Chi tiết bài viết - Huyện Cam Lộ
- '
- TRANG CHỦ
- Cơ cấu tổ chức
- UBND huyện Cam Lộ
- UBND Các Xã, Thị Trấn
- Các Phòng, Ban Chuyên Môn
- Văn phòng HĐND - UBND huyện
- Phòng VH-TT
- Phòng LĐTBXH
- Phòng NN&PTNT
- Phòng GD&ĐT
- Phòng TNMT
- PHÒNG Y TẾ
- Phòng Kinh tế - Hạ tầng
- Phòng Tư pháp
- Phòng Tài chính - Kế hoạch
- Phòng Nội Vụ
- Thanh Tra Huyện Cam Lộ
- Ban QLDA, PTQĐ&CCN
- Trung tâm QLC, MT&ĐT
- Trung tâm GDNN-GDTX
- GIỚI THIỆU
- Tin tức - Sự kiện
- Hệ thống văn bản
- Quy hoạch
- Người dân cần biết
- Liên hệ
- Văn học nghệ thuật
- Du lịch Cam Lộ
Cam Tuyền, những sắc màu mới
Ngày đăng: 21-01-2020
Những năm trước đây Cam Tuyền là một trong những địa phương có nhiều khó khăn của huyện Cam Lộ. Nhưng giờ đây, Cam Tuyền đã chuyển động với nhiều sắc màu mới, nhất là từ khi có chiếc cầu nối với bờ Nam, trung tâm huyện thì giao thông đi lại thuận lợi, trao đổi hàng hóa dễ dàng, cuộc sống người dân vì thế có nhiều khởi sắc.
Một góc thôn Tân Hiệp, xã Cam Tuyền hôm nay
Trước đây, có những năm Cam Tuyền xếp vào loại các xã khó khăn được hưởng chính sách đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ. Xã Cam Tuyền có bản Chùa, là nơi sinh sống của 92 hộ với 350 người dân tộc thiểu số Vân Kiều, trong đó có nhiều hộ nghèo. Cuộc sống của người dân Cam Tuyền nay đã đổi thay, không chỉ có cầu mà đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản làng cũng được bê tông hóa, hoặc thảm nhựa với chiều dài 36,5 km, không còn những con đường lầy lội ngay cả trong mùa mưa. Men theo những con đường được mở rộng, nâng cấp là những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, hàng quán bán nhiều loại hàng hóa, từ thực phẩm ăn uống, hoa quả, đến các loại vật liệu xây dựng mọc lên nhiều nơi, nhất là trên con đường đến thôn Ba Thung, cho thấy nhu cầu, sức mua của người dân đã tăng lên đáng kể.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Tuyền Nguyễn Anh Tuân cho rằng chuyển biến rõ nhất ở Cam Tuyền là về kinh tế, trong đó xã đã phát huy thế mạnh của kinh tế rừng. Với diện tích tự nhiên 10.000 ha, xã Cam Tuyền có tới 7.000 ha rừng, trong đó trừ diện tích rừng trồng của công ty lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân bên ngoài thì rừng trồng của người dân là 3.000 ha, 85% hộ gia đình có rừng, bình quân mỗi gia đình có 1,8 ha, hộ cao nhất có 20-30 ha. Người dân ở đây giàu lên nhờ rừng như gia đình ông Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Cử, thôn Ba Thung; Trần Văn Bình ở Tân Quang là những người có diện tích rừng lên tới hàng chục ha. Từ khi trồng cho đến lúc khai thác mất 4-5 năm nhưng mỗi ha rừng cũng mang lại cho người dân 70-80 triệu đồng, nếu có vài ba ha trở lên thì số tiền thu được là khá lớn. Trồng được nhiều như vậy là nhờ trước đây xã đã tích cực thực hiện các dự án PAM, dự án trồng rừng Việt- Đức, chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc…
Kinh tế rừng đã thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ở đây nhiều gia đình có nhu cầu thuê nhân công để làm các công việc liên quan đến rừng như đào hố, trồng cây, tỉa cành, khai thác… Bên cạnh rừng là những diện tích cao su trải rộng, bạt ngàn, phủ xanh nhiều vùng đồi núi, tạo nên cảnh quan rất đẹp ở một vùng trung du. Diện tích cây cao su toàn xã đã lên tới 512 ha, trong đó đưa vào khai thác 474 ha. Tuy giá cả có lúc xuống thấp nhưng nhiều người trồng cao su mỗi ngày cũng kiếm được từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy theo diện tích đưa vào khai thác.
Khác với ngày xưa chủ yếu trồng bắp, đậu do vùng đất này khô hạn, thiếu nước, ngày nay nhờ sự đầu tư của nhà nước, trên vùng đất Cam Tuyền đã có công trình thủy lợi quy mô khá lớn là hồ chứa nước Đá Mài-Tân Kim; bên cạnh đó là việc đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi Khe Đá (bản Chùa), Tân Kim 2… và hệ thống kênh mương nội đồng mang dòng nước mát đến với các làng quê. Diện tích lúa được tưới gần 180 ha, hoa màu 100 ha; nhiều diện tích lúa từ 1 vụ lên 2 vụ, tăng thêm năng suất và sản lượng.
Cam Tuyền cũng đã hình thành vùng chuyên canh cây trồng tập trung đó là vùng trồng cao su, vùng trồng thơm (dứa), vùng trồng cây chè vằng, vùng trồng đậu bắp, cây ăn trái; vùng trồng cỏ, nuôi bò nhốt ở thôn Bắc Bình với diện tích trồng cỏ 26 ha, đàn bò 1.800 con… Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Ngọc Hoài cho biết: Nhiều gia đình chuyển đổi mô hình kinh tế, trong đó ở thôn An Mỹ có tới 25 hộ làm nghề ươm giống cây lâm nghiệp, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động.
Không chỉ thôn An Mỹ mà trên phạm vi toàn xã cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, nhiều người đến Cam Tuyền không khỏi ngạc nhiên, khi ở vùng quê cách mạng ngày nào còn thiếu ăn, nhà nước phải dành sự quan tâm ưu ái với Chương trình 135, vậy mà nay không còn nhà ở tạm bợ, dột nát kể cả bản Chùa; thu nhập của người dân được nâng cao, đạt mức bình quân 34 triệu đồng/người năm 2019, cao hơn nhiều vùng quê khác và có tính bền vững khá cao khi phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Báo cáo về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở xã Cam Tuyền giai đoạn 2012-2018 cho biết: Xã đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệpthương mại-dịch vụ, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp. Ở một xã trung du, miền núi này cũng đã thấy có bóng dáng của ngành Công nghiệp khi trên địa bàn có 2 dự án đầu tư, đó là Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái và dự án Nhà máy Bia của Công ty cổ phần bia quốc tế TTC đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, với tổng vốn 516 tỉ đồng. Xã cũng đã quy hoạch cụm công nghiệp với quy mô 50 ha, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều người. Cam Tuyền không còn là vùng đất xa ngái mà trở thành đất lành cho nhiều người đến sinh sống, đầu tư.
Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Anh Tuân nhấn mạnh câu chuyện cách đây không lâu có nhiều thôn, bản trắng đảng viên, phải sinh hoạt ghép, rất khó cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Về vấn đề này đảng ủy nhiều lần họp bàn và ra nghị quyết về tăng cường phát triển đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đến nay các thôn, bản đều có chi bộ đảng. Bên cạnh đó trình độ cán bộ, đảng viên cũng được nâng lên, trong số 10 chi bộ nông thôn có 7 bí thư chi bộ có trình độ đại học. Trình độ văn hóa, học vấn của người dân cũng được nâng lên, hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cơ sở đạt 100%. Năm 2018 xã được huyện công nhận xã điển hình văn hóa. Cũng cần nói thêm là khi xây dựng huyện Cam Lộ trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thì một số người ái ngại cho Cam Tuyền, vì ở đây có bản người dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con vẫn còn thấp. Nhưng nhờ sự chung tay, nỗ lực của các ban, ngành, đơn vị, tập thể, cá nhân, đến nay xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Tuy đạt được nhiều tiến bộ, song xã Cam Tuyền vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đó là tỉ lệ hộ nghèo ở bản Chùa còn cao, tình hình an ninh trật tự vẫn xảy ra một số vụ việc, sản xuất nông nghiệp khó khăn do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp…Bởi thế trên con đường vươn lên trở thành xã nông thôn kiểu mẫu cần phải khắc phục khó khăn, tồn tại, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.
Tác giả bài viết: Hoàng Nam Bằng (Báo QT)
-
ĐINH NHƯ Ý
Quản trị mạng
0935 599 113
dinhnhuy@quangtri.gov.vn
-
Đang online 10
-
Hôm nay 5366
Tổng cộng 7.953.939