Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Triển vọng mô hình nuôi ốc bươu đen

Nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn tiếp cận đối tượng nuôi mới, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, anh Trần Công Hiếu ở tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ đã tiên phong đưa vào nuôi thành công giống ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi) thương phẩm và tự nhân giống trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Anh Trần Công Hiếu giới thiệu về mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm của mình

Trao đổi về cơ duyên đến với nghề nuôi ốc bươu đen, anh Hiếu cho biết, trong thời gian làm việc cho một công ty xây dựng tại Lào, anh thấy người dân ở đây thường thu gom ốc bán qua Việt Nam với giá khá cao, lên đến 100.000 đồng/kg.
Vốn là con nhà nông nên từ đây anh nhen nhóm ý tưởng nuôi ốc bươu đen bởi đây là đối tượng nuôi có tiềm năng, hiệu quả kinh tế nhưng trên địa bàn tỉnh hiện chưa có. “Thời điểm năm 2020, mô hình nuôi ốc bươu đen ở các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam bắt đầu nổi lên khá rầm rộ.
Trong khi thị trường tiêu thụ ốc bươu đen ở Quảng Trị mặc dù rất tiềm năng nhưng hầu như chưa có ai nuôi với quy mô lớn. Do vậy, tôi quyết định xin nghỉ việc ở công ty xây dựng để khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc”, anh Hiếu chia sẻ.
            Để có kiến thức về con giống, cách chăm sóc… ngoài tìm tòi, học hỏi qua internet, anh Hiếu còn tìm đến các mô hình đã thành công ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam để học tập kinh nghiệm. Khi có chút ít kiến thức, đầu năm 2021, anh quyết định cải tạo mảnh đất vườn rộng gần 2.000 m2 , đầu tư hàng chục triệu đồng đào ao, xây dựng cơ sở vật chất và xuống giống 2 vạn con ốc đen.
            Tuy nhiên, bước đầu khởi nghiệp lại không dễ dàng như anh nghĩ, gần như toàn bộ số ốc giống thả nuôi đợt đầu bị chết, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không nản chí, vừa rút kinh nghiệm anh Hiếu vừa đến Trạm Khuyến nông huyện để được hướng dẫn thêm về kỹ thuật. Đồng thời cải tạo lại ao nuôi kỹ càng và tiếp tục thả nuôi 8 vạn con ốc giống.
            Đến đầu năm 2022, lứa ốc này bắt đầu đẻ trứng. Anh Hiếu tiếp tục lấy trứng ốc đem ấp để tạo nguồn ốc giống. Ốc trưởng thành từ những đợt trứng đầu tiên được anh giữ lại nuôi để sinh sản. Đến nay anh đã có khoảng 1 vạn con ốc bố mẹ. Bình quân một cặp ốc bố mẹ có thể nở ra từ 80 - 150 con ốc giống, bán giá từ 300 - 350 đồng/con. Riêng ốc thương phẩm nuôi từ 4 - 5 tháng, đạt kích cỡ từ 40 - 45 con/kg sẽ xuất bán với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg.
            Theo kinh nghiệm của anh Hiếu, để ốc phát triển tốt thì yêu cầu đầu tiên là nguồn nước phải đảm bảo, diệt hết cá tạp trong ao nuôi. Giữ ổn định mực nước trong ao nuôi từ 0,8 - 1,2 m. Định kỳ bổ sung khoáng chất, vitamin C, vôi dolomite để tăng cường sức khỏe cho ốc.
            Vào mùa nắng nóng nhiệt độ tăng cao, cần thả thêm bèo hoa dâu, trồng thêm hoa súng trong ao để vừa làm thức ăn, vừa che mát. Đồng thời trên mặt ao cần che thêm bằng lưới đen để tránh nắng nóng và giảm thiệt hại do mưa vì trong nước mưa thường mang theo một lượng axit làm pH nước ao giảm gây chết ốc.
            Thức ăn cho ốc bươu đen khá đơn giản, chi phí thấp, chủ yếu là các loại lá, rau củ, quả như lá chuối, lá sắn, mướp, bầu, bí, đu đủ, mít… Riêng đối với các loại củ, quả, để tránh thức ăn chìm xuống nước phân hủy, anh Hiếu thường thái lát mỏng để thức ăn nổi trên mặt nước cho ốc bám vào ăn.
            Hằng ngày, kiểm tra lượng thức ăn, tránh để dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước hoặc thiếu hụt làm ốc chậm lớn. Đồng thời, sàng lọc ốc có kích cỡ khác nhau cho vào các ao nuôi, sao cho ốc trong ao luôn đồng đều kích cỡ để tiện cho việc chăm sóc, quản lý.
Mật độ nuôi trung bình từ 500 - 1.000 con/m- đối với ốc nhỏ, sau đó san thưa dần khi ốc lớn. Sau 4 - 5 tháng nuôi, khi ốc đạt kích cỡ 40 - 45 con/kg thì bắt đầu thu hoạch.
            Riêng đối với nuôi ốc sinh sản, ốc bố mẹ sau 7 - 8 tháng nuôi sẽ bắt đầu đẻ trứng. Để tỉ lệ ốc nở đạt cao, sau khi ốc mẹ lên đẻ trứng ngoài bờ ao khoảng 4 - 5 tiếng, các ổ trứng được anh Hiếu thu gom xếp vào vỉ nhựa và đưa vào trong thùng xốp để ấp.
            Bên trên các thùng xốp được phủ vải ướt để tạo độ ẩm thích hợp. Trứng ốc màu trắng tinh sẽ dần chuyển sang trắng đục, rồi xám đen, thời gian từ lúc ấp trứng đến khi nở khoảng 15 - 20 ngày.
            Ốc con sau khi nở tiếp tục được ương dưỡng trong thùng xốp khoảng 1 tuần mới đưa ra nuôi thương phẩm hoặc xuất bán giống cho người có nhu cầu. Với phương pháp ấp trứng như trên, anh Hiếu đạt được tỉ lệ ốc nở sống cao từ 80 - 90%.
            Theo anh Hiếu, hiện tại ốc bươu đen cung không đủ cầu bởi thị trường khan hiếm. Trung bình một tháng anh xuất bán khoảng 50 kg ốc thương phẩm và hơn 5 vạn ốc giống, mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
            Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Hiếu cho biết, cùng với nuôi ốc thương phẩm anh sẽ tiếp tục nhân giống đàn ốc bố mẹ lên khoảng 5 vạn con nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi ốc bươu đen ngày càng tăng.
            Tăng cường quảng bá mô hình nuôi ốc bươu đen thông qua fanpage: Ốc bươu đen Nhật Lệ. Tiến hành xây dựng bể nuôi kiên cố vượt lũ để nuôi ốc qua mùa đông. Đồng thời, nghiên cứu nuôi ốc thương phẩm bằng mô hình nuôi trên ao bạt chống thấm.
            Anh Hiếu phân tích, cùng một diện tích mặt nước nhưng với ao bạt, người nuôi có thể kiểm soát chất lượng nước đầu vào cũng như xử lý chất thải của ốc, hạn chế dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, số lượng ốc trên cùng một đơn vị ao nuôi cũng tăng lên rất lớn, mật độ có thể đạt gấp đôi so với ao bùn tự nhiên.
            Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ Dương Hồng Phong, khác với ốc bươu vàng là loài ngoại lai phá hoại mùa màng, ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi là loài có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như dinh dưỡng, thường sinh sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng.
            Tuy nhiên, do tình trạng ruộng đồng ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật cũng như sự xâm lấn của ốc bươu vàng, các loài thiên địch, ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm.
            Do vậy, thành công từ mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm và sản xuất ốc giống của anh Hiếu đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện trong việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi. Trên cơ sở này, Trạm Khuyến nông đang đề xuất UBND huyện tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình nhằm phát triển kinh tế cũng như tận dụng lợi thế ao, hồ tại địa phương.

 
 

Tác giả bài viết: Lê An

Bài viết liên quan

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 3268

Tổng lượt truy cập: 5.791.019