân Tường bắt nguồn từ đó. Từ Nhà Tằm, những “hạt giống đỏ” phong trào cách mạng lớn dần theo năm tháng. Con trai cụ Lê Thế Vỹ là Lê Thế Tiết trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đầu tiên. Tân Tường là nơi thành lập một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị, lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng quê hương, đất nước ngày một ấm no, giàu mạnh.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Cam Lộ ghi lại, vào những năm đầu của thế kỉ XX, Nhà Tằm Tân Tường là nơi quy tụ các nhân sĩ trí thức yêu nước có tư tưởng hoạt động chống thực dân Pháp. Đến những năm 1929- 1930, Nhà Tằm Tân Tường trở thành “địa chỉ đỏ” phong trào cách mạng của Đảng. Nơi đây, các đồng chí Lê Duẩn, Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thế Tiết… gặp gỡ bàn bạc hoạt động cách mạng. Tháng 11/1929, đồng chí Lê Viết Lượng được Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cử vào liên lạc với đồng chí Lê Thế Tiết bàn việc thành lập tổ chức Đảng Cộng sản ở tỉnh Quảng Trị. Cuộc họp thống nhất chuyển một số đảng viên Tân Việt, hội viên Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội thành đảng viên cộng sản như Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Lê Thị Quế, Phan Thị Hồng, Hoàng Thị Ái, Trương Sỹ Đản và bàn cách tổ chức thành lập các Chi bộ Tường Vân (Triệu Phong), Tân Tường (Cam Lộ). Ngày 20/4/1930, Chi bộ Tân Tường được thành lập. Tháng 5/1930, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Cam Lộ ra đời do đồng chí Lê Thế Tiết làm bí thư. Tháng 11/1930, đại diện Xứ ủy Trung Kì triệu tập hội nghị tại Nhà Tằm Tân Tường để thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức gồm 5 đồng chí, do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị đề ra chủ trương: Tích cực phát triển đảng, xây dựng các tổ chức quần chúng; ra báo Tiến Lên làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và tờ Bạn Dân Cày, sau đổi thành Mặt Trận Đỏ, lưu hành trong các hội quần chúng…Từ đây, ở Quảng Trị có một chính đảng lãnh đạo nhân dân chống kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước, trở thành một bộ phận cách mạng của cả nước.
90 mùa xuân từ khi có Đảng, Nhà Tằm Tân Tường nói riêng và mảnh đất Cam Lộ nói chung là mạch nguồn của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị. Cam Lộ vinh dự được chọn là nơi đóng trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước. Đất nước hòa bình thống nhất, phát huy truyền thống yêu nước, hào khí phong trào Cần Vương và “địa chỉ đỏ” Nhà Tằm Tân Tường, Đảng bộ huyện Cam Lộ luôn đoàn kết một lòng, cụ thể hóa mục tiêu, lí tưởng cách mạng của Đảng, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới quê hương, đưa Cam Lộ trở thành “vùng quê đáng sống”, là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Mùa xuân này, về Nhà Tằm Tân Tường không còn hình ảnh trồng dâu nuôi tằm nữa, nhưng chúng tôi lại được thưởng thức hương vị rượu vang dâu Quốc Khánh thơm ngon là đặc sản của vùng quê Cam Thành, huyện Cam Lộ. Chợt lòng thấy lâng lâng với bao dự cảm tốt lành. Một sáng xuân về, khi quần thể di tích Nhà Tằm Tân Tường được xây dựng hoàn chỉnh, du khách tham quan đứng ở đây nhìn ra sẽ thấy làng quê Tân Tường đổi mới xanh trong ngàn dâu, ấm những mái ngói đỏ tươi nối tiếp những làng quê Cam Lộ, Quảng Trị chảy hoài nhịp sống sinh sôi.
Tác giả bài viết: Thanh Hải
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
-
Đang online 20
-
Hôm nay 2865
Tổng cộng 7.951.438