Chi tiết - Huyện Cam Lộ

Diên cách địa lý hành chính Cam Lộ qua các thời kỳ lịch sử

Cam Lộ là một huyện nằm tiếp giáp giữa đồng bằng và trung du của tỉnh Quảng Trị, ở vị trí 16o41 đến 16o53 vĩ Bắc và 106o50 đến 107o06 kinh Đông; có tổng diện tích đất tự nhiên là 367,4 km2, chiếm 8% diện tích tỉnh Quảng Trị; phía bắc giáp huyện Gio Linh; phía Nam giáp huyện Triệu Phong; phía Đông giáp thành phố Đông Hà; phía Tây giáp huyện Đakrông.

Cam Lộ 甘露, tên chữ Hán tạm diễn nghĩa là điềm tốt có được nhờ ơn mưa móc làm cho thái bình, thịnh trị (Cam 甘: ngọt, ngon; Lộ 露: giọt sương, mưa móc, nghĩa là móc ngọt/giọt sương ngọt. Người xưa nói: Thiên hạ thái bình thì trời xuống nước cưỡi ngọt, chính là điềm tốt)(1). Cam Lộ là tên được lấy từ địa danh của một làng được hình thành từ rất sớm (nửa cuối thế kỷ XV) bên bờ Bắc sông Hiếu: làng Cam Lộ. Làng Cam Lộ nguyên có tên là Chính Lộ 正路 (con đường chính/đường cái). Thời chúa Nguyễn đổi thành Cam Lộ và phân thành hai làng: Cam Lộ Hạ (làng gốc, nay thuộc xã Cam Thanh) và Cam Lộ Thượng (hình thành từ sự di cư lên vùng tả ngạn sông Hiếu từ thế kỷ XVII, nay thuộc xã Cam Thành).
Cam Lộ cũng là tên được lấy từ tên gọi của con sông chính chảy qua địa bàn ra đời trước khi có tên Hiếu Giang/sông Hiếu. Sông Cam Lộ/Hiếu Giang vốn được các nhà địa chí xưa gọi là nguồn Cảo Cảo. Nguồn Cảo Cảo và nguồn Viên Kiều (thượng nguồn Thạch Hãn) là vùng đất cư trú của các tộc người thiểu số thuộc hai đơn vị hành chính là châu Thuận Bình (sau đổi là Tĩnh An) và Sa Bôi được đặt từ thời Lê. Các nhà địa chí thời Nguyễn có khi lại gọi vùng này là nguồn Cam Lộ(2). Thời điểm xuất hiện chữ Cam Lộ rất khó phân định, nhưng tên sông Cam Lộ có lẽ phải xuất hiện sau khi có tên làng Cam Lộ (từ Chính Lộ chuyển thành Cam Lộ thời chúa Nguyễn) vì sông chảy qua làng Cam Lộ nên mang tên ấy.
Tên Cam Lộ đầu tiên chính thức trở thành một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh từ thời Gia Long; nhưng vùng đất này đã có quá trình sinh thành và phát triển từ rất lâu đời.
Dấu vết xưa nhất về sự tụ cư của con người được các nhà khảo cổ phát hiện trên địa bàn Cam Lộ là những công cụ thuộc văn hóa Sơn Vi ở Cùa, Carol (Cam Chính, Cam Nghĩa) thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ (cách ngày nay khoảng 2 đến 3 vạn năm) và các hiện vật văn hóa Hòa Bình trong khu vực các lèn đá vôi Tân Lâm (Cam Thành) thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá mới (cách đây một vạn rưỡi đến khoảng 7 - 8 ngàn năm). Sang giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí và thời kỳ đồ đồng (cách ngày nay từ khoảng 5 ngàn đến 2 ngàn năm), khi vùng cư trú của người tiền sơ sử ven sông Hiếu đã tỏa rộng khắp cả địa hình vùng rừng núi và tiến về chiếm lĩnh vùng đồng bằng, vùng đất Cam Lộ ngày nay trở thành khu vực trung chuyển trong mối quan hệ gắn bó giữa các nhóm cư dân vùng núi và vùng đồng bằng ven biển, giữa miền Trung Việt Nam với khu vực Ðông Nam Á lục địa, giữa vùng sâu nội địa với dải đất ven biển phía Đông. “Lối mòn đường 9” - đường thượng đạo xuyên sơn xưa, đã trở thành CON ĐƯỜNG CÔNG CỤ và là huyết mạch chủ yếu từ rừng xuống biển và từ không gian văn hoá vùng sông Hiếu lan toả ra bên ngoài đến các nơi trên toàn khu vực Đông Nam Á.
Vùng đất Cam Lộ ngày nay thuộc một phần của quốc gia Lâm Ấp/Hoàn Vương/Chămpa nằm trong xứ Uly mà sử Đại Việt gọi bằng châu Ô, châu Lý với đường biên mới chỉ đến núi Đâu Mâu (Đầu Mầu); còn từ đó trở lên phía Tây là vùng tụ cư/không gian văn hóa của các nhóm tộc bản địa thuộc ngữ hệ Môn - Khơme. Lãnh địa châu Ô thời Chămpa về phía Bắc lấy Hói Tre/Trúc Khê (nay thuộc xã Gio Quang) làm đường biên(3) (cách sông Hiếu gần 5 km về phía Bắc chứ không phải chỉ đến vùng Nam sông Hiếu), tiếp giáp với châu Ma Linh.
Từ năm 1306, dưới thời nhà Trần, sau cuộc tình duyên lịch sử giữa công chúa Ðại Việt là Huyền Trân và quốc vương Chăm là Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) với món quà sính lễ 2 châu Ô, Lý, phần đất châu Ô của Chămpa thuộc về Đại Việt và được đổi thành châu Thuận (1307), vùng đất dọc theo hai bờ Nam, Bắc sông Hiếu thuộc Cam Lộ nay là một phần của châu Thuận.
Cuối thời Trần, suốt thời Hồ, thời thuộc Minh và đến đầu thời Lê, vùng đất Cam Lộ ngày nay thuộc phần lớn đất đai huyện Lợi Điều - một trong 4 huyện của châu Thuận (Lợi Ðiều, Thạch Lan, Ba Lãng và An Nhân)(4) và một phần phía Tây thuộc huyện Thạch Lan (từ Đầu Mầu trở lên), trấn Thuận Hóa (phủ Thuận Hóa thời thuộc Minh, lộ Thuận Hoá thời Lê sơ). Địa giới hành chính huyện Lợi Điều cũng như các huyện thuộc châu Thuận từ đầu thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV về sau thay đổi hoàn toàn nên rất khó xác định, nhưng có thể thấy huyện này về phía Tây tiếp giáp với huyện Thạch Lan (nay là huyện Hướng Hóa và một phần Tây bắc của huyện Đakrông); về phía Bắc và phía Đông tiếp giáp với huyện Dạ Độ (thuộc châu Minh Linh, bao gồm vùng đông huyện Gio Linh và đông huyện Triệu Phong nay); về phía nam và tây nam là huyện Ba Lãng (nay là một phần đông nam của huyện Đakrông và một phần tây bắc của huyện Triệu Phong)(5). Các làng Việt và cư dân Việt vào thời điểm này còn rất thưa thớt. Phải đến sau cuộc đại di dân vào khai phá vùng Thuận - Quảng dưới thời Lê Thánh Tông (nửa cuối thế kỷ XV), các làng xã của người Việt mới đồng loạt hình thành trên vùng đất hai bên bờ sông Hiếu về phía hạ nguồn.
Dưới thời Lê, từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, châu Thuận cải đặt thành hai huyện: Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ Xương (8 tổng, 53 xã) cùng với 2 châu: Sa Bôi (10 tổng, 68 xã) và Thuận Bình (6 tổng, 26 xã) ở miền tây, thuộc phủ Triệu Phong nằm trong thừa tuyên Thuận Hóa(6). Vùng đất Cam Lộ ngày nay vào thời Lê - Mạc (thế kỷ XV - nữa đầu thế kỷ XVI) thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Sách “Ô châu cận lục” (1555) cho biết huyện Vũ Xương có 59 xã, trong đó có 23 xã/làng nằm trong địa giới hành chính huyện Cam Lộ hiện tại (vốn là một phần của huyện Lợi Điều cổ) là: Lâm Lang, Bích Đàm (Bích Giang), Trương Xá, Chính Đường (Cam Vũ), Chính Lộ (Cam Lộ), Thượng Nguyên, Kim Đâu(7). Địa giới hành chính huyện Vũ Xương thời Lê - Mạc bao gồm toàn bộ thành phố Đông Hà; phần lớn huyện Cam Lộ; một phần của huyện Triệu Phong nằm ở tả ngạn (phía trên) và hữu ngạn (phía dưới) sông Thạch Hãn; một phần của huyện Hải Lăng và một phần của huyện Gio Linh ngày nay. Ranh giới phía Tây bắc huyện Vũ Xương cũng chính là ranh giới châu Ô/châu Thuận tiếp giáp với châu Minh Linh kéo đến Hói Tre/Trúc Khê (gồm các làng Kỳ Trúc, Trúc Giang (Trúc Khê), Trúc Kinh xã Gio Quang nay); về phía Tây, các nhóm cư dân Việt chỉ mới định cư đến Thượng Nguyên (thuộc xã Cam Thành nay). Từ đó trở lên, về cơ bản vẫn là không gian của đồng bào các tộc người thiểu số thuộc hai châu Sa Bôi và Thuận Bình. Các đơn vị hành chính cấp tổng chưa thể tra cứu được.
Dưới thời chúa Nguyễn, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho dời lỵ sở vào Phú Xuân (1626) thì vùng đất Quảng Trị được gọi là Cựu Dinh của xứ Thuận Hóa - 1 trong 12 dinh của Ðàng Trong. Từ năm 1765, vì kiêng thuỵ hiệu Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát nên huyện Vũ Xương được đổi là huyện Ðăng Xương. Vùng đất huyện Cam Lộ ngày nay nằm trong huyện Ðăng Xương, phủ Triệu Phong. Sách “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn cho biết huyện Đăng Xương có 5 tổng: An Phúc (15 xã, 1 phường), An Lưu (22 xã, 2 phường, 2 giáp), An Cư (26 xã), An Ðôn (22 xã, 8 phường, 5 giáp), An Lạc (22 xã, 18 phường)(8). Theo danh sách này thì thuộc địa bàn Cam Lộ hiện nay có tổng An Lạc với các xã/làng gồm: Phả Lại, Kim Đâu, Cam Lộ, Cam Đường, Đình Tổ, Bích Giang, Định Xá, An Bình, Phú Ngạn, Trúc Khê, Trúc Kinh, Thượng Độ, Hạ Độ, Nhật Lệ, Thuận Đức, Trương Xá, Lâm Lang, Phi Hưu, An Thịnh, Bào Đá, Trung Hác, Phả Lại, An Xuân, Phúc An, Khang Mỹ, An Bình, Khang Thái, Tân An, Ba Xuân, Cây Lúa, Bái Sơn, Cam Lộ, Thiện Xuân, Bố Chính, Quất Xá, Án Cát(9). Như vậy, so với con số ít ỏi 7 đơn vị hành chính xã/làng đã hình thành sớm từ thế kỷ XV thì giai đoạn này, vùng cư trú của người Việt đã mở rộng dần lên phía Tây và đã hình thành thêm gần 30 làng xã mới. Đặc biệt, toàn bộ vùng đồi đất đỏ ba zan của Cùa và khu vực Đầu Mầu đã được người Việt tiến hành khai thác.
Năm 1801, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, Gia Long cho lấy hai huyện Hải Lăng, Ðăng Xương (phủ Triệu Phong) và huyện Minh Linh (phủ Quảng Bình) để lập ra dinh Quảng Trị. Riêng phía Tây lại đặt đạo Cam Lộ(10); thành đạo Cam Lộ lúc đó đóng ở làng Nghĩa An(11) (phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà nay). Mọi việc cống Man, thuế Man đều thuộc dinh Quảng Trị. Lần đầu tiên, tên Cam Lộ xuất hiện với vai trò của một đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh nằm trong phủ Triệu Phong.
Địa giới hành chính của đạo Cam Lộ là toàn bộ vùng phía Tây của dinh Quảng Trị, thuộc vùng cư trú của các dân tộc thiểu số. Vùng này nguyên là đất Ai Lao, từ đời Lê về trước gọi là nguồn Cam Lộ, có 2 châu là Sa Bôi (11 trang, 60 sách) và Thuận Bình/Tỉnh Yên (19 sách, 10 động) gọi là cống Man, các bộ lạc thì gọi châu hoặc tổng, châu thì có sách Man, tổng thì có sách Nguồn. Khi Gia Long đặt đạo Cam Lộ, đặt một quản đạo và một hiệp thủ, thuộc viên thì đặt một cai hợp, một thủ hợp và 12 lệnh sử; người làm việc ở châu thì gọi là châu quan, làm việc ở tổng thì gọi là tổng quan; dân thì chia thành cống Man và thuế Man. Theo danh hiệu khảo được từ “Đại Nam Nhất thống chí” thì châu Sa Bôi có 2 mường là: Na Bôn (T’chepone) và Thượng Kế (Mường Nòng); châu Tĩnh Yên (tên cũ là Thuận Bình) có 3 mường là: Tá Bang (Pha Bang), Xương Thịnh (Xiêng Hem) và Tầm Bồn (Mường Phong). Ngoài ra có 8 sách là: Ba Lan (Pha Lan), Mường Bổng (Nam Nan), Làng Thìn (Mường Phìn), Làng Tổng, Làng Liên, Làng Tán, Lá Mít, A Di và 4 nguồn là: Viên Kiệu, Tầm Linh, Ô Giang, Cổ Lâm; 6 tộc là: Làng Hạ, Tầm La, Làng Khống, Kỳ Tháp, Hương Bạn, Làng Lục. Trên cơ sở này, đến năm 1822, nhân việc vùng đất Trấn Ninh xin sát nhập vào lãnh thổ nước ta, Minh Mệnh mới lấy 4 sách Viên Kiệu, Tầm Linh, Làng Tổng và Làng Liên đặt làm châu Hướng Hóa (tức là vùng đất Hướng Hóa, Đakrông ngày nay), lệ vào đạo Cam Lộ; đến năm 1827, khi sa trưởng (tù trưởng, già làng) các châu dâng sổ đinh điền và xin cho đứng vào hàng châu huyện mới đem 1 đạo Mường Vang, 7 châu: Sa Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mường Bổng và 1 sách Làng Thìn, cả thảy 9 cống man, đổi làm 9 châu (tức cửu châu kymi - vùng đất hoàn toàn nằm trên đất Lào hiện nay), còn 4 nguồn, 5 sách và 6 tộc thuế man thì đổi làm 15 tổng, đều thuộc châu Hướng Hóa; các đầu mục tổng trưởng đều trao cho chức cai tổng; 15 tổng sau hợp lại làm 9 tổng thuộc Đạo Cam Lộ. Sản vật cống và thuế do đạo Cam Lộ thu nộp(12).
Như vậy, đạo Cam Lộ tuy là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh nhưng do dinh Quảng Trị quản thuộc. Địa giới của đạo là toàn bộ 2 châu Sa Bôi và Thuận Bình (có thể thuộc dinh Ai Lao và một phần của Trấn Ninh trước đó). Các đơn vị hành chính vùng Cam Lộ hiện nay, không thuộc đạo Cam Lộ mà vẫn thuộc huyện Đăng Xương của phủ Triệu Phong. Có điều là không hiểu sao tài liệu “Cam Lộ phủ chí” lại chép là “Nguyên đạo Cam Lộ đặt lại làng Nghĩa An”, một xã/làng thuộc tổng An Lạc của huyện Đăng Xương. Vấn đề này còn tồn nghi. 
Đơn vị hành chính đạo Cam Lộ chỉ tồn tại 30 năm. Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đạo Cam Lộ đổi làm phủ Cam Lộ, đặt một Tri phủ kiêm lý châu Hướng Hóa và thống hạt 9 châu. Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), đổi châu Hướng Hóa làm huyện Hướng Hóa(13). Phủ Cam Lộ (cùng với phủ Triệu Phong thuộc tỉnh Quảng Trị) có 1 huyện là Hướng Hóa và 9 châu (cửu châu kymi) là: Mường Vang - Na Bôn/Bí - Thượng Kế (3 châu này nguyên là đất châu Sa Bôi cũ) - Tầm Bồn - Mường Bổng - Ba Lan - Tá Bang - Xương Thạnh - Làng Thìn (6 châu này nguyên là đất châu Thuận Bình cũ). Các đơn vị hành chính thuộc huyện Cam Lộ sau này không nằm trong phủ Cam Lộ.
Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), trích lấy đất 2 huyện Minh Linh và Đăng Xương đặt thành huyện Ðịa Linh (lãnh 4 tổng, 112 xã, thôn, phường, giáp), huyện lỵ đóng ở làng Kim Ðâu 14 (xã Cam An ngày nay); giao cho phủ Triệu Phong kiêm lý Ðăng Xương, thống hạt 3 huyện Ðịa Linh, Minh Linh, Hải Lăng. Số lượng tổng, xã, thôn, phường đã trích từ huyện Đăng Xương thời gian này đến nay chưa khảo cứu cụ thể được. Tuy nhiên, việc cho đặt huyện lỵ ở làng Kim Ðâu - một xã thuộc tổng An Lạc huyện Đăng Xương cho chúng ta phỏng đoán rằng toàn bộ các xã/làng của tổng An Lạc (22 xã, 18 phường như chép trong “Phủ biên tạp lục”), huyện Vũ Xương trước đó, tức là bao gồm toàn bộ vùng đất huyện Cam Lộ hiện nay (trừ vùng phía Tây) đã được Minh Mệnh cắt sang để lệ vào huyện Địa Linh. Như vậy, vùng đất Cam Lộ hiện thời vào thời điểm bấy giờ thuộc huyện Địa Linh.
Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi tên huyện Hướng Hóa thành huyện Thành Hóa. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) trích lấy đất 3 huyện Địa Linh, Đăng Xương và Hải Lăng gồm 32 xã, thôn đặt một tổng Cam Đường bổ vào huyện hạt. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) bỏ phủ Cam Lộ, đặt tri huyện Thành Hóa, lãnh 10 tổng, 99 xã, thôn, phường, ấp”(15). Trung tâm huyện lỵ Thành Hoá đặt tại thành Vĩnh Ninh (nay thuộc xã Cam Thành). 32 xã, thôn của tổng Cam Đường được trích từ 3 huyện Địa Linh, Đăng Xương và Hải Lăng chưa khảo cứu được cụ thể, nhưng theo danh sách các xã/thôn của tổng Cam Đường được chép trong “Đồng Khánh địa dư chí” (1886 - 1888) thì tổng này có 26 xã, thôn, phường, giáp gồm: xã Cam Ðường, xã Cam Lộ, xã Lâm Lang, xã Bích Giang, xã Phú Ngạn, xã Trương Xá, xã Ðịnh Xá, xã An Bình, xã Nhật Lệ, xã Mộc Ðức, thôn Phúc Xá, phường An Mỹ, phường An Thái, phường Ba Xuân, phường Thiện Chính, phường Tân An, phường Thọ Xuân, phường Phan Xá, phường Cao Hy, giáp Hiếu Ðức, phường Tân Ðịnh. Bên cạnh đó, còn có các phường, giáp do nha Khâm phái mới lập: phường Tân Mỹ, phường Tân Hoà, phường Tân Hưng, phường Tân Thành, phường Tân Trúc(16). Rõ ràng huyện Thành Hóa lúc này là phần đất của huyện Hướng Hóa trước đó (gồm 9 tổng thuộc đạo Cam Lộ cũ) cộng thêm 32 xã, thôn của tổng Cam Đường thành 10 tổng, 99 xã, thôn, phường, ấp; trong đó có phần lớn các xã, thôn của huyện Cam Lộ sau này. 
Năm Tự Đức thứ 6 (1852), bỏ tỉnh Quảng Trị lập thành đạo Quảng Trị, bổ chức Quản đạo đặt thuộc phủ Thừa Thiên. Theo đó, các phủ Triệu Phong, Cam Lộ đều bỏ; huyện Ðịa Linh cũng bỏ và giao cho huyện Minh Linh kiêm nhiếp; các huyện Hải Lăng, Ðăng Xương, Minh Linh, Thành Hóa và Cửu Châu do đạo quản lý(17).
Năm Tự Đức thứ 20 (1867), Nguyễn Văn Tường làm Khâm sai kinh ký vùng Cam Lộ, thấy địa thế vùng này hiểm yếu, có đường thông với Lào, thường là cửa ngõ cho những bọn giặc cướp từ phía Tây vào nên đề nghị lập Nha kinh lý đóng tại xứ Động Mão, được vua y cho. Năm Tự Ðức thứ 29 (1876), lại đổi đạo Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị và đặt lại hai phủ: Triệu Phong kiêm lý huyện Ðăng Xương và Cam Lộ kiêm lý huyện Thành Hoá như trước. Kế theo, lại đặt lại huyện Hướng Hóa; huyện nha đóng tại xã Húc Thượng, tổng Viên Kiều, sau dời đến Mai Lĩnh rồi lại bỏ. Cũng trong năm đó, nha Kinh lý phủ Cam Lộ cải thành nha Sơn Phòng, quản hạt phủ Cam Lộ và huyện Thành Hóa; đặt chức chánh phó Sơn phòng sứ. Viên dịch và cơ binh Định man gồm 10 đội, 465 người trông coi việc phòng thủ miền biên cảnh. Nha sở đóng ngay trong thành Tân Sở. Sau khi thành Tân Sở bị Pháp san bằng thì tạm dời về phủ lỵ Cam Lộ, đến năm Thành Thái thứ 11 thì bãi bỏ nha Sơn Phòng(18).
Dưới thời Đồng Khánh (1886 - 1888), vì kỵ húy tên mình nên đổi tên tổng Cam Đường thuộc huyện Thành Hóa thành tổng Cam Vũ. Lúc này, đạo Quảng Trị có 5 huyện: Ðăng Xương (5 tổng), Hải Lăng (4 tổng), Minh Linh (4 tổng), Gio Linh (2 tổng) và Thành Hóa (13 tổng). Huyện Thành Hóa thuộc phủ Cam Lộ dưới thời Đồng Khánh gồm 4 tổng người Kinh là: Cam Lộ (26 xã, thôn, phường, giáp), An Lạc (26 xã, thôn, phường), Bái Ân (22 phường), Mai Lộc (21 thôn, phường) và 9 tổng người thiểu số là: Viên Kiều (11 xã, ấp), Làng Thuận (10 xã, ấp), Làng Sen (9 xã, ấp), Tầm Linh (6 xã, ấp), A Nhi (8 ấp), Làng Hạ (9 ấp), Tam Thanh (5 xã, ấp), La Miệt (5 xã, ấp), Ô Giang (4 ấp)(19). Địa bàn của 4 tổng: Cam Lộ, An Lạc, Bái Ân và Mai Lộc về cơ bản là địa giới hành chính của huyện Cam Lộ hiện nay.
Năm Duy Tân thứ 2 (1908), bỏ huyện Thành Hóa và phủ Cam Lộ, tách 3 tổng người Kinh của phủ Cam Lộ cũ đặt thành huyện Cam Lộ; bỏ bớt các châu người thiểu số đặt thành các tổng, thôn (9 tổng) và đặt lại huyện Hướng Hóa(20). Theo thống kê năm 1914, toàn tỉnh Quảng Trị có 2 phủ (Vĩnh Linh, Triệu Phong), 4 huyện (Hải lăng, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa), 33 tổng và 570 xã, thôn, phường, vạn (gọi chung là làng); trong đó huyện Cam Lộ có 3 tổng, 84 làng:
- Tổng Cam Vũ có 26 thôn: Cam Lộ, Cam Vũ, An Bình, Lâm Lang, Định Xá, Nhật Lệ, Phú Ngạn, Bích Giang, Ba Thung, Trương Xá, Mộc Đức, An Mỹ, An Thái, Phan Xá, An Hưng, Tân Đình, Tân Mỹ, Mỹ Hy, An Hòa, Phước Xá, Tân Định, Tân Độ, Thọ Xuân, Thiện Chánh, Hoa Thanh, Tân Trúc.
- Tổng An Lạc có 25 xã, thôn, phường: Nghĩa An, Thượng Nghĩa, Tây Trì, Trúc Khê, An Xuân, Đông Lai, An Lạc, Đình Tổ, Kim Đâu, Đông Hà, Thượng Độ, Phú Hậu, Phổ Lại, Thiết Trường, Thanh Lương, Cẩm Thạch, Tập Phước, Trúc Kinh, Đại Độ, Mỹ Hòa, Trúc Sơn, Phổ Lại phường, Phi Thừa, Hoàn Thịnh, Tuy An.
- Tổng Mai Lộc có 33 xã, thôn, phường: Mai Lộc, Bảng Sơn, Quật Xá, Mai Đàn, Phương An, Đốc Kỉnh, Miễn Hoàn, Đình Lập, Thiết Trường, Hà Xá, Trung Chỉ, Hưng Cát, Hưng Bang, Hưng Sơn, Hưng Nghĩa, Phong Ngao, Lộc An, Cam Lộ phường, Sơn Nam, Minh Hương, Phước Tuyền, Kim Bình, Lang Phước, Tân Tường, Sơn Lâm, Thiện Xuân, Cu Hoan, An Thái Thượng, Phú Thạnh, Quật Xá Thượng, Trung Thanh, Mai Lĩnh, An Gia(21).
Ngày 5-9-1929 Khâm sứ Trung Kỳ kiêm Chủ tịch Hội đồng thượng thư triều đình Huế là Gia-bui-jơ (Jabouille) ra Nghị định thành lập thị trấn Ðông Hà (Centre de Dong-ha) thuộc phủ Triệu Phong và được Toàn quyền Ðông Dương Pát-xki-ê (Pasquier) ở Hà Nội chuẩn y vào ngày 6-11-1929(22) bao gồm phần đất nằm hai bên Quốc lộ 9, vốn là đất của làng Tây Trì, tổng An Lạc của huyện Cam Lộ.
Từ sau Cách mạng Tháng 8 (1945), chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Các đơn vị hành chính cấp phủ được đổi thành cấp huyện và tên gọi không có gì thay đổi. Cấp tổng bị bãi bỏ. Nhiều làng nhỏ hợp lại thành các đơn vị lớn gọi thống nhất là xã và mang những tên mới, do Uỷ ban Hành chính xã trông coi mọi việc. Đây là cuộc hiệp xã lần thứ nhất (theo Sắc lệnh số 63/SL ngày 23-11-1945 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 21-12-1945 của Chủ tịch Hồ Chí minh về tổ chức chính quyền nhân dân và UBND các cấp). Trong lần hiệp xã này, nhiều làng, thôn lân cận hợp lại thành một xã và tên xã là từ ghép của nhiều tên làng gộp lại (thường là từ 2 - 3 từ). Số lượng và tên các xã thời kỳ này trên địa bàn Cam Lộ chưa khảo cứu được.
Sau bầu cử Quốc hội (6-1-1946) và Hội đồng Nhân dân các cấp (2-1946), hệ thống chính quyền các cấp được hình thành một cách có tổ chức chặt chẽ từ tỉnh, huyện xuống đến xã, thôn; nhiều xã nhỏ hiệp thành những xã lớn hơn. Lúc này, trên địa bàn huyện Cam Lộ có 6 xã là Cam Thuỷ, Cam Mỹ, Cam Lộc, Cam Hoà, Cam Giang và Cam Tường. Tuy nhiên, nền hành chính của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Quảng Trị hoạt động chưa được bao lâu thì ngày 25-5-1947, quân đội Pháp tiến từ Huế ra chiếm lại tỉnh lỵ Quảng Trị. Các Uỷ ban hành chính các cấp lần lượt đổi thành Uỷ ban kháng chiến hành chính và rút vào bí mật hay lên chiến khu ở rừng núi để tiếp tục lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày 18-9-1950, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến trong tình hình mới, tạo ra sự liên kết vững chắc giữa các địa phương và giữa các vùng với nhau, thực hiện Quyết nghị số 1104-QN/P5 của UBKCHC Liên khu IV, các xã thuộc huyện Cam Lộ hợp nhất thành 3 xã: xã Vĩnh Hộ, do Cam Thuỷ và Cam Mỹ hợp thành; xã Cam Lộc, do xã Cam Lộc và Cam Hoà hợp thành; xã Cam An, do xã Cam Giang và Cam Tường hợp thành(23).
Về phía chính quyền Pháp, theo Nghị định số 1342-NĐ-PC ngày 20-9-1950 của Thủ hiến Trung Việt, hai làng Trúc Khê và Trúc Kinh nguyên thuộc tổng An Lạc sáp nhập vào tổng An Xá huyện Gio Linh. Nghị định số 19-NĐ/PC ngày 9-1-1951 tạm sáp nhập vào thị trấn Đông Hà 11 làng nguyên thuộc huyện Cam Lộ là: Tuy An, Cẩm Thạch, An Xuân, An Bình, Phú Hậu, Phổ Lại Xã, Phổ Lại Phường, Cam Lộ, Tây Trì, Đông Hà, Nghĩa An. Nghị định số 103-NĐ-PC ngày 29-1-1951 của Thủ hiến Trung Việt lại tạm sáp nhập vào thị trấn Đông Hà thêm 6 làng nguyên thuộc huyện Cam Lộ là An Lạc, Đông Lai, Đại Độ, Thượng Độ, Đình Tổ và Hoàn Thịnh(24).
Sau năm 1954, theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17 trở thành biên giới chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Theo đó, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai. Phần lớn diện tích và dân cư Quảng Trị ở phía Nam sông Bến Hải, trong đó có quận Cam Lộ thuộc miền Nam của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Theo Nghị định số 4245-NĐ-PC ngày 8-12-1955 của Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt, các đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị phía Nam sông Bến Hải gồm có 6 quận (Trung Lương, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ và Hướng Hóa), 65 xã và 395 thôn; trong đó quận Cam Lộ có 10 xã 73 thôn(25). Theo bản “Danh sách các xã với tình hình phong hoá, an ninh trật tự, kinh tế nhân vật biệt xứ có uy tín” của tỉnh trưởng Quảng Trị Nguyễn Văn Đông lập ngày 22-1-1958 thì 10 xã của quận Cam Lộ bao gồm: Cam Thanh (Thanh Lương, Đông Hà, Nghĩa An); Cam Phong (An Lạc, Thượng Nghĩa, Thượng Độ, Phi Thừa, Đình Tổ, Đại Độ, Đông Lai); Cam Xuân (An Xuân, Cẩm Thạch, Kim Đâu, Trúc Khê, Phổ Lại Xã, Phổ Lại Phường, Phú Hậu, Trúc Kinh); Cam Chính (Trung Chỉ, Minh Hương, Thiết Tràng Thượng, Sơn Nam, Đốc Kỉnh, Mai Lộc, Mai Đàn, Lộc An, Hà Xá, Đá Nậy); Cam Nghĩa (Cam Lộ phường, Quật Xá, Cu Hoan, Bảng Sơn, Hoàn Cát, Nghĩa Phong, Bảng Sơn, Phước An, Thượng Nghĩa, Miễn Hoàn); Cam Hiếu (Vĩnh An, Vĩnh Đại, Định Xá, Tân Hiệp, Triết Tràng Hạ, Thạch Đâu, Mộc Đức, Tân Trúc, Lâm Lang, Bích Giang, Trương Xá); Cam Hưng (Cây Trai, Tân Định, Phan Xá, Tân Mỹ, Đâu Bình, An Hưng, Phước Tuyền, Ba Thung, vạn Quật Xá); Cam Thái (An Mỹ, Thiết Tràng, Cam Lộ, Nghĩa Hy, An Thái, Thượng Nguyên, Bích Lộ); Cam Hoà (Cam Lộ Hạ, Mỹ Hoà, An Bình, Phú Ngạn, Nhật Lệ, Thiện Chánh, Thọ Xuân, Cam Vũ); Cam Phú (Cây Muồng, Sơn Lâm, An Thái, Ngã Hai).
Ngày 17-5-1958, theo Nghị định 215-HC/P6 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hoà, Nha đại diện hành chính Ðông Hà bị bãi bỏ để sáp nhập vào quận Cam Lộ, trở thành xã Ðông Hà. Lúc này, quận Cam Lộ gồm 13 xã: Cam Thanh, Cam Phong, Cam Xuân, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Hưng, Cam Thái, Cam Hoà, Cam Phú, Làng Ruộng, Làng Cát, Ðông Hà. Quận lỵ đóng tại xã Cam Nghĩa(26). Đến năm 1965, quận Cam Lộ chỉ còn 11 xã. Hai xã Làng Ruộng và Làng Cát không rõ sáp nhập vào xã/huyện nào, nhưng không còn nữa.
Ngày 21-12-1967, quận Trung Lương bị giải thể theo Nghị định số 289NĐ/PTh.T/PC của phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, các xã của quận này nhập vào quận Cam Lộ(27). Lúc này, quận Cam Lộ gồm 14 xã; ngoài 11 xã trước đây thì có thêm 3 xã: Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn. Quận lỵ đóng tại thôn Cam Lộ, xã Cam Thái. 
Ngày 29-4-1968, theo Nghị định 377-NĐ/NV của phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, một phần đất của quận Cam Lộ và quận Triệu Phong được tách ra để lập một quận mới lấy tên là quận Ðông Hà với việc quản lãnh 7 xã: Ðông Hà, Ðông Hòa (Cam Hoà cũ), Ðông Phong (Cam Phong cũ), Ðông Thanh (Cam Thanh cũ), Ðông Xuân (Cam Xuân cũ), Ðông Lễ (Triệu Lễ cũ), Ðông Lương (Triệu Lương cũ)(28).
Sau tháng 5-1972, một phần đất của tỉnh Quảng Trị từ phía Bắc sông Thạch Hãn trở ra chính thức đ¬ược giải phóng, Ðông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chính trị, quân sự và ngoại giao của một tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Ðể làm tròn nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, xây dựng Ðông Hà thực sự là trung tâm tỉnh lỵ, ngày 9-8-1973, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ra Quyết nghị số 823/QN tạm thời thành lập thị xã Ðông Hà đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của tỉnh với phạm vi đất đai gồm các phường, vạn của Ðông Hà cũ; các thôn Tây Trì, Ðông Hà (thuộc Cam Lộ), thôn Ðiếu Ngao (thuộc Triệu Phong). Ngày 15-8-1973, Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị ra quyết định số 71 thành lập thị xã Ðông Hà với 3 tiểu khu hành chính: Tiểu khu 1, Tiểu khu 2 và Tiểu khu 3 (nguyên là 3 phường Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam, Tây Trì, Ðông Hà).
Sau khi huyện Cam Lộ được giải phóng (2-4-1972), chính quyền cách mạng được thành lập thay thế cho chính quyền cũ. Các đơn vị hành chính xã không có gì thay đổi cho đến năm 1975. Chính quyền vùng mới giải phóng vẫn thiết lập trên cơ sở các đơn vị hành chính cũ lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi và tái thiết vùng giải phóng và tiếp tục phục vụ chiến trường. Từ tháng 6-1973 đến tháng 5-1975, khu vực nguyên là thành Vĩnh Ninh xưa thuộc huyện Cam Lộ đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn đặt trụ sở và trở thành nơi hội tụ tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân miền Nam; thành trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam để đón tiếp sứ bộ ngoại giao của nhiều nước và nhiều đoàn đại biểu của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến trình quốc thư và đặt quan hệ ngoại giao.
Sau khi đất nước thống nhất (4-1975), tháng 2-1976, thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã ra Nghị định về việc giải thể khu vực Vĩnh Linh để sát nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên mới được thành lập. Theo đó, tất cả các cấp quận cũ và khu vực Vĩnh Linh đều gọi thống nhất là huyện. Toàn tỉnh lúc này có 1 thị xã là Đông Hà và 6 huyện là: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hoá, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng. Một số huyện, xã cũng được sáp nhập lại với quy mô lớn hơn.
Ngày 11-3-1977, theo Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ, các huyện Vĩnh Linh, Do Linh và Cam Lộ được hợp nhất và mang tên mới là huyện Bến Hải. Ngày 20-4-1978, hợp nhất xã Cam An và xã Cam Giang thành xã Cam Giang, thuộc huyện Bến Hải(29).
Ngày 11-9-1981, theo Quyết định số 64-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, địa giới của thị xã Ðông Hà được điều chỉnh và phân định lại. Các xã Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thành, Cam Thuỷ, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Bến Hải; các xã Triệu Lương, Triệu Lễ thuộc huyện Triệu Hải được tách ra để sáp nhập vào thị xã Ðông Hà. Sau khi được mở rộng, thị xã Ðông Hà bao gồm các phường I, phường II, phường III, phường IV, phường V, và các xã Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thành, Cam Thuỷ, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa, Triệu Lương, Triệu Lễ(30). Ngày 13-6-1986, theo Quyết định số 73-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, trên địa bàn thị xã Ðông Hà, sáp nhập vào xã Cam Thành các thôn Quất Xá, Tân Mỹ, Tân Ðịnh, Phước Tuyền, An Hưng, Phan Xá, Tân Tường và Cam Phú của xã Cam Tuyền; sáp nhập vào xã Cam Tuyền các thôn Bắc Bình, An Thái, An Mỹ và Bích Lộ của xã Cam Thành(31). Như vậy, vào thời điểm này, tên huyện Cam Lộ không còn, các đơn vị hành chính của huyện Cam Lộ ngày nay đều nằm trong địa giới hành chính của thị xã Đông Hà.
Ngày 1-7-1989, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa VIII, kỳ họp thứ 5) quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 19-10-1991, theo Quyết định số 328-HÐBT của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Cam Lộ được thành lập lại bằng việc tách 8 xã của thị xã Ðông Hà là: Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Thuỷ, Cam Hiếu, Cam Thanh (trừ các thôn Nghĩa An, Thanh Lương chuyển về thị xã Ðông Hà quản lý) và Cam Giang (trừ các thôn An Lạc, Ðông Lai, Thượng Nghĩa, Ðại Ðộ, Ðình Tổ, Thượng Ðộ, Tây Trì chuyển về cho thị xã Ðông Hà quản lý). Sau khi điều chỉnh, phân định địa giới, huyện Cam Lộ có 8 xã với 35.199 hécta diện tích tự nhiên và 34.975 nhân khẩu(32). 8 xã của huyện Cam Lộ bao gồm: Cam Chính (gồm: Mai Lộc, Mai Đàn, Thiết Tràng, Trung Chỉ, Sơn Nam, Đốc Kỉnh, Lộc An, Minh Hương, Biều Đình Đò, Hà Xá, Thượng Nghĩa, Đại Độ); Cam Nghĩa (gồm: Cam Lộ phường, Bảng Sơn, Đồng Lai, Phương An, Cù Hoan, Nghĩa Phong, Định Sơn, Thượng Nghĩa, Quảng Xá, Hoàn Cát); Cam Tuyền (gồm: An Mỹ, Bích Lộ, An Thái, Bắc Bình, Xuân Mỹ, Ba Thung, Kim Đâu, Kim Bình, Tân Hoà, Tân Hiệp, Tân Quang, Tân Lập, Bản Chùa); Cam Thành (gồm: Thượng Nguyên, Cam Lộ, Thiết Tràng, Nghĩa Hy, Nam Hùng, Tân Thành, An Hưng, Tân Định, Tân Mỹ, Quật Xá, Tân Tường, Phan Xá, Cam Phú, Tân An, Phước Tuyền, Thiện Xuân); Cam Hiếu (gồm: Vĩnh An, Thạch Đâu, Bích Giang, Vĩnh Đại, Xóm Mới, Tân Trúc, Trương Xá, Định Xá, Mộc Đức); Cam Thuỷ (gồm: Tam Hiệp, Lâm Lang, Cam Vũ, Nhật Lệ, Thọ Xuân, Thiện Chánh, Tân Xuân); Cam Thanh (gồm: Phú Ngạn, An Bình, Cam Lộ); Cam Giang (gồm: Phổ Lại, An Xuân, Cẩm Thạch, Kim Đâu, Phi Thừa, Mỹ Hoà, Trúc Khê, Trúc Kinh, Trúc Sơn).
Ngày 21-10-1991, theo Quyết định số 516-TCCP của Bộ trưởng Trưởng Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, xã Cam Giang thuộc huyện Cam Lộ đổi tên thành xã Cam An(33).
Ngày 1-8-1994, theo Nghị định số 79-CP của Chính phủ, thành lập thị trấn Cam Lộ thuộc huyện Cam Lộ trên cơ sở các thôn: An Hưng, Cam Lộ, Thượng Nguyên, Thiết Tràng, Nghĩa Hưng, Nam Hùng của xã Cam Thành (34).
Trải qua bao biến động, đổi thay, tách nhập, đến nay, huyện Cam Lộ có 9 đơn vị hành chính bao gồm: thị trấn Cam Lộ là trung tâm huyện lỵ;  4 xã vùng đồng bằng là Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu và 4 xã miền núi là Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền, Cam Thành.
 
Y.T
________
Chú thích:
(1) Đào Duy Anh. Từ điển Hán - Việt. Nxb Khoa học xã hội, tr.82.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, tr.1392.
3 Phương Văn. Về vùng đất châu Ô đời Trần. Cửa Việt số 14/1992.
(4), (6), (8), (9) Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1977. tr.37 - 38; tr.41 - 44; tr.81 - 82.
(5) Xem thêm: Ðào Duy Anh. Ðất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Thuận Hoá, 1994, tr.59 - 60.
(7) Dương Văn  An. Ô châu cận lục. Văn Thanh - Phan Đăng dịch và chú giải, tr.55 - 56.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục chính biên, tập 1. Nxb Sử học. Hà nội 1962. tr.431.
(11) Cam Lộ phủ chí. Lê Tiết Nghĩa sao lục và hiệu đính. Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Xuân Hoà sưu tầm và dịch. Cửa Việt, số 36/1997.
(12), (13), (14), (15), (17) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí, T1.Nxb Thuận Hóa. 1992, tr. 102 - 103; tr.101; tr.99.
(16), (19) Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðồng Khánh địa dư chí. Sđd, tr.1393 - 1395.
(18), (20) Theo: Nguyễn Đình Tư. Non nước Quảng Trị. Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2011, tr. 97; tr.98.
(21) Trích theo: Annuaire administratif de L’Indonchine Frances năm 1914. Dẫn theo Nguyễn Đình Tư. Non nước Quảng Trị. Sđd, tr. 99.
(22) Journal Officiel de LIndochine Francaise (viết tắt là JOIC), Hanoi, 1929, p. 4278.
(23) Các Quyết nghị 1104-QN/P5 ngày 18/9/1950 của UBKCHC Liên khu 4. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội, 1997, tr.44. 
(24) Các Nghị định số 1342-NĐ-PC ngày 20-9-1950; Nghị định số 19-NĐ/PC ngày 9-1-1951; Nghị định số 103-NĐ-PC ngày 29-1-1951 của Thủ hiến Trung Việt. Dẫn theo: Nguyễn Đình Tư. Non nước Quảng Trị. Sđd, tr.105 - 106.    
(25) Nghị định số 4245-NĐ-PC ngày 8-12-1955 của Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt. Dẫn theo: Nguyễn Đình Tư. Non nước Quảng Trị. Sđd, tr. 109.
(26), (27), (28) Các Nghị định 215-HC/P6 ngày 17-5-1958 của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hoà; Nghị định số 286-ND/P.Th.T/PC ngày 21-12-1967, Nghị định số 377-NÐ/NV ngày 29-4-1968 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Sđd, tr. 102 - 103; tr. 201; tr. 204
(29), (30), (31), (32), (33) Các Quyết định 62-CP của Hội đồng Chính phủ ngày ngày 11-3-1977; Quyết định 74-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng ngày 20-4-1978; Quyết định 64-HÐBT ngày 11-9-1981; Quyết định số 72-HÐBT ngày 13-6-1986; Quyết định số 328-HÐBT ngày 19-1-1991 của Hội đồng Bộ trưởng; Nghị định số 79-CP của Chính phủ ngày 1-8-1994. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính 1945 - 1997. Sđd, tr. 242; tr.249; tr.316; tr.422; tr.552; tr.605.

Nguồn tin: Tạp chí cửa Việt số 248-5-2015 - Tác giả: Yến Thọ - Sưu tầm: T.N

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 52

Tổng lượt truy cập: 5.858.074