Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ
- '
- TRANG CHỦ
- GIỚI THIỆU
- Cơ cấu tổ chức
- UBND huyện Cam Lộ
- UBND Các Xã, Thị Trấn
- Các Phòng, Ban Chuyên Môn
- Văn phòng HĐND - UBND huyện
- Phòng VH-TT
- Phòng LĐTBXH
- Phòng NN&PTNT
- Phòng GD&ĐT
- Phòng TNMT
- PHÒNG Y TẾ
- Phòng Kinh tế - Hạ tầng
- Phòng Tư pháp
- Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Phòng Nội Vụ
- Thanh Tra Huyện Cam Lộ
- Ban QLDA, PTQĐ&CCN
- Trung tâm QLC, MT&ĐT
- Trung tâm GDNN-GDTX
- Hệ thống văn bản
- Tin tức - Sự kiện
- Quy hoạch
- Người dân cần biết
- Liên hệ
- Văn học nghệ thuật
Diễn văn gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày lập lại huyện
Ngày đăng: 03-12-2021
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 30 năm huyện nhà lập lại (1/12/1991-1/12/2021), ngày 30/11, huyện Cam Lộ đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm nhằm ôn lại chặng đường 30 năm đổi mới và phát triển của quê hương. Chúng tôi xin đăng lại toàn bộ nội dung bài diễn văn ôn lại truyền thống của đồng chí Đỗ Văn Bình, TUV, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ.
Đồng chí Đỗ Văn Bình, TUV, Bí thư Huyện ủy đọc diễn văn tại buổi gặp mặt
Hôm nay trên mảnh đất Cam Lộ anh hùng, trong niềm hân hoan và tự hào, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện tổ chức gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày huyện nhà được lập lại (1/12/1991-1/12/2021). Thay mặt lãnh đạo huyện, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Đông Hà; các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tại các điểm cầu trực tuyến cùng quý vị đại biểu khách quý lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Theo kế hoạch, ngày gặp mặt sẽ có đông đủ các đồng chí lãnh đạo huyện, các đồng chí huyện ủy viên, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn qua các thời kỳ cùng tham dự tại hội trường này, nhằm ôn lại và khắc sâu những giờ phút, những tháng ngày của một chặng đường tuy nhiều gian khó nhưng rất đáng tự hào. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Tổ chức đã linh hoạt tổ chức điểm cầu trực tuyến tại các xã, thị trấn vừa long trọng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Rất mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông của các đồng chí.
Nằm giữa lòng đất mẹ Quảng Trị, Cam Lộ có một bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Đây là vùng đất bán sơn địa, con người thuần hậu mà can trường; trong mọi hoàn cảnh luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó, xả thân vì nghĩa lớn. Với tấm lòng sắt son tình đồng chí, nghĩa đồng bào, từ xưa đất và người Cam Lộ luôn có một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của quê hương, đất nước. Từ buổi bình minh có Đảng, Cam Lộ là căn cứ cách mạng tin cậy với Nhà Tằm Tân Tường - nơi thành lập một trong ba chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị cũng là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức đầu tiên để lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cam Lộ cũng là mảnh đất từng là phên dậu trong nhiều biến động lịch sử, nơi hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”. Đó là Thành Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi; đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Cam Lộ lại được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - hội tụ phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà ra sức thi đua bảo vệ thành quả cách mạng, hăng hái lao động sản xuất, tái thiết quê hương. Năm 1977 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng huyện thành “pháo đài chiến lược”, từ đó Cam Lộ được sát nhập với huyện Vĩnh Linh, Gio Linh thành huyện Bến Hải, đến năm 1981 tách ra khỏi huyện Bến Hải và sát nhập vào thị xã Đông Hà nhằm tăng cường tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội, QPAN và củng cố hệ thống chính trị. Mười bốn năm sau, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện Quyết định số 328, ngày 19/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam) về việc điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Đông Hà và thành lập lại huyện Cam Lộ, ngày 01/12/1991, Đảng bộ Cam Lộ long trọng tổ chức lễ ra mắt lập lại huyện trong niềm hân hoan, xúc động của đồng chí, đồng bào. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới, mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ.
Ký ức về những ngày đầu với bao bộn bề, lo toan, trăn trở còn in đậm trong mỗi chúng ta. Sau ngày giải phóng, Cam Lộ là một vùng trắng; nhà cửa, vườn tược, trường học, cơ sở y tế, đường sá, cầu cống, đê điều… bị phá hủy hoàn toàn. Thời kỳ đầu sau lập lại, Cam Lộ là huyện thuần nông nhưng khí hậu và thiên tai khắc nghiệt; cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh còn thấp kém; đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao, thường xuyên thiếu đói trong kỳ giáp hạt. Khó khăn càng tôi luyện thêm ý chí vươn lên và khát vọng phát triển huyện nhà; Đảng bộ và Nhân dân chung sức, chung lòng, xác định những lợi thế để xây dựng lại quê hương. Với bề dày truyền thống kiên cường, bất khuất trong đấu tranh dựng nước; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất... Cam Lộ là một trong những địa bàn chiến lược của tỉnh, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, có hệ thống giao thông thuận tiện để giao lưu kinh tế và văn hoá; là nơi được lựa chọn đặt một số cơ sở công nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chính vì thế, ngay tại Đại hội X – năm 1992, Đại hội đầu tiên khi huyện nhà được lập lại đã xác định: “Để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đưa huyện nhà từng bước đi lên, chúng ta phải nỗ lực toàn diện với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, tranh thủ hết thuận lợi, vừa phục hồi kinh tế, vừa củng cố và xây dựng đổi mới…”. Ý Đảng hợp lòng dân, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Huyện ủy từ những ngày đầu và qua 6 kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đã được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiện thực hóa trên quê hương yêu dấu của mình. 30 năm nhìn lại mới thấy hết sự đổi thay vượt bậc với những thành tựu rất đỗi tự hào, mới thấy hết sự vươn lên mạnh mẽ với những thành tựu toàn diện và nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Cam Lộ những ngày xa xưa như Nhà thơ Chế Lan Viên người con quê hương đã quặn lòng thốt lên:
Ôi gió Lào ơi!
Ngươi đừng thổi nữa
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người”
nay đã vươn mình với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 12%, tốc độ tăng thu ngân sách 14,8%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng, tăng gấp 25 lần năm 1992. Tỷ lệ hộ nghèo từ 37% năm 1994 giảm xuống còn dưới 3%. Đặc biệt, năm 2019, huyện Cam Lộ vinh dự được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Nông nghiệp trong những năm 1991- 1992 đang còn ở mức sản xuất nhỏ, manh mún, lạc hậu thì nay phát triển toàn diện, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng bền vững, trở thành nguồn hàng hóa có giá trị kinh tế ngày càng cao. Các loại cây chủ lực như: lúa, lạc, cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng phát triển theo hướng nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Diện tích lúa trên 3.000 ha với năng suất bình quân 55- 60 tạ/ha, tăng gấp 2-3 lần so với năm 1992. Diện tích cây cao su hơn 4000 ha; trên 400 ha hồ tiêu, hơn 500 ha lạc đã giúp người nông dân cải thiện đời sống, nhiều nhà trở thành hộ khá, hộ giàu. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 17.000 tấn, tăng gấp hơn 4 lần so với 1992. Hình thành trên 17.000 ha rừng sản xuất, năng suất gỗ khai thác mỗi năm 100 tấn/ha, thu trên 100 tỷ đồng/năm. Đến nay toàn huyện có trên 100 ha dược liệu các loại như chè vằng, cà gai leo, an xoa và nhiều loại cây trồng vật nuôi khác có giá trị đang được đầu tư canh tác theo hướng hữu cơ, vi sinh và có nhiều tiềm năng, triển vọng vươn ra thị trường trong và ngoài nước; trong đó cao an xoa đã xuất lô hàng đầu tiên sang Mỹ. Các vùng chuyên canh tập trung đã và đang được liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ; hình thành các chuỗi giá trị sản xuất theo chương trình OCOP gắn với thương hiệu địa phương được thị trường đón nhận với tín hiệu tốt; nhiều sản phẩm đạt giải thưởng danh giá về chất lượng.
Từ một địa bàn “trắng” về công nghiệp, đến nay công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ được đẩy mạnh phát triển và chiếm tỉ trọng 72% trong cơ cấu nền kinh tế. Huyện đã tập trung quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hạ tầng 3 cụm công nghiệp Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền với tổng diện tích 150ha, thu hút 43 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 1.300 lao động địa phương. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được thu hút đầu tư: Khu logistics và cụm công nghiệp công nghệ cao; Nhà máy bia Carmel; dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; khu nghỉ dưỡng cao cấp và sân Golf hồ sinh thái Nghĩa Hy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, với lợi thế nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây và khi tuyến cao tốc Bắc- Nam đi qua trên địa bàn hoàn thành… mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, khu dân cư kiểu mẫu lồng ghép với các cuộc vận động khác trở thành phong trào quần chúng sâu rộng. Các thiết chế văn hoá được quan tâm đầu tư; 100% làng, bản, khu phố có Trung tâm văn hoá, học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn. Sóng truyền hình, Internet, sóng FM của Đài Truyền thanh huyện đảm bảo tại 100% thôn, bản, khu phố. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới và văn minh đô thị; 32 thôn, khu phố và 8 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa xuất sắc cấp tỉnh; trên 95% gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Sự nghiệp giáo dục – đào tạo ngày càng phát triển toàn diện; chất lượng dạy và học được nâng cao; quy mô mạng lưới trường, lớp được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, chuẩn hóa và hiện đại; 100% trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, ¾ trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị từ huyện đến xã được đầu tư đảm bảo điều kiện phục vụ chăm sóc và khám chữa bệnh cho nhân dân, kịp thời phòng chống các dịch bệnh. Nhất là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Đảng bộ, quân và dân Cam Lộ đồng lòng, đồng sức, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, điều hành, chủ động, kịp thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của Nhân dân. Lao động việc làm được quan tâm giải quyết; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; chính sách đối với người có công được quan tâm thực hiện.
Quốc phòng - an ninh được củng cố; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác quân sự địa phương thường xuyên chăm lo để không ngừng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh, nhiệm vụ xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu gắn với cụm liên hoàn về an ninh trật tự được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và kiện toàn. Đảng bộ huyện đã phát triển cả về chất lượng và số lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên. Từ 838 đảng viên, sinh hoạt trong 23 cơ sở Đảng (năm 1992), đến nay số lượng đảng viên tăng lên gần 3000 đ/c, sinh hoạt ở 43 TCCSĐ. Các thế hệ cán bộ, đảng viên luôn kiên định và giữ vững lập trường chính trị, làm nòng cốt đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ luôn được Đảng bộ quan tâm. Đội ngũ cán bộ các cấp không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt thông qua việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động cách mạng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được quan tâm. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia.
Đặc biệt, thành quả nổi bật, ấn tượng nhất của huyện Cam Lộ chính là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và tỉnh Bình Trị Thiên cũ được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019, về đích trước 01 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Xây dựng Nông thôn mới là một cuộc vận động mang lại kết quả lớn chưa từng có trong tiến trình xây dựng quê hương Cam Lộ. Các chủ trương, chính sách của huyện đã được Nhân dân hưởng ứng tích cực và thi đua thực hiện, đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của với các việc làm cụ thể, thiết thực. Trong tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 3.000 tỷ đồng, trong đó có gần 500 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Bộ mặt làng quê đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Những con đường trơn trượt, lầy lội mùa mưa lũ hay bụi đất mịt mờ giờ đây hầu như đã được mở rộng, cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa và lung linh dưới “Ánh điện làng quê”. Kết quả đó là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, Chính quyền, nhưng trước hết phải nói đến sự đồng thuận của Nhân dân – Nhân dân thực sự là chủ thể kiến tạo nông thôn, là nguồn lực hết sức to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa nổi trội riêng có của mảnh đất này, cùng với những thời cơ, thuận lợi và cả quyết tâm vượt khó là nguồn động lực để Cam Lộ vững vàng đi lên từ nền tảng nội lực của mình trong bối cảnh mới. Chặng đường 30 năm qua mang lại nhiều trải nghiệm sâu sắc, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. 30 năm xây dựng và phát triển không phải là chặng đường dài so với lịch sử của vùng đất Cam Lộ, nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng và quý báu; là nền tảng, sức mạnh thúc đẩy huyện nhà bứt phá vươn lên, hòa mình vào sự phát triển chung của Quảng Trị.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cam Lộ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý; 03 lần được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động. Cam Lộ có được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm lãnh chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ- HĐND- UBND- UBMTTQVN tỉnh, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, sự giúp đỡ đầy trách nhiệm và tình cảm của các sở ban ngành, đoàn thể, của Đảng bộ, nhân dân thành phố Đông Hà và các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ không bao giờ quên và luôn trân trọng về những cống hiến, đóng góp của các thế hệ đồng chí lãnh đạo huyện, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lương vũ trang nhân dân đã từng công tác ở huyện nhà, trong bộn bề khó khăn của cuộc sống vẫn tràn đầy tâm huyết, đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Xin gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, những người con Cam Lộ sinh sống trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài luôn hướng về và dõi theo từng bước đi lên của quê hương.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Cam Lộ nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, khi mà quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, đội ngũ cán bộ các cấp vẫn còn một số mặt hạn chế... Nhưng với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cam Lộ quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa. Tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu hướng tới là: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân; Đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững; Phấn đấu sớm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu”. Quyết tâm đưa Cam Lộ trở thành huyện có trình độ phát triển kinh tế đạt mức khá của tỉnh, tốc độ tăng trưởng cao về công nghiệp, dịch vụ, thương mại; nhiều sản phẩm nông sản chế biến có thương hiệu và giá trị gia tăng cao, cảnh quan môi trường sáng- xanh- sạch- đẹp.
Trải qua nhiều giai đoạn, con người trên mảnh đất Cam Lộ với tư cách là chủ thể sáng tạo đã vượt qua mọi thử thách gian nan để làm nên những kì tích hào hùng. Theo các chuyên gia và thực tế đã chứng minh, từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên tự nhiên, không phải đất đai mà con người với chất xám và khả năng sáng tạo của mình mới chính là thứ tài nguyên quý giá nhất. Tri thức là thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác thì càng sinh sôi, nảy nở. Chính vì thế trong chiến lược phát triển, huyện Cam Lộ tập trung trọng tâm phát triển yếu tố con người và khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức. Để phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh lựa chọn hướng đi và cách làm phù hợp cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực, đồng bộ, đổi mới sáng tạo trong thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng thế hệ mới năng động, có ý chí, tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chìa khóa của sự thành công nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tự nhiên sẵn có, các lợi thế, tiềm năng, các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, không gian liên kết vùng với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Kiến tạo thành trì thịnh vượng thường được bắt đầu từ những khó khăn, thử thách. Máy bay chỉ có thể cất cánh khi chống lại gió chứ không phải thuận theo chiều gió. Và hôm nay, với thời cơ, thách thức mới, Cam Lộ sẽ viết tiếp trang sử mới tràn đầy khát vọng. Một khát vọng lớn và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ, biến việc bình thường thành phi thường và biến những bất lợi thành lợi thế cạnh tranh với hướng đi khác biệt; vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nhân dịp này, thay mặt Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân, chiến sỹ các lực lượng vũ trang trong toàn huyện hãy tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 16 đã đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp trong huyện, con em Cam Lộ trên mọi miền đất nước và nước ngoài hãy chung sức, chung lòng vì sự phát triển đi lên của quê hương Cam Lộ thân yêu.
- Gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày lập lại huyện Cam Lộ (20/03/2022)
- Quỹ “Cùng em vượt lũ” tặng 23 xe đạp cho học sinh khó khăn ở Cam Lộ (20/03/2022)
- Ra mắt mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” (20/03/2022)
- Tổng Công ty KOTRA Việt –Hàn tìm hiểu khảo sát đầu tư tại Cam Lộ (20/03/2022)
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tại xã Cam Hiếu (20/03/2022)
- Tập huấn nghiệp vụ công tác mặt trận năm 2021 (20/03/2022)
- Ngày hội đại đoàn kết khu dân cư Mai Lộc 1 (20/03/2022)
- Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 (20/03/2022)
- Đại hội đại biểu Phật giáo huyện Cam Lộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 (20/03/2022)
- Cán bộ, nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng và chế biến quế tại Yên Bái (20/03/2022)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
-
Đang online 8
-
Hôm nay 3407
Tổng cộng 7.799.970