Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Chuyển biến tích cực xây dựng chính quyền điện tử ở huyện Cam Lộ

Nhằm tạo bước đột phá nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; cung cấp các dịch vụ công chất lượng tốt phục vụ người dân và doanh nghiệp, huyện Cam Lộ đã ban hành Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rộng rãi trong hoạt động cơ quan nhà nước cho phép người dân tương tác, tăng tính minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, góp phần làm giảm tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH, đảm bảo QP-AN của địa phương.

Triển khai phòng họp không giấy tại kỳ họp HĐND huyện Cam Lộ

Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Cam Lộ Nguyễn Diệu Hoàng cho biết, để xây dựng và vận hành hoạt động chính quyền điện tử huyện Cam Lộ, địa phương đã đầu tư: Phòng giám sát, điều hành tập trung tại UBND huyện; hệ thống phòng họp không giấy phục vụ cho các cuộc họp của Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; triển khai giải pháp nâng cao cải cách hành chính (CCHC) trên toàn huyện; tích hợp liên thông các cuộc truyền hình hội nghị từ tỉnh về huyện, về các điểm cầu tại các xã, thị trấn; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại trụ sở UBND huyện…

Thời gian qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở chú trọng công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch, cơ chế, chính sách của huyện để đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị; 100% đơn vị có mạng nội bộ LAN, tỉ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức toàn huyện đạt trên 100%; 100% đơn vị được kết nối internet băng thông rộng và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản công vụ; 100% văn bản chỉ đạo, điều hành được cập nhật lên phần mềm hệ thống gửi nhận văn bản và Cổng thông tin điện tử huyện.

“Đặc biệt, huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, duy trì, bảo dưỡng đối với hệ thống hội nghị trực tuyến từ trung ương đến cơ sở, phòng họp không giấy…

Thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử, chữ ký số và kế hoạch chuyển đối số, hóa đơn điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Đến nay, tại bộ phận một cửa huyện đã thực hiện đạt 87% tỉ lệ số hóa hồ sơ; tỉ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt trên 80% kế hoạch đề ra. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt 97,8%.

Các hạng mục của đề án xây dựng chính quyền điện tử huyện giai đoạn 2021 - 2025 được chỉ đạo triển khai theo đúng tiến độ; hoàn thành trung tâm điều hành thông minh (IOC); đầu tư hạ tầng CNTT kết nối họp trực tuyến từ trung ương đến cơ sở tạo điều kiện mở rộng đối tượng dự họp”, bà Nguyễn Diệu Hoàng thông tin.

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, huyện Cam Lộ đã xây dựng, chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO TCVN 9001: 2015 thay thế tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với thủ tục hành chính tại các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn. Duy trì và nâng cao các chỉ số liên quan đến công tác CCHC, gồm: chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI).

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ nhằm góp phần nâng cao kết quả xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trên địa bàn huyện năm 2022. Công khai, minh bạch, kịp thời những chế độ, chính sách của trung ương, địa phương hằng năm đến toàn thể Nhân dân.

Tiếp tục sắp xếp lại bộ máy chính quyền tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đổi mới công tác cán bộ, công tác đào tạo, sắp xếp theo vị trí việc làm gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bố trí và sử dụng cán bộ có hiệu quả…

Nét nổi bật xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ thời gian qua là đã tạo điều kiện tăng cường tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thông qua ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Qua thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, các hệ thống phần mềm được triển khai và khai thác hiệu quả như: hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công được triển khai đến tất cả các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn, đảm bảo kết nối đồng bộ, liên thông.

100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn (trừ văn bản mật) với UBND huyện, giữa UBND huyện với các sở, ban, ngành cấp tỉnh dưới dạng điện tử. Triển khai hiệu quả hệ thống truyền hình hội nghị, đảm bảo kết nối từ trung ương đến cơ sở.

Thời gian tới, huyện Cam Lộ tiếp tục thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch chuyển đổi số huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; phát triển chính quyền số, tăng cường chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa các cấp, phấn đấu tỉ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đúng hạn và trước hạn đạt 100%. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, 4. Nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về dịch vụ công cấp huyện, cấp xã lên mức cao; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt nhóm đầu toàn tỉnh.

Thanh Hải

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 2799

Tổng lượt truy cập: 5.858.007