Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ

Nông dân Cam Lộ đẩy mạnh hợp tác, liên kết để sản xuất hiệu quả

Ngày đăng: 15-03-2022

Liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác là cách làm mới của nhiều hội viên nông dân ở huyện Cam Lộ trong thời gian gần đây. Nhờ cách làm này, các hội viên nông dân đã có sự gắn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài.

Mô hình nuôi dê nhốt của gia đình ông Võ Xuân Thủy ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa cho thu nhập ổn định

Được thành lập từ tháng 1/2021, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi dê thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa có 28 thành viên. Sau hơn 1 năm hoạt động, THT đã thể hiện tốt vai trò là “bà đỡ” trong phát triển kinh tế của các hộ gia đình.
     Gia đình ông Võ Xuân Thủy ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa là hộ phát triển mô hình chăn nuôi dê gần chục năm nay. Nếu như trước đây, ông Thủy nuôi dê theo hình thức quảng canh, chăn thả tự nhiên thì nay hoàn toàn ngược lại, bởi từ khi tham gia thành viên THT chăn nuôi dê của thôn thì ông bắt đầu đầu tư nuôi bài bản, quy mô hơn, chuyển sang nuôi nhốt, đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi. Tất cả kiến thức, kinh nghiệm có được đều từ các thành viên trong THT truyền đạt cho nhau. Hiện nay, gia đình ông Võ Xuân Thủy nuôi 13 con dê nái, gần 10 con dê con.
     Theo ông Thủy, dê tương đối dễ nuôi, trung bình 1 dê nái cứ 5 tháng sẽ sinh 1 lứa từ 1 - 2 con. Giá bán dê đực 120 nghìn đồng/kg, dê mẹ 100 nghìn đồng/kg, nếu chăm sóc tốt thì thu nhập của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi dê nhốt. “Từ khi tham gia THT chăn nuôi dê thôn Bảng Sơn, tôi cùng các hộ gia đình thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật nuôi, con giống. Đồng thời, các thành viên cùng chung tay tìm kiếm đầu ra để chăn nuôi phát triển hiệu quả hơn”, ông Thủy chia sẻ.
      Hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lộ có 18 THT do các chi hội nông dân ở các xã, thị trấn trực tiếp đứng ra thành lập, trong đó có một số THT do Hội Nông dân huyện phối hợp thành lập trên tinh thần tự nguyện với hơn 200 thành viên tham gia. Thành viên của các THT là những hội viên nông dân tiêu biểu, có chí hướng vượt khó làm giàu. Nổi bật và hiệu quả nhất là các THT trên lĩnh vực chăn nuôi dê nhốt, trồng cây ăn quả và cây dược liệu. Quá trình hoạt động, các THT đã liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, cây, con giống; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, quá trình chăn nuôi, trồng trọt, tìm đầu ra trong khâu tiêu thụ sản phẩm… Từ khi thành lập các THT, nhiều thành viên đã mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô, bài bản, tạo được việc làm, thu nhập cho gia đình và xã hội; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
      Cùng cán bộ Hội Nông dân huyện Cam Lộ đến thăm vườn ổi hơn 300 gốc của gia đình anh Trương Anh Tuấn, Tổ trưởng THT trồng ổi ở thôn Tân Trúc, xã Cam Hiếu, chúng tôi được anh Tuấn chia sẻ, gia đình anh trước đây chủ yếu trồng các loại cây truyền thống như chuối, ổi, mít… theo kiểu tận dụng, không có quy hoạch nên hiệu quả mang lại không cao. Sau khi tìm hiểu nhiều nơi, nhận thấy vùng đất của gia đình có thể phù hợp với giống ổi Thái Lan nên anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm. Sau một thời gian thử nghiệm thành công, anh Tuấn đã cùng một số hộ trong thôn mở rộng diện tích trồng và tham gia THT trồng ổi Tân Trúc.
      “Khi vào THT, chúng tôi được chia sẻ lẫn nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm kiếm đầu ra. Bên cạnh đó, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn ưu đãi nên nhiều gia đình rất phấn khởi và mạnh dạn phát triển mô hình. Hiện nay, THT trồng ổi thôn Tân Trúc đang cùng với Hội Nông dân huyện hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu cho ổi Tân Trúc”, anh Tuấn chia sẻ.
      THT trồng ổi thôn Tân Trúc hiện có 18 thành viên trồng hơn 3 ha với trên 1.800 gốc ổi Thái Lan. Mô hình trồng ổi Thái Lan của THT thôn Tân Trúc hiện đang tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Bởi ổi ở đây cho quả to, ăn giòn và ngọt, rất được thị trường ưa chuộng. Bình quân mỗi gốc đạt 35 - 40 kg ổi, bán với giá 18.000 đồng/kg.
      Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh, việc phát triển kinh tế theo mô hình THT tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau làm giàu và quan trọng nhất là khi tham gia THT, các thành viên trong tổ được vay vốn với lãi suất thấp. Nhờ nguồn vốn này, các thành viên trong THT đã đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế một cách bài bản hơn, tạo ra hiệu quả, đồng thời thu hút thêm nhiều hộ gia đình mở rộng mô hình.
      “Hội Nông dân huyện đã có chính sách hỗ trợ các THT từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng đầu vào, tạo điều kiện về đầu ra các sản phẩm cho các THT; đồng thời, phát huy được vai trò làm “cầu nối” giữa nông dân với các cơ quan chuyên môn, giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, biết liên kết làm ăn với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động các chi hội cơ sở mở rộng thêm các THT ngành nghề, dịch vụ tạo điều kiện tốt nhất cho các hội viên nông dân phát triển kinh tế”, ông Trần Vũ Minh cho biết thêm.
      Xây dựng các THT, tổ liên kết theo các nhóm hộ cùng mục đích sản xuất, kinh doanh mà Hội Nông dân huyện Cam Lộ đang triển khai không những giúp hội viên thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, là nhân tố gắn kết cộng đồng dân cư ở nông thôn.
 

Tác giả bài viết: Trường Nguyên

LIÊN KẾT WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 72

  • Hôm nay 3066

  • Tổng cộng 7.585.443

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CAM LỘ

Địa chỉ: RX5V+3C8, 2 tháng 4, TT. Cam Lộ, Cam Lộ, Quảng Trị, Việt Nam
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0915.023.667    Fax: 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ