Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ

Chi tiết bài viết

Miếu An Mỹ di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu

Ngày đăng: 12-11-2016

TCCV Online - Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến nhất nước ta. Trong số hàng trăm di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng, miếu An Mỹ là di tích tiêu biểu, là nơi che chở, hội họp và đưa ra nhiều quyết định quan trọng chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Trị qua các thời kỳ.

Miếu An Mỹ (miếu Cồn Nậy) nằm ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Trước năm 1930, miếu Cồn Nậy vẫn chỉ là căn nhà nhỏ bằng tranh tre nứa lá đơn sơ nằm trên một gò đất nổi của thung lũng trọt tre (xóm Cồn Nậy) với diện tích khoảng 4.000 m2, có nhiều cây cổ thụ, đan xen với cây nhỏ thành từng lớp dày đặc, rậm rạp, ánh sáng mặt trời khó xuyên qua được. Ở đây có một số loại cây dược liệu quý hiếm để làm thuốc. Động vật sinh sống ở đây rất phong phú như công, chim, trút, kỳ đà, gà rừng, trăn, rắn độc, có lẫn beo, cọp về ẩn núp... 
Câu chuyện về sự hung dữ hoành hành của cọp, beo ở Cồn Nậy được người dân thêu dệt lưu truyền từ đời này qua đời khác tạo cho Cồn Nậy một vẻ hoang vu, huyền bí linh thiêng. Dân làng truyền nhau nếu ai đến đây làm ô uế, chặt phá cây cối, săn bắt động vật là đụng đến khí thiêng của Ngài và tức khắc Ngài khiến ma, quỷ trừng phạt, bắt bớ đau ốm, thậm chí bỏ mạng hoặc ngớ ngẩn không biết đường về nhà. Do đó dân làng không dám đến miếu để thờ cúng. Mỗi khi đau ốm, họ thường mời người cầm vía. Nếu vía chỉ về hướng miếu này thì họ làm lễ để khấn vong cầu xin Ngài lượng thứ. 
Trong làng duy chỉ có ông Hồ Tần, dân làng thường gọi là thầy Chọe - một thầy thuốc đông y nổi tiếng của Cam Lộ và cả tỉnh là không sợ. Ông Hồ Tần có tài bắt mạch, chẩn đoán và thuốc men chữa bệnh hiệu nghiệm. Ngược lại với sự sợ hãi của dân làng, ông coi Cồn Nậy là vườn dược liệu tự nhiên để ông làm nghề thầy thuốc của mình. Nhân truyền thuyết về miếu, ông thường dọa “Chọe” mọi người về sự linh thiêng của miếu. Do đó người dân làng gọi ông thầy thuốc Hồ Tần bằng cái tên gần gũi là thầy Chọe. Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống yêu nước, cha ông là cử nhân Hồ Trọng Bá, không làm quan, mở trường dạy học và tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp ở Quảng Trị. Hồ Tần sớm giác ngộ cách mạng, cùng với Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Lê Quang Soạn, Trần Văn Kỳ… trở thành lớp cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Cam Lộ khi được tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác- Lênin. 
Tháng 4/1930, một số chi bộ Đảng Cộng sản ở Cam Lộ được thành lập. Các đồng chí đảng viên cộng sản đầu tiên của Cam Lộ như Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần, Lê Quang Soạn, Hồ Lởm… đã lấy miếu Cồn Nậy (cách ngõ trước nhà đồng chí Hồ Tần 200 m) làm cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, tạo thành một đường dây liên hoàn với các cơ sở nhà đồng chí Lê Quang Soạn (An Thái), hiệu thuốc Đồng Nguyên (chợ Phiên), Tân Tường, An Hưng và nhà các đồng chí Hồ Chơn Nhơn, Hồ Xuân Lưu, Nguyễn Duệ, Nguyễn Cảnh (Nhật Lệ)… Năm 1933, đồng chí Lê Thế Tiết, Lê Thị Quế ra tù về xây dựng lại cơ sở cách mạng, nhưng do địch khủng bố gắt gao nên phạm vi hoạt động chỉ bám xung quanh khu vực Tân Tường, An Hưng, vùng Cùa… 
Đồng chí Hồ Tần hoạt động độc lập ở vùng Bắc sông Hiếu. Năm 1934 - 1935 một số đảng viên như các đồng chí Hồ Hữu Thâm, Hồ Xuân Lưu, Hồ Tần… mở tiệm buôn Đồng Nguyên ở chợ Phiên Cam Lộ làm cơ sở hoạt động kinh - tài, liên lạc nhằm khôi phục lại Huyện ủy Cam Lộ. Thông qua cơ sở buôn Đồng Nguyên bằng đường dây buôn bán hàng hóa, dược liệu với Lào để liên lạc với các cơ sở cách mạng ở Lào về đến nhà tù Lao Bảo, Tân Tường, An Hưng, chợ Phiên, An Mỹ, An Thái và sau đó là cơ sở nhà đồng chí Nguyễn Cảnh ở Nhật Lệ, Hồ Sĩ Khâm ở Nghệ An. Tháng 10/1936, đồng chí Lê Duẩn sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo đã về trực tiếp chỉ đạo phong trào ở quê nhà Quảng Trị. Đồng chí nhiều lần đến cơ sở nhà đồng chí Hồ Tần, Lê Quang Soạn và miếu An Mỹ để họp với các đồng chí cán bộ đảng viên chủ chốt, phổ biến các nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. 
Trong Cách mạng Tháng 8/1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ đã chọn miếu An Mỹ, nhà đồng chí Hồ Tần, Lê Quang Soạn làm các địa điểm họp bàn kế hoạch tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cam Lộ và đã quyết định ngày khởi nghĩa vào rạng sáng ngày 24/8/1945. 
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, miếu An Mỹ trở thành nơi hoạt động của quân dân du kích và cán bộ kháng chiến. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1954, miếu An Mỹ cũng là nơi tập trung nhân dân kéo đến huyện Cam Lộ biểu tình đòi Pháp phải đền tội sau vụ đàn áp của Pháp tại chợ Tam Hiệp tháng 9/1954. 
Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, vùng Cồn Nậy là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt, miếu An Mỹ hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Để ghi nhớ công ơn của những nhà yêu nước cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX cùng thế hệ những chiến sĩ cộng sản đầu tiên ở Cam Lộ và Quảng Trị, miếu An Mỹ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Quảng Trị. Chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, khai thác những giá trị di tích ấy theo chiều sâu của lịch sử cách mạng, văn hóa Quảng Trị nhằm giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

LIÊN KẾT WEBSITE
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 48

  • Hôm nay 10651

  • Tổng cộng 8.357.308

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CAM LỘ

Địa chỉ: RX5V+3C8, 2 tháng 4, TT. Cam Lộ, Cam Lộ, Quảng Trị, Việt Nam
Email: ubndcamlo@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0915.023.667    Fax: 0915.023.667
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ